MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quảng Bình tiêu hủy trên 606 tấn hải sản tồn kho

10-12-2016 - 19:00 PM | Thị trường

Dự kiến, công tác tiêu hủy số thủy hải sản không đảm bảo an toàn sẽ hoàn thành ngày 14/12/2016.

Ngày 10/12, các ngành chức năng tỉnh Quảng Bình đã thành lập Đoàn kiểm kê và tiêu hủy trên 606 tấn hải sản đông lạnh đang tồn kho, được thu mua trước ngày 30/8/2016 không đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở thu mua, tạm trữ hải sản trên địa bàn.

Trước đó, ngày 28/10/2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Bình nhận được công văn của Sở Y tế về kết quả kiểm nghiệm mẫu hải sản tại các kho lạnh trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Sở Y tế đã lấy mẫu tại 29 cơ sở (huyện Lệ Thủy 3 cơ sở, Bố Trạch 16 cơ sở và thành phố Đồng Hới 10 cơ sở), trong đó đã tiến hành lấy 130 mẫu bao gồm: 86 mẫu cá, 31 mẫu mực, 4 mẫu tôm, 2 mẫu ghẹ, 5 mẫu cá khô, 1 mẫu tép khô và 1 mẫu chả cá để phân tích các chỉ tiêu: Cadimi, Asen, Chì, Thủy ngân, Phenol, Cyanua.

Tổ chức tiêu hủy số hàng hải sản không đảm bảo an toàn tại khu vực tiêu hủy theo đúng quy trình kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Ảnh: Võ Dung/TTXVN
Tổ chức tiêu hủy số hàng hải sản không đảm bảo an toàn tại khu vực tiêu hủy theo đúng quy trình kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Ảnh: Võ Dung/TTXVN

Kết quả, phát hiện 30/130 mẫu không đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó: 2 mẫu mực, 2 mẫu ghẹ và 24 mẫu cá nhiễm Cadimi vượt giới hạn theo quy định; 2 mẫu cá phát hiện Phenol, Cyanua và nhiễm Cadimi vượt giới hạn. Tổng số lượng hải sản có hàm lượng Cadimi vượt ngưỡng là 606,4 tấn, chiếm 1/5 số lượng hải sản đang tồn kho. Các loại hải sản đông lạnh có hàm lượng Cadimi vượt ngưỡng gồm nhiều loại như: ghẹ xanh, ghẹ sao, cá ngừ trơn, ngừ bong, cá bống suôn, mực chan chu và một số loại cá nục.

Sau khi nhận được kết quả kiểm nghiệm, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình đã kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện tiêu hủy với các lô sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm; giao các sở ngành liên quan thực hiện công tác tiêu hủy, đền bù theo quy định.

Việc tiêu hủy số hải sản tồn kho không đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ giúp các cơ sở thu mua, tạm trữ hải sản trên địa bàn tỉnh giải phóng được diện tích các kho hàng, tiết kiệm các kinh phí và chuẩn bị các kho hang để thu mua những chuyến hàng hải sản mới đảm bảo an toàn. Đồng thời, người tiêu dùng cũng yên tâm hơn khi sử dụng thủy hải sản sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường có kết luận môi trường biển khu vực 4 tỉnh miền Trung đảm bảo an toàn.

Theo Võ Dung

TTXVN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên