MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thời cơ săn nhân tài giá rẻ

23-03-2013 - 09:33 AM |

Để có một người giỏi về đầu quân, doanh nghiệp phải chi trả một mức lương cao và có khi phải chấp nhận nhiều "yêu sách". Thế nhưng khi kinh tế ảm đạm, nhu cầu tuyển dụng sụt giảm thì câu chuyện đã khác.

Khảo sát trực tuyến xu hướng tuyển dụng và dịch chuyển nhân lực cao cấp do mạng cộng đồng các nhà quản lý www.Anphabe.com thực hiện gần đây đã đưa ra nhiều thông tin đáng chú ý, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến những gợi ý giúp doanh nghiệp có thể tuyển dụng nhân tài với chi phí hạn hẹp trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Nhiều thuận lợi để tuyển nhân tài

Theo kết quả khảo sát của Anphabe, về mặt cấp bậc, mặc dù nhu cầu tuyển dụng quản lý cấp trung (trưởng phòng/giám đốc) ở một số ngành vẫn gia tăng, song nhu cầu tuyển dụng ở cấp bậc quản lý điều hành (C-level/Phó chủ tịch) sẽ sụt giảm mạnh. Bên cạnh một số ngành nghề vẫn có nhu cầu thu hút nhiều nhân sự cấp cao trong thời gian tới là hàng tiêu dùng nhanh, dược phẩm, giáo dục, sản xuất, chăm sóc sức khỏe và du lịch, dịch vụ, có khá nhiều ngành khác hiện dư thừa lao động cục bộ sẽ giảm nhu cầu tuyển dụng nhân sự cao cấp năm nay là ngân hàng, bất động sản, dịch vụ tài chính, xây dựng và công nghệ thông tin. 

So sánh tương quan các bộ phận, bộ phận tài chính/kế toán và pháp chế cũng sẽ có nhu cầu tuyển dụng giảm, nếu có thì chỉ tập trung nhiều vào cấp trưởng phòng. Bộ phận kỹ thuật vẫn có nhu cầu tuyển dụng, chủ yếu là nhân sự có kinh nghiệm, nhưng chưa ở mức quản lý.

Trong khi đó có tới 54% nhân sự cao cấp tham gia khảo sát đang mong muốn tìm một công việc xứng tầm hơn. Chỉ có 5,2% thực sự hài lòng với công việc hiện tại. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường nhân sự cao cấp trong thời gian tới sẽ có một lượng cung nhân lực lớn, nhất là những ngành kinh doanh gặp nhiều khó khăn - trong khi chính những ngành này lại đang giảm nhu cầu tuyển dụng mới.

Theo bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành mạng cộng đồng các nhà quản lý Anphabe.com thì đây là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp tuyển thêm các nhân tài mới với chi phí hợp lý, nhất là một số vị trí mà cung nhân lực đang cao. Trong giai đoạn nhiều doanh nghiệp đang sàng lọc lại bộ máy nhân sự, người lao động cũng bắt đầu đề cao các mục tiêu phát triển lâu dài hơn là các lợi ích tài chính trước mắt và nhân sự cấp cao cũng không còn quá "kén cá chọn canh".

Giữ người tài không chỉ bằng lương thưởng

Có nhiều kênh để nhà tuyển dụng tìm kiếm người tài như đăng tuyển, qua các công ty săn đầu người... Tuy nhiên, có một xu hướng mới đã thịnh hành ở các nước phát triển mà các giám đốc nhân sự tại Việt Nam không nên bỏ qua, đó là tuyển dụng nhân sự (nhất là nhân sự cấp cao) thông qua các mạng cộng đồng cho giới văn phòng. Đây là hình thức hiệu quả và khá kinh tế cho các công ty cần tuyển dụng, vì hình thức mạng cộng đồng đang trở thành những cổng thông tin nghề nghiệp mở, nơi kết nối quan hệ, trao đổi kiến thức của nhiều nhân sự cao cấp mà các kênh tuyển dụng truyền thống khó thu hút.

Trên thực tế, kết quả khảo sát do Anphabe thực hiện cho thấy 82,2% nhân sự cao cấp tham gia khảo sát có tham gia từ 1 - 3 trang mạng cộng đồng dành cho giới văn phòng tại Việt Nam và quốc tế. Nhân sự cấp cao tham gia mạng cộng đồng với mục đích như: "Cập nhật thông tin về môi trường làm việc và cơ hội nghề nghiệp tại các công ty lớn" (50,9%); "Tiếp cận với các chuyên gia và quản lý trong nhiều lĩnh vực" (48,2%); "Kết nối, gặp gỡ bạn bè và đồng nghiệp" (47,5%). 

Với những kết quả trên, nhiều chuyên gia về nhân sự khi được hỏi đều cho rằng các doanh nghiệp nên bắt đầu có chiến lược để phát triển thương hiệu nhà tuyển dụng, thu hút và xây dựng quan hệ với các ứng viên tiềm năng thông qua kênh này. Tuy nhiên, tiết kiệm nhất cho doanh nghiệp vẫn là giữ được nhân tài và duy trì được sự ổn định của bộ máy nhân sự, bởi dù chi phí tuyển dụng đang có xu thế giảm, nhưng việc tuyển dụng mới bao giờ cũng tốn kém hơn so với tận dụng nguồn lực sẵn có. 

Khảo sát của Anphabe cũng nhận định: khác với nhóm nhân sự không thuộc cấp bậc quản lý thường đặt lương bổng phúc lợi là yếu tố quan trọng nhất khi tìm công việc mới, nhóm nhân sự cao cấp ưu tiên các yếu tố khác nhiều hơn. Xếp theo thứ tự mức độ quan trọng, các yếu tố đó là: phù hợp mục tiêu nghề nghiệp lâu dài (44%), trách nhiệm và vai trò công việc xứng tầm (17%), môi trường làm việc, phong cách quản lý phù hợp (14%) và sau cùng mới đến lương bổng và phúc lợi (12%). Đây chính là yếu tố mà các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm khi muốn giữ chân người người tài cấp quản lý.

Đáng chú ý, khảo sát cũng nhấn mạnh một lý do khiến cho một lượng lớn nhân sự cấp cao mong muốn có công việc mới trong giai đoạn này. Đó là những yếu tố nảy sinh do khó khăn của nền kinh tế. Vì thế, các doanh nghiệp rất nên lưu ý đây là giai đoạn nhân sự thường bị mệt mỏi, căng thẳng nên cũng rất dễ dao động.

Nói về kinh nghiệm giữ chân người tài nhưng không nhất thiết phải bằng lương thưởng, chị Trương Bích Đào, Giám đốc Nhân sự Công ty Nestle Việt Nam gợi ý: "Doanh nghiệp cần có những chương trình thông tin xuyên suốt, kịp thời trong toàn công ty; những hoạt động khuyến khích tinh thần làm chủ như chia sẻ và tham gia ý kiến từ nhân viên cho kế hoạch doanh nghiệp, để họ cảm nhận rõ vai trò quan trọng và đóng góp của chính mình trong việc giúp doanh nghiệp vượt khó khăn… Sự đồng lòng của một đội ngũ để cùng nhau tồn tại bền vững sẽ tạo nên sự gắn kết và giúp nhân viên yêu quý nơi mình đang làm việc hơn".

Đồng ý với chị Đào, anh Trần Đức Huy, CEO Vĩnh Tường chia sẻ thêm: "Trong giai đoạn khó khăn này, sếp cần gần gũi, lắng nghe nhân viên hơn, cập nhật thường xuyên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp để tránh làm cho nhân viên lo lắng. Các thông điệp đưa ra cần chính xác, nhưng phải theo hướng tích cực để tạo niềm tin".

Như vậy trong năm 2013, với khá nhiều thách thức kinh tế còn ở trước mắt, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội để săn nhân tài "giá rẻ" hơn, nhưng cũng không vì thế mà thiếu chú trọng tới việc giữ chân người tài và tận dụng tối đa các kênh tuyển dụng mới. Với một quỹ lương có thể không thật dồi dào nhưng nỗ lực của doanh nghiệp trong việc thay đổi cách tiếp cận và giữ chân người tài sẽ là cơ hội để cùng vượt khó và tiến tới giai đoạn phát triển bền vững.
 

Với việc thay đổi cách tiếp cận và giữ chân người tài, vẫn có cơ hội để doanh nghiệp vượt khó và tiến tới giai đoạn phát triển bền vững

 
Theo Thanh Hằng
Minh họa: Long Nguyễn

tanhoa

Diễn đàn Doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên