Quảng Bình: Ông lão rơi nước mắt ngồi ôm hũ gạo không dám ăn, liều mình bám trụ lại nhà trông coi tài sản giữa những ngày đỉnh lũ
Nước lũ lên cao, ông Quyết sơ tán mẹ già và vợ con đến nơi cao hơn để ở. Suốt 4 ngày đỉnh lũ, ông vẫn bám trụ lại căn nhà, trèo qua ban thờ gia tiên lên "gác xép" tự tạo canh tài sản của gia đình, nửa bước không rời.
- 23-10-2020Gặp cụ bà lưng còng "cõng" bao quần áo, mì tôm ủng hộ người dân miền Trung: "Hơn 200.000 đồng/tháng tôi vẫn đủ ăn tiêu xả láng, của ít lòng nhiều, giúp được phần nào đỡ phần đó"
- 22-10-2020Những con số biết nói qua chuyến cứu trợ miền Trung của Thủy Tiên: Đằng sau 3 bài viết 1 triệu like và 100 tỷ là câu chuyện lòng tốt được lan tỏa
- 21-10-2020Clip: Cụ bà ở Hải Dương "cõng" bao quần áo và mì tôm gửi xe ủng hộ miền Trung, món quà nhỏ nhưng giàu nghĩa tình khiến nhiều người xúc động
Trong khi người dân ở trong thôn đều bỏ nhà rời đi ở nhờ những nhà cao tầng của hàng xóm để tránh lũ, thì một mình ông Nguyễn Trung Quyết (xã An Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình) vẫn trụ lại ngôi nhà của mình để trông giữ tài sản.
Giữa những ngày đỉnh lũ, ngôi nhà của ông 2/3 ngập chìm trong nước, không đồ ăn, không ánh sáng, ông lão leo lên bàn thờ rồi một mình ở trên chiếc "gác xép" nhỏ nửa bước không rời.
Nước ngập hơn nửa nhà vẫn ở lại trông coi tài sản
Vốn ở nơi "rốn lũ" của huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình, ông Quyết và người dân nơi đây dù đã quen sống với cảnh lũ lụt, nhưng đợt lũ lịch sử kéo dài gần 2 tuần qua khiến người dân nơi đây không kịp trở tay. Toàn bộ tài sản bị nhấn chìm, cuốn trôi theo dòng lũ.
Đối mặt với trận lũ, người dân vẫn quyết ở lại để trông coi tài sản
Sau những đêm mất ngủ, mệt mỏi rã rời vì dầm mình trong lũ, nay những người dân xã An Thuỷ đang trở về nhà cố gắng gượng dậy thu dọn nhà cửa từ đống đổ nát, tan hoang để ổn định lại cuộc sống.
Xã An Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình sau cơn đại hồng thuỷ lịch sử.
Ngày 23/10, sau khi con nước rút, ông Quyết đón mẹ già và vợ con trở về, dọn dẹp lại nhà cửa. Trong lòng ông đã phần nào vơi đi nỗi lo lắng khi con nước không còn nguy hiểm đến tính mạng của những người thân trong gia đình, nhưng thay vào đó là những giọt nước mắt khi chứng kiến tài sản trong nhà bị hư hỏng, bị nước lũ cuốn đi.
Gia đình ông Nguyễn Trung Quyết (xã An Thuỷ) sau trận lũ lịch sử.
Ông Quyết kể, khi nước lũ bắt đầu lên tới nền nhà, ông đưa mẹ già cùng vợ con sang nhà con gái tránh lũ. Còn riêng ông nán lại khoá cửa trong cửa ngoài rồi ở trong nhà trông tài sản. Nhưng dòng lũ cứ thế lên nhanh, chẳng mấy chốc ngôi nhà của ông đã ngập sâu hơn nửa.
"Thế là chẳng còn cái gì nữa", ông Quyết miệng nói tay vẫn cố gắng đảo qua đảo lại số lúa ngập trong nước nay đã mọc mầm. Tuy đã quyết bám trụ lại ngôi nhà của mình không rời, nhưng ông cũng đành bất lực nhìn số tài sản quanh năm vợ chồng ông lam lũ chắt bóp, nay cuốn trôi theo dòng nước dữ.
Những ngày nước lũ dâng cao, ông Quyết một mình ở lại để trông coi tài sản.
"Hôm nước sâu tôi từ dưới leo qua ban thờ rồi trú tạm trên gác nhỏ. Vợ con thì tạm yên tâm vì ở nhà con gái ít ra có cái ăn tạm và nơi trú. Tôi ở lại trông coi đồ đạc, tài sản trong nhà nhưng giờ thì hết rồi, không còn chi nữa. Sống đến từng này tuổi, chưa bao giờ tôi thấy lũ lớn như thế", ông Quyết cho biết.
Người miền Trung dù đối mặt với nguy hiểm cận kề vẫn quyết ở lại giữ tài sản trong nhà.
Hỏi ông Quyết sao nước to nguy hiểm thế mà ông vẫn trụ lại trông coi tài sản, ông cho biết vì quanh năm làm lụng vất vả mới sắm được ít đồ cho gia đình nên năm nào mùa lũ ông cũng sẵn sàng ở lại để "giữ nhà".
"Đưa vợ con đi là được rồi, tôi ở lại chứ cả nhà đều đi hết thì đồ đạc, tài sản trong nhà mần răng. Nước to, sóng nó đánh dồn dập vào thì tài sản trôi ra ngoài người ta nhặt hết. Khó khăn lắm mỗi năm mới sắm sửa được ít đồ đạc, còn ở lại được thì mình ở lại trông chứ.
Ông Quyết cho biết ông cho vợ con đi tránh lũ còn 1 mình ở lại nhà trông coi tài sản.
Lúc đó có sợ cũng phải chịu, mình là đàn ông trong nhà nên phải ở lại để giữ tài sản nhà mình chứ", ông Quyết chia sẻ.
Ôm hũ gạo bật khóc vì không dám ăn
Cả nhà 4 người thì 3 người già, chỉ có cô con gái duy nhất chưa lấy chồng vẫn ở với bố mẹ. Vợ chồng ông không làm được công việc nặng, nên nghĩ đủ mọi nghề có thể làm để kiếm sống. Sau khi nước rút khỏi nhà, thứ tài sản duy nhất ông Quyết có chính là số gạo còn lại trong nhà trước khi lũ ập đến.
"Mọi năm trước mùa lũ là gia đình chuẩn bị gạo, muối, ga các thứ nhưng năm nay trở tay đâu có kịp. Còn lại chỗ gạo này để trên gác may sao nước không ngập tới đó, nay nước rút nhưng vẫn chưa dám lấy ăn vì sợ nước lên nữa không có gì ăn", nói rồi ông Quyết đưa tay gạt nước mắt.
Ông Quyết bật khóc khi đã giữ lại được số gạo qua cơn lũ lịch sử.
Theo lời ông Quyết, chưa năm nào ông và người dân nơi đây chứng kiến đợt lũ nào lớn như vậy. Chỉ tay lên cái vạch nước để lại trên tường, người đàn ông này không nghĩ năm nay nước lũ lại có thể dâng cao hơn 2 mét rồi nhấn chìm mọi thứ.
Những ngày nước dâng cao, cả nhà đã phải chia nhau mỗi người ăn 1 bát cơm qua ngày, giờ đây khi nhìn vào số lúa bị ngâm trong nước mọc mầm ông Quyết nghẹn lại: "Nếu không có mọi người cứu trợ không biết chúng tôi ăn bằng gì những ngày sắp tới".
"Mấy hôm mẹ rồi vợ con ở nhờ nhà con gái tránh lũ, cả nhà khi đó phải chia gạo nấu từng bữa để ăn. Mỗi người mỗi bữa chỉ dám ăn 1 bát, khi nào đói thì ăn thêm mì tôm. Mấy hôm không có nước thì ăn mì tôm sống.
Giờ nước rút, chúng tôi mong mọi người giúp đỡ lúc này là có gạo và nước sạch để nấu cơm", ông Quyết chia sẻ.
Ánh mắt ngây thơ của đứa trẻ sau cơn đại hồng thuỷ ở Quảng Bình.
Quảng Bình trong cơn "đại hồng thuỷ" những ngày qua có lẽ chính là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất. Lũ liên tục vượt lịch sử, nhấn chìm hàng trăm ngàn ngôi nhà trong nước lũ.
Chứng kiến cuộc sống của người dân trong những ngày qua, người dân cả nước đã và đang hướng về miền Trung. Quảng Bình tan hoang sau cơn lũ lịch sử nhưng họ không đơn độc, tất cả những con người đang miệt mài cứu trợ, cứu hộ ngoài kia đều hy vọng thiên tai sẽ nhanh chóng qua đi, để "khúc ruột" của cả nước sớm khôi phục cuộc sống yên bình.
Pháp luật và Bạn đọc