Quảng Bình ước tính thiệt hại 4.000 tỉ đồng sau vụ cá chết
Quảng Bình ước tính tổng thiệt hại đến hết tháng 6 của toàn tỉnh là 2.662 tỷ đồng và đến hết năm 2016 là khoảng 4.000 tỷ đồng.
- 01-07-2016"Công bố nguyên nhân cá chết, Chính phủ đã hành động quyết liệt, kịp thời"
- 01-07-2016Ý kiến người dân Quảng Bình về hiện tượng cá chết
- 30-06-2016Toàn văn thông cáo về nguyên nhân hải sản chết ở miền Trung
Sáng 4-7, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức cuộc họp bàn đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường biển do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các sở ngành và địa phương bị ảnh hưởng trong toàn tỉnh đã báo cáo tình hình thiệt hại trên các lĩnh vực.
Cụ thể, ước tính thiệt hại của lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến, kinh doanh thủy sản và nghề muối tính đến tháng 6-2016 là trên 1.255 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2016 là 2.300 tỷ đồng.
UBND tỉnh Quảng Bình đánh giá mức thiệt hại về môi trường và nguồn lợi thủy sản hết sức to lớn, trong đó môi trường sống của các loại thủy hải sản bị phá hủy, có một số loại thủy sản gần như tuyệt chủng và sản lượng khai thác thủy sản giảm từ 40% đến 60%.
Về du lịch, toàn tỉnh Quảng Bình có gần 300 cơ sở lưu trú, hằng năm đón trên 3 triệu lượt khách du lịch nên thiệt hại cho ngành này sau thảm họa môi trường biển vừa qua ước tính đến tháng 6-2016 khoảng gần 1.393 tỷ đồng và đến hết năm 2016 là 1.670 tỷ đồng.
Tổng thiệt hại ước tính đến hết tháng 6 của toàn tỉnh là 2.662 tỷ đồng và đến hết năm 2016 là khoảng 4.000 tỷ đồng.
Không chỉ biển “chết”, mà hàng loạt các nhà hàng, quán xá phục vụ du lịch dọc bờ biển Nhật Lệ (Tp Đồng Hới, Quảng Bình) cũng rơi vào tình cảnh vắng khách ngay giữa mùa du lịch - Ảnh: Quốc Nam
Ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định sự cố môi trường biển do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng và sâu rộng đến đời sống, tâm lý của từng người dân trong tỉnh.
Vì vậy, ông Hoài yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương cần đánh giá thiệt hại đảm bảo chính xác, đúng luật và công bằng cho người dân.
Theo ông Hoài, việc đánh giá thiệt hại không chỉ đến cuối năm 2016 mà cần đánh giá đến cả những năm tiếp theo và lâu dài.
Về những giải pháp trước mắt, ông Hoài giao trách nhiệm cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Quảng Bình phối hợp với Sở Tài chính thực hiện chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân hoạt động kinh doanh thu mua hải sản;
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên thông báo số liệu quan trắc chỉ số môi trường biển 2 lần/tuần cho người dân;
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc trực tiếp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để xác định mức độ an toàn của nước biển từ bờ trở ra 20 hải lý đã sạch hay chưa và được khai thác trở lại an toàn chưa để có giải pháp cho ngư dân và cả người tiêu dùng.
Rong biển chết dạt bờ dày đặc
Ngày 4-7, ông Đậu Minh Ngọc, bí thư huyện ủy Quảng Trạch (Quảng Bình) xác nhận, trong mấy ngày vừa qua ở khu vực bờ biển giáp ranh giữa xã Quảng Phú và Quảng Đông có hiện tượng rong biển chết dạt vào bờ dày đặc.
Ông Ngọc cho biết chính quyền địa phương đã trực tiếp đi tìm hiểu hiện tượng này và xác định đây là hiện tượng vẫn thường xuất hiện hàng năm khi rong biển đến mùa thay lá.
Ngoài ra còn có một số lượng rong do người dân vớt về phơi khô để bán trước khi xảy ra hiện tượng cá chết nhưng sau đó không bán được. Tuy nhiên, ông Ngọc cũng nói để đảm bảo tính chính xác thì chính quyền huyện vẫn lấy mẫu rong chết gửi đi xét nghiệm.
Tuổi trẻ