MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quan trọng là người giữ USD có muốn gửi ngân hàng hay không chứ không phải lãi suất 1 hay 2%

30-07-2017 - 16:37 PM | Tài chính - ngân hàng

Lãi suất VND đang cao hơn lạm phát, giữ VND đang có lợi thì chẳng mấy ai muốn giữ ngoại tệ làm gì. Còn muốn giữ USD một cách có lợi nhất thì phải giữ từ nhiều trăm ngàn USD trở lên...

Ngân hàng Nhà nước đã đưa lãi suất tiền gửi USD về mức 0% đối với cá nhân và tổ chức kinh tế suốt từ năm 2015 tới nay. Trong gần 2 năm qua, tỷ giá vẫn trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý, đồng thời NHNN còn mua vào được lượng lớn ngoại tệ giúp dự trữ ngoại hối của Việt Nam lên mức cao kỷ lục hơn 42 tỷ USD.

Tuy nhiên gần đây, Chính phủ đã yêu cầu NHNN nghiên cứu biện pháp nhằm huy động nguồn USD nhàn rỗi trong dân đưa vào sản xuất kinh doanh. Với yêu cầu này, câu chuyện có nên áp dụng chính sách lãi suất với USD trở lại hay không lại một lần nữa được đưa ra luận bàn khá sôi nổi.

Đang có hai luồng ý kiến trái ngược nhau, trong đó một bên cho rằng với tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại, NHNN nếu áp dụng trần lãi suất USD sẽ làm tăng tình trạng đô la hóa cùng với những rủi ro khác cho nền kinh tế, còn một bên lại cho rằng nếu giữ nguyên chính sách thì NHNN khó mà huy động được USD hoặc có thì cũng chỉ như muối bỏ bể, muốn hút được nguồn vốn ấy nhất thiết phải áp dụng trở lại lãi suất với tiền gửi USD, thậm chí là với lãi suất cao hẳn…Và bên nào cũng có cái lý của riêng mình.

Trước khi bàn chuyện lãi suất phải biết ngoại tệ cần hút về đang nằm ở đâu

Ông Ngô Ngọc Tuấn, Giám đốc Vietcombank Sóc Trăng cho rằng, trước khi bàn đến việc có hay không áp dụng trần lãi suất với tiền gửi USD trở lại cần phải phân tích rõ thực trạng của dòng ngoại tệ hiện nay.

Nguồn ngoại tệ vào Việt Nam có 2 đặc điểm chính. Thứ nhất là ngoại tệ bị kiểm soát chặt chẽ, không dễ dàng sử dụng theo ý muốn của doanh nghiệp bởi luậ quản lý ngoại hối. Muốn sử dụng phải đúng, đủ điều kiện do Nhà nước đã quy định và buộc phải thông qua hệ thống ngân hàng. Chẳng hạn như nguồn FDI, FII, ODA, viện trợ không hoàn lại, vay nợ nước ngoài (vay trực trực tiếp hoặc bán trái phiếu quốc tế)…, và nguồn ngoại tệ này khi đã vào Việt Nam không thể rơi rớt dưới dạng nguyên tệ (ngay cả trong trường hợp tham nhũng), nếu có rơi rớt, thì chỉ rơi rớt sau khi đã chuyển hóa thành VND.\

Thứ hai, nguồn ngoại tệ vào Việt Nam không bị bắt buộc "biến hình thành VND" nghĩa là vẫn nằm dưới dạng nguyên tệ và được pháp luật hiện hành bảo vệ. Và đây mới chính là "đối tượng" đang nằm rơi vãi trong dân chúng, và mới là đối tượng được "nhắm đến" để huy động vào hệ thống NHTM.

Trong nguồn ngoại tệ thuộc sở hữu của dân có nhiều loại như kiều hối (là nguồn lớn nhất hiện nay); tiền gửi từ xuất khẩu lao động; ngoại tệ khách du lịch đem vào Việt Nam chi tiêu; tiền của các Việt kiều hồi hương, bán tài sản ở nước ngoài đem về; hay từ nguồn thu do bán được chất xám cho nước ngoài (ví dụ Nguyễn Hà Đông trong thương vụ bán game điển hình)…Các nguồn ngoại tệ này có đặc điểm người chủ sở hữu có thể gửi ngoại tệ vào ngân hàng hay rút ra bằng ngoại tệ mặt đều được và ngân hàng không cấm. Ngoại trừ nguồn tiền gửi vào ngân hàng có thể thống kê được từ các ngân hàng thương mại thì phần còn lại là lượng trôi nổi trên thị trường cần chú ý để huy động vốn.

Ông Tuấn cho rằng, các quan điểm về nên hay không áp lãi suất hiện nay đều không đưa ra dữ liệu cụ thể là lượng ngoại tệ nằm ngoài xã hội đó đang do ai nắm giữ, do dân hay trong các “cá mập”, rồi lượng ngoại tệ được dùng để kinh doanh hợp pháp (có đóng thuế) hay để phục vụ nền kinh tế ngầm cũng như các nhu cầu khác…? Nếu chỉ ra được những số liệu này thì mới có biện pháp huy động thích hợp.

Quan trọng là người giữ USD có muốn gửi hay không

Giám đốc Vietcombank Sóc Trăng đồng thời nhận định, do đồng USD đang bị mất giá, cũng có nghĩa là VND đang lên giá, lãi suất VND đang cao hơn lạm phát, giữ VND đang có lợi thì chẳng mấy ai muốn giữ ngoại tệ làm gì. Còn muốn giữ USD một cách có lợi nhất thì phải giữ từ nhiều trăm ngàn USD trở lên. Lúc này lại phát sinh câu hỏi liệu dân chúng có mấy ai dư giả như vậy hay chỉ những "tay to" mới có tiền? “Một khi đã là “tay to” với lợi ích của nền kinh tế ngầm thì có vì 1 hay 2% lãi suất để gửi tiền vào ngân hàng thì có khác gì "lạy ông tôi ở bụi này không?", ông Ngô Ngọc Tuấn nói và khẳng định ngay rằng một khi dòng tiền đã thuộc về kinh tế ngầm thì rất khó để huy động.

Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê, trước và sau khi áp dụng lãi suất huy động USD % thì lượng huy động tiền gửi USD không tăng giảm nhiều, điều này chứng tỏ mức tác động của lãi suất tiền gửi ngoại tệ là không lớn. Nếu tăng lãi suất huy động mà lượng ngoại tệ huy động không được như mong muốn, trong khi lại làm gia tăng tình trạng USD hóa, làm giảm niềm tin với chính sách, thì chỉ mang đến tác dụng ngược mà thôi.

Vị giám đốc ngân hàng nói thêm, về chính sách, Nhà nước đã và đang đảm bảo kênh gửi tiền VND có lợi cho người gửi, việc chuyển đổi từ ngoại tệ thành VND để gửi hay không là do chủ sỡ hữu quyết định, chứ không phải không có kênh chuyển đổi cũng như vấn đề lãi suất thế nào.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên