Quảng Bình gia hạn thêm 24 tháng với dự án môi trường 38 triệu USD
Do không thể hoàn thành dự án đúng thời hạn vào 31/12/2022 nên dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới đã được gia hạn tiến độ đến hết năm 2024.
Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới đã không thể "về đích" đúng hạn vào 31/12/2022. Ảnh: Ngọc Tân
Ban quản lý Dự án môi trường và biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới (BQL Dự án) cho biết, HĐND tỉnh Quảng Bình vừa thông qua nghị quyết phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình với thời gian hoàn thành được kéo dài đến ngày 31/12/2024.
Dự án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1252/QĐ-TTg ngày 25/8/2014 và phê duyệt điều chỉnh danh mục dự án tại Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 26/4/2016 với tổng mức đầu tư là 38,8 triệu USD- tương đương 879 tỷ đồng. Trong đó vốn vay từ Ngân hàng châu Á ADB là 30 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại 1 triệu USD và vốn đối ứng 7,8 triệu USD.
Dự án có thời gian thực hiện từ 2015 - 2022. Mục tiêu chính của dự án là xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới; thực hiện việc thu gom, thoát nước thải và chống ngập lụt một số vị trí trong thành phố; thực hiện các biện pháp quản lý lũ lụt và cơ sở hạ tầng khác để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc BQL Dự án – chủ đầu tư cho biết, đến nay, BQL Dự án đã tổ chức lựa chọn nhà thầu và trao thầu và tổ chức thực hiện 11/11 gói thầu sử dụng vốn vay và vốn tài trợ của ADB với tổng giá trị hợp đồng 461,99 tỷ đồng, bao gồm 6 gói thầu xây lắp, 4 gói thầu tư vấn và 1 gói thầu thiết bị.
Tính đến ngày 31/10/2022, dự án thực hiện được khoảng 40 % tổng khối lượng các hợp đồng và giải ngân được 140,1 tỷ đồng, đạt khoảng 31% tổng giá trị hợp đồng đã ký kết. Dự kiến trong năm 2022, dự án sẽ bàn giao đưa vào sử dụng 2/6 gói thầu xây lắp, còn 4 gói thầu xây lắp còn lại dự kiến không thể hoàn thành theo tiến độ.
"Nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ là do quy trình thủ tục chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn kéo dài nên đến quý II/2020 mới ký được các hợp đồng xây lắp. Trong khi đó, dự án đã phải hoàn thành vào 31/12/2022, nhưng trong giai đoạn này trên địa bàn tỉnh xảy ra lũ lụt lịch sử, ảnh hưởng của các biện pháp dãn cách xã hội do dịch Covid-19, cũng như sự thay đổi nhân sự lãnh đạo BQL Dự án, cộng thêm các vướng mắc giải phóng mặt bằng, tái định cư, việc điều chỉnh thiết kế, chồng lấn dự án…đã khiến dự án không thể hoàn thành đúng thời hạn", ông Tịnh nói.
Vị này cho biết do tiến độ không đạt, tại cuộc họp với đoàn công tác ADB vào tháng 4/2022, BQL Dự án đã đề xuất gia hạn thời gian thực hiện dự án thêm 24 tháng để thực hiện hoàn thành các gói thầu, đảm bảo đạt được các mục tiêu dự án đề ra.
"Vấn đề này sau đó đã được ADB thống nhất đưa vào biên bản ghi nhớ và được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thông qua vào tháng 8/2022 vừa qua. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và phía ADB cũng đã có ý kiến đồng thuận để triển khai các bước tiếp theo", ông Tịnh thông tin thêm.
Cũng theo ông Tịnh, mặc dù được gia hạn tiến độ nhưng dự án sẽ không phát sinh thêm các khoản chi phí về thuế, mà chỉ tăng thêm phí cam kết đối với nguồn cho vay lại khoảng 19,5 nghìn USD, tương đương 460 triệu đồng. Mặt khác, do dự án sẽ hủy vốn dư 8.728 triệu USD nên sẽ giảm chi phí trả lãi vay so với phương án đã phê duyệt trước đây khoảng 348 nghìn USD (tương đương 8.200 triệu đồng).
Nhà đầu tư