MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quảng Bình: Khốn khổ vì hàng chục ha tiêu chết không rõ nguyên nhân

27-06-2017 - 13:21 PM | Thị trường

Nhiều tháng nay, cây tiêu ở thị trấn Nông trường Việt - Trung (Bố Trạch - Quảng Bình) đang bị bệnh vàng rồi khô dần, người dân vẫn chưa tìm ra cách chữa trị để cứu vườn tiêu.

Khốn đốn vì tiêu chết

Gia đình bà Đậu Thị Thu ở tổ dân phố Quyết Thắng (thị trấn Nông trường Việt-Trung) cho biết “gia đình tôi có 3 thửa đất dùng để trồng cây tiêu với hơn 450 gốc. Trong đó có 150 gốc trồng 17 năm, 280 gốc trồng 6-7 năm, và một số mới trồng xen quanh nhà. Vườn tiêu 280 gốc không biết vì bệnh gì mà cây bị héo vàng lá rồi khô dần từ ngọn đến gốc. Lúc đầu tiêu mới bị bệnh chỉ vài gốc bị, nhưng giờ cứ lan sang các gốc khác, từ vườn nhà này sang vườn nhà khác”.

Để cứu tiêu, nhiều hộ dân đã dọn vườn và chặt bỏ những gốc tiêu gần với khu vực bị bệnh để hạn chế lây lan nhưng không ngăn chặn được. Bên cạnh đó, người dân cũng đi tìm mua các điểm bán thuốc bảo vệ thực vật để nghe tư vấn và mua thuốc về chữa bệnh thối rễ, nhưng diện tích vườn tiêu bị bệnh chết ngày càng tăng lên.


Vườn tiêu nhà bà Đậu Thị Thu bị bệnh chết khô

Vườn tiêu nhà bà Đậu Thị Thu bị bệnh chết khô

“Có một số cán bộ trên tỉnh, huyện về xem và họ nói tiêu bị bệnh chết nhanh và chết chậm. Bệnh chết nhanh là cây tiêu hôm nay còn xanh mướt, nhưng mai đã bị héo rũ toàn thân, rồi bị khô toàn thân. Những cây chết nhanh thì trong ruột cây bị đen từ gốc lên. Còn bệnh chết chậm là cây héo, vàng từ ngọn cây từ từ lan xuống gốc. Đến nay chúng tôi chưa có hướng dẫn chữa bệnh gì cả, nên người dân đang tự tìm tòi để cứu tiêu thôi” bà Thu cho biết.

Gần nhà bà Thu là nhà anh Thiện cũng có hơn 300 gốc tiêu trồng được 3 năm cũng bị chết khô. “Trồng cây tiêu cũng khá dễ, nhưng khi bị bệnh cũng rất khó chữa. Bởi cây tiêu không ưa đất dưới gốc xốp, mà phải nín chặt, chỉ làm cỏ và bón phân 2 lần/năm. Có nhiều hộ họ chỉ bón 1 lần, sau khi thu hoạch xong chờ mưa là họ bón phân luôn. Gia đình tôi vì đi làm nên khi tiêu nhiễm bệnh không biết, chỉ thời gian ngắn mà 300 gốc gần ra quả thì bị héo úa rồi chết khô” anh Thiện buồn rầu.

Người dân các tổ dân phố Quyết Thắng, Xung Kích cuộc sống dựa vào cây tiêu là chủ yếu. Để đầu tư một héc-ta tiêu bằng trụ đúc bê-tông và tưới nhỏ giọt thì có giá từ 350-400 triệu đồng. Nếu trồng cây làm trụ thì tốn 200 triệu/héc-ta. Cây tiêu trồng cơ bản 3 năm là bắt đầu cho thu hoạch, và tuổi thọ cây tiêu kéo dài 20-25 năm.

“Tùy theo thời tiết, nhưng cây tiêu cho năng suất khá ổn định, giá bán cũng cao, nên mỗi vườn tiêu hàng năm gia đình tôi cũng thu gần 80 triệu đồng, giờ bị bệnh tiêu chết mất một vườn rồi, vợ chồng tôi đang tìm cách để cứu vườn còn lại để mà có nguồn thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình”- bà Thu kể chuyện.

Tiêu chết vì úng?

Ông Trần Văn Dậu ở tổ dân phố Xung Kích thống kê trong tổ dân phố có 22 hộ có tiêu chết, trong đó có 10 hộ bị chết hoàn toàn. Triệu chứng tiêu chết là lúc đầu héo, vàng lá rồi từ từ chết xuống gốc. Tình trạng lan từ cây chết trước sang những cây xung quanh đó, nên chắc chắn có mầm bệnh lây lan, nhưng người dân mua thuốc bảo vệ thực vật về phun thì không giảm.


Những gốc tiêu bị bệnh chết, sau đó lan sang những gốc bên cạnh.

Những gốc tiêu bị bệnh chết, sau đó lan sang những gốc bên cạnh.

Ông Phan Văn Trưng-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông Trường Việt - Trung cho biết “Trên địa bàn thị trấn có khoảng 200 hec-ta trồng tiêu, thời gian gần đây có hiện tượng tiêu bị chết, qua thống kê thì diện tích tiêu chết lên tới 15 héc-ta. Trên thực tế thì số tiêu chết chắc sẽ lớn hơn vì có nhiều gia đình chết một vài gốc họ không báo. Cây tiêu không phải chết đồng loạt, mà chết rải rác, nhiều nhất là tổ dân phó Xung Kích, và Quyết Thắng.

Diện tích cây tiêu chết tập trung nhiều vào các vườn tiêu già có tuổi từ 17 – 20 năm. Cây tiêu là cây không chịu úng, nên người dân trồng tự phát, không áp dụng các kỹ thuật trồng và chăm sóc đúng cách. Người dân khi trồng không đào ụ nên thời tiết năm vừa rồi mưa quá nhiều nên tiêu bị ngập úng, đổ lá rồi chết. Những vùng thấp thì chết đại trà hơn. Còn xác định tiêu chết nhanh và chết chậm thì chưa có kết luận bị bệnh gì, nên chúng tôi cũng chỉ đạo bà con có vườn tiêu bị chết, phải xử lý vôi bột và 2-3 năm sau mới tiếp tục trồng lại, để tránh mầm bệnh trở lại”.

“Khí hậu và thổ nhưỡng ở Quảng Bình khác với các địa phương khác, nên việc người dân học hỏi từ các nơi khác về rồi tự trồng sẽ tăng rủi ro. Vì thế để phổ biến kiến thức cho người dân trồng tiêu, năm 2017, UBND thị trấn đã mời cán bộ chuyên môn về tổ chức 2 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc tiêu, với hơn 100 người dân tham gia” ông Trưng cho biết.

Người dân cũng thừa nhận, họ tự trồng tiêu qua học hỏi lẫn nhau và thấy làm có thu nhập nên tự nhân rộng vườn một cách tự phát. “Cây tiêu trồng mỗi năm phải bón phân 2 lần, nhưng nhiều gia đình cứ thu hoạch xong, sang mùa mưa là bón 1 lần rồi thôi. Chỉ vun xới cỏ nhẹ trên mặt là được. Gần 20 năm gia đình trồng tiêu, chưa một lần phải sử dụng thuốc trừ sâu, nhưng vừa rồi tiêu bị bệnh thì mua thuốc gần 2 triệu về phun cũng không được. Gia đình cũng không được ai phổ biến kiến thức gì nên thấy hàng xóm làm thì mình trồng, rồi tự lên mạng để học thêm thôi” bà Thu cho biết.

Theo Thanh Hà

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên