MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Người Việt Nam quá tốt"

13-03-2014 - 16:56 PM |

Thành công đột phá về truyền thông đối ngoại.

Ngay từ khi chuyến bay MH370 của hãng Malaysia Airlines bị ‘mất tích’, các hoạt động đi đầu trong công tác tìm kiếm của Việt Nam cũng nhanh chóng được truyền thông và cả dư luận các nước trên thế giới ghi nhận.

Không kể BBC News nhanh chóng cử phóng viên vào Việt Nam và các đài lớn như CNN liên tục cập nhật trên TV và trang web, báo nội địa của Anh sáng nào cũng đầy tin từ Phú Quốc.

Hình ảnh từ các chuyến bay, chuyến tàu tìm kiếm của Hải quân và Cảnh sát biển Việt Nam cũng liên tục xuất hiện trên những trang báo Anh, kể cả báo nội địa tôi mở ra xem hàng sáng.

Mà thực ra Việt Nam chẳng có liên quan gì nhiều. Một đồng nghiệp người Anh là David nói với tôi trong thang máy: “Người Việt Nam quá tốt. Vì điều duy nhất may ra có liên quan chỉ là chiếc máy bay có thể đã rơi đâu đó ngoài khơi Việt Nam.”

Tâm điểm của tin tức

Đúng vậy, qua đợt tìm kiếm tốn kém, nghe nói một ngày lên tới 20 tỷ VND, cỡ 1 triệu đô la Mỹ, chính phủ Việt Nam đã chứng tỏ cho quốc tế tính trách nhiệm cao trước một vụ việc mang tính nhân đạo liên quan đến nhiều quốc gia.

Truyền thông Việt Nam cũng nhanh chóng tiếp cận các nguồn tin và rõ ràng là trở thành nguồn chính cho các báo quốc tế.

Con số vài chục nhà báo cho các hãng quốc tế và báo chí vùng vào Việt Nam nhanh chóng và có mặt hàng ngày ở Phú Quốc cũng giúp cho tiếng nói của các quan chức Việt Nam lan tỏa ra thế giới ở mức độ nhanh chưa từng có.

Thậm chí, các phóng viên từ Bắc Kinh, Hong Kong, Singapore, Kuala Lumpur mà tôi trao đổi hàng ngày qua mạng nội bộ của BBC cũng như các đồng nghiệp ở Mỹ đều đồng ý với nhau là trước khi nghe quan chức Malaysia phát biểu, hãy xem nguồn từ Việt Nam nói gì.

Vì trên thực tế, phía Malaysia đã phải chờ tin tức từ Việt Nam để công bố cho các gia đình nạn nhân và báo giới.

Các chuyến bay ra biển đều rất tốn ngân quỹ
 
Nay, với hướng tìm kiếm đã chuyển sang phía eo biển Malacca, Việt Nam có thể tạm hạn chế việc tìm kiếm để tiết kiệm tiền bạc và dần rút ra các bài học thú vị.

Đầu tiên là về mặt ngoại giao.

Thảm họa về chiếc máy bay của hàng không quốc gia Malaysia cũng đã tạo cơ hội cho Việt Nam tỏ ra là nước chủ nhà ở một vùng biển quan trọng.

Quyết định cho các tàu thuyền Trung Quốc, Hoa Kỳ đến giúp công tác tìm kiếm làm nổi bật tính quốc tế của vùng biển Đông Nam Á ‘không của riêng ai’.

Với dư luận Trung Quốc mà ban đầu có ý kiến nghi ngờ Việt Nam về nhiều thứ thì thái độ ‘tạm gác tranh chấp’ để tạo điều kiện cho công việc nhân đạo chắc chắn đã tạo ấn tượng tốt.

Dù vùng Vịnh Thái Lan nằm xa các điểm nóng về chủ quyền, dư luận quốc tế đã hiểu được rằng một khi có sự cố xảy ra, không một quốc gia nào, dù đòi chiếm biển to đến đâu, có thể tự mình làm nổi mọi chuyện.

Tin tức vẫn còn đang tiếp diễn về số phận chuyến bay MH370 cũng để lại một số cảm nhận về truyền thông.

Sức mạnh của mạng xã hội trong vụ này thể hiện từ các trang Facebook mang tên MH370 lập ra ở Malaysia, các mạng Twitter, Weibo và trang web các nhân của hàng vạn người dân châu Á, châu Mỹ, Úc quan tâm đến vụ việc và liên tục tải tin, bình luận, hình ảnh liên quan.

Các hãng truyền thông lớn cũng nhờ đây mà thu hút hàng triệu lượt đọc chỉ trong vài chục tiếng đồng hồ.

Chẳng hạn trang World Have Your Say của BBC World Service chỉ sau 48 tiếng đã có 5,5 triệu lượt đọc và tham gia bình luận vụ MH370.

Trang BBC Tiếng Việt mở hai livepage tường thuật trực tiếp và thu hút tới 1 triệu lượt đọc một ngày.
Có những người đưa tin từ Việt Nam như nhà báo Vũ Trọng Khanh (viết cho Wall Street Journal) có gần 2000 người theo (followers) trên Twitter được báo Anh, the Guardian đăng lại.

Tên các nhà báo người Việt khác như Mai Nguyen, hay Nguyễn Phương Linh, cũng được thông tấn quốc tế đăng tải.

Trong một thế giới như thế, sự cởi mở của báo chí Việt Nam là rất đúng trào lưu.

Các trang báo Thanh Niên, VnExpress đều chạy livepage và nhiều trang khác cũng truyền tải rất nhanh tin, từ chuyện nhìn thấy ‘mảnh kim loại’ ở Vũng Tàu do hãng Cathay Pacific nêu, hay các đợt ra biển từ Phú Quốc và tổng hợp lại cả tin quốc tế.

Nhanh nhưng cần đúng

Nhưng nhân đây tôi cũng muốn nêu rằng khi lúc nỗ lực cung cấp tin tức cho báo chí quốc tế, phía Việt Nam, từ quan chức tới các nhà báo cũng cần cẩn thận hơn khi loan tin.

Vì mấy vụ ‘nhận diện vật thể lạ’ trôi nổi ngoài biển nêu ra hai ngày đầu hóa ra chỉ là ‘mừng hụt’ vì thiếu phương tiện, kiến thức để nhanh chóng xác nhận đó có phải là một phần của chiếc phi cơ MH370 hay không.

Các quan chức, các nhà quản lý báo chí ở Việt Nam cũng nên biết rằng vì thiếu thông tin ban đầu và vụ máy bay mất tích vốn rất bí hiểm nên mọi ý kiến, phát biểu dù nhỏ nhất cũng được mạng xã hội quốc tế truyền tải trong chốc lát và trở thành ‘tin nóng’ trên toàn cầu.

Ngược lại, nếu đóng cửa hay hạn chế báo chí thì các tin đồn, suy đoán hoặc bịa đặt cũng sẽ vẫn được truyền bá vì nhu cầu thông tin của con người ngày nay gần như là vô hạn và không chịu sự kiểm soát của ai.

Câu chuyện bí hiểm và đau thương cuốn hút người dân Đông Nam Á
 
Như tôi đã có lần viết, trong ngoại giao, gồm cả đối ngoại bằng truyền thông, hệ thống ở Việt Nam luôn có tiềm năng làm được nhiều điều tốt vì ra bên ngoài là có cạnh tranh và phải bám theo các chuẩn quốc tế.

Ở trong nước, nếu chính quyền cũng chú ý ở mức độ tương tự tới các vụ tai nạn của công dân Việt Nam thì sẽ được tiếng là không 'nhất bên trọng, nhất bên khinh' bởi nạn nhân MH370 toàn người nước ngoài.

Về quản lý báo chí, nếu sự cởi mở, nhạy bén và thẳng thắn như vậy được áp dụng đều đặn thì chắc chắn nhiều vấn đề khác, từ ngư dân gặp nạn trên biển tới các án chống tham nhũng ... đều hoàn toàn có thể được dư luận trong và ngoài nước nghi nhận công bằng và chính xác.

Vì về lâu dài, bản chất của dư luận là không thiên vị với bất cứ ai.

Theo Nguyễn Giang

kyanh

BBC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên