Quán xá đìu hiu, tài xế, shipper ở Đà Nẵng buồn bã vì thất nghiệp: "Mong dịch sớm được kiểm soát để tôi còn đi làm nuôi vợ con"
Trong những ngày đầu Đà Nẵng tạm dừng các hoạt động vận chuyển nhằm hạn chế sự lây lan, bùng phát dịch Covid-19, theo ghi nhận của chúng tôi, tất cả quán xá rơi vào cảnh đìu hiu, tài xế, shipper buồn bã vì thất nghiệp.
Shipper và tài xế ở Đà Nẵng lao đao vì dịch Covid-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, sáng 17/5, Đà Nẵng đã chính thức tạm dừng các hoạt động taxi, xe ôm, grab, shipper trên toàn địa bàn. Đồng thời yêu cầu tất cả tài xế các phương tiện nêu trên đến cơ sở y tế nơi thường trú, lưu trú khai báo và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 miễn phí. Khi hết thời hạn tạm dừng, các lái xe có kết quả xét nghiệm âm tính mới được phép hoạt động trở lại.
Việc tạm dừng các hoạt động vận chuyển này nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, khi thời gian qua, Đà Nẵng đã ghi nhận một số ca mắc Covid-19 liên quan đến grab, shipper. Tuy nhiên, việc này cũng đã khiến hầu hết các tài xế rơi vào tình cảnh khó khăn, nhất là những người chạy GrabCar mua xe trả góp. Bởi, nay không có thu nhập nhưng họ vẫn phải gánh trên lưng tiền trả lãi, gốc ngân hàng hằng tháng, trong đó nhiều tài xế đứng trước nguy cơ có thể phải bán xe để giải quyết "nợ xấu".
Anh Nguyễn Văn L. (trú quận Liên Chiểu) cho biết, cách đây hơn 1 năm, anh mua 1 chiếc ô tô bằng hình thức trả góp với giá hơn gần 700 triệu đồng. Mỗi tháng anh phải trả cả gốc lẫn lãi hơn 10 triệu đồng. Đấy là chưa kể các chi phí bảo dưỡng xe, bảo hiểm,... Thời còn "ăn nên làm ra", trừ hết các khoản chi phí, mỗi ngày trung bình anh thu nhập được khoảng 1 triệu đồng. Xong tiền trả ngân hàng mỗi tháng anh dư được gần 20 triệu, cuộc sống gia đình cũng thư thả.
Nhân viên y tế ở Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho các shipper, grab,...
Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, từ khi xuất hiện dịch Covid-19 thì lượng khách du lịch đến Đà Nẵng giảm rất nhiều, khiến công việc của anh khá chật vật. Đặc biệt, khoảng nửa tháng nay, từ khi đợt dịch mới bùng phát, rất nhiều khách hàng gọi xe xong lại hủy chuyến vì lo ngại việc có nhiều người sử dụng và không gian chật hẹp của xe sẽ khiến nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn, khiến thu nhập của anh vốn đã ít ỏi lại càng thêm bấp bênh hơn.
"Bây giờ không được hoạt động nữa khiến tôi lo suốt ngày hôm nay. Biết là vì cộng đồng nhưng kinh tế khó khăn quá. Hi vọng sau dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát để anh em tài xế chúng tôi được kiếm cơm trở lại để lo cho gia đình", anh L. tâm sự.
Không chỉ các tài xế taxi, GrabCar bị ảnh hưởng mà ngay đối với cánh xe ôm, GrabBike thời gian qua cũng đang lao đao vì dịch Covid-19.
Anh Lê Văn T. (trú quận Thanh Khê) cho biết, lượng khách hàng đông đảo nhất, thường xuyên sử dụng dịch vụ là giới nhân viên văn phòng, phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, thời gian qua, do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên một số công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà; học sinh, sinh viên nghỉ học dài ngày nên về quê, khách du lịch ít ỏi; cùng với đó người dân hạn chế ra đường nên nhiều ngày anh ngồi cả buổi mà không "nổ" khách.
"Chạy liều" trong ngày Đà Nẵng đã có lệnh tạm dừng, một số grab, shipper bị nhắc nhở và viết bản cam kết không tái phạm
Vợ anh T. trước đây làm nhân viên bất động sản, tuy nhiên do dịch Covid-19 nên đã thất nghiệp suốt gần 1 năm nay. Hai đứa con nhỏ của anh năm nay đứa vào lớn 1, đứa chuẩn bị lên lớp 6 khiến gánh nặng "cơm áo gạo tiền" đè lên đôi vai của người đàn ông 36 tuổi.
"Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách hàng giảm đi rõ rệt, ước chừng khoảng 50%. Tuy nhiên, dù sao vẫn có thu nhập để trang trải cuộc sống, nhưng hôm nay thì tôi đã tạm thời thất nghiệp. Dù sao thì vẫn rất biết ơn Đà Nẵng vì đã xét nghiệm Covid-19 cho anh em tài xế công nghệ. Chỉ mong dịch sớm được kiểm soát để tôi còn đi làm lại, kiếm tiền nuôi vợ con", anh T. trải long.
Hàng quán "cầm chừng" nhưng vẫn ế khách
Theo ghi nhận của PV, trong những ngày đầu Đà Nẵng thực hiện dừng hoạt động, tại các tuyến đường vốn đông hàng quán và lực lượng shipper túc trực như Huỳnh Thúc Kháng, Hùng Vương, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Diệu, Phạm Như Xương, Ngô Văn Sở,… nay trở nên vắng lặng, đìu hiu. Nhiều hàng quán đóng cửa, hoặc hạn chế nhập hàng hơn thường ngày vì không còn lực lượng shipper hoạt động.
Suốt 2 hôm nay, các lực lượng chức năng cũng tổ chức kiểm tra, giám sát chặt và yêu cầu người kinh doanh ký cam kết không vi phạm. Hầu hết chủ kinh doanh và lực lượng shipper đều chấp hành nghiêm túc lệnh cấm của thành phố.
Một chủ quán cafe ở Đà Nẵng ký cam kết không bán hàng cho lực lượng shipper
Một số hàng quán vẫn cố bán "cầm chừng" nhưng cũng khá ế khách
Chị Lê Thị Th, chủ quán cơm tấm trên đường Phạm Như Xương (quận Liên Chiểu) cho biết, hôm qua nhận được thông báo của thành phố, lường trước lượng khách mua cơm sẽ giảm nên chị chủ động nấu ít lại.
"Do không có shipper hoạt động nên quán vắng lắm. Chỉ có số ít người là nhân viên công ty, văn phòng, lao động khu vực gần đây đến mua cơm mang về. Dịch bệnh phức tạp nên đành phải chấp nhận thôi. Chỉ hi vọng thành phố nhanh chóng dập được dịch để sinh hoạt, buôn bán trở lại bình thường chứ không thì chắc phải thanh lý lại mặt bằng luôn quá", chị Th. buồn rầu nói.
Còn chị Bình, chủ 1 quán cà phê trên đường Phan Thành Tài (quận Hải Châu) cũng đang tính tạm dừng kinh doanh vì không bán được.
"Hôm nay thành phố dừng hoạt động của shipper nên ế ẩm lắm. Mấy ngày trước, dù không phục vụ tại chỗ nhưng shipper còn hoạt động, khách ship hàng nhiều chứ hôm nay chỉ có mấy người sống lân cận đến mua. Tôi đang tính tạm đóng cửa chờ tình hình chứ mình đã ký cam kết rồi, không thể vi phạm được", chị Bình cho biết.
Không được bán hàng tại chỗ và không có shipper, nhiều hàng quán nổi tiếng, thường ngày vốn đông đúc nay trở nên vắng vẻ, đìu hiu
Trái ngược hoàn toàn với hình ảnh lực lượng shipper đông đúc, chen chúc bên ngoài một quán trà sữa giữa mùa dịch khiến nhiều người ái ngại (ảnh chụp ngày 16/5)
Gắn bó với nghề shipper hơn 3 năm nay, anh Phan Tuấn B. (trú huyện Hòa Vang) cho biết, từ ngày dịch bệnh bùng phát trở lại và Đà Nẵng yêu cầu hàng quán chỉ bán mang về (ngày 7/5), trong gần 2 tuần qua, số lượng đơn hàng tăng gấp đôi, anh và các đồng nghiệp làm việc liên tục, thu nhập cũng khá. Tuy nhiên, hôm nay Đà Nẵng dừng hoạt động loại hình dịch vụ giao hàng, anh chính thức thất nghiệp, gánh nặng cơm áo bắt đầu đè nặng.
"Những ngày qua, cứ 6h mở ứng dụng thì đơn hàng 'nổ' liên tục, các shipper cuống cuồng xếp hàng để nhận đơn. Mỗi ngày chạy khoảng 15-20 đơn nhưng nay thì thất nghiệp rồi. Sáng nay vẫn có đơn nhưng tôi không dám nhận. Biết là cuộc sống sắp tới sẽ khó khăn hơn nhưng mình phải chấp hành quy định phòng chống dịch Covid-19. Tôi đang liên hệ để đi lấy mẫu xét nghiệm và chỉ làm việc trở lại khi thành phố cho phép", anh B. chia sẻ.
Còn chị Trịnh Xuân H. (trú quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) trước là hướng dẫn viên du lịch nhưng chuyển nghề shipper từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng năm 2020.
Một quán gà rán trên đường Lê Duẩn (Đà Nẵng) vốn rất đông khách nay khá im ắng
"Ngành du lịch bị khủng hoảng vì Covid-19, hướng dẫn viên tự do như tôi thất nghiệp phải kiếm nghề khác để mưu sinh. Làm nghề shipper tuy vất vả nhưng cũng ổn định, đủ trang trải sinh hoạt. Trung bình mỗi ngày tôi giao đến 40 - 50 suất, thu nhập có thể dao động từ 300.000 - 400.000 đồng. Nhưng nay dịch bệnh lại bùng phát, không biết nghỉ đến khi nào. Cứ thế này đến cơm tôi cũng không có mà ăn mất", chị H. than thở.
Theo chia sẻ của hầu hết các tài xế taxi, xe ôm công nghệ, trong thời điểm khó khăn chung, họ đều tin tưởng Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng TP. Đà Nẵng sẽ làm tốt công tác kiểm soát, không để dịch bệnh kéo dài. Họ luôn hi vọng mọi hoạt động kinh tế - xã hội, văn hóa... trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất để cơ hội mưu sinh của mình được thuận lợi hơn.
Doanh nghiệp và tiếp thị