Thương hiệu Red Bull: Mặt tối sau vầng sáng
Red Bull là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất của nước Áo. Năm 2012, Red Bull tiêu thụ 5,2 tỉ hộp đồ uống tăng lực, tăng 12,8% so với năm trước đó. Cũng năm 2012, doanh thu của tập đoàn tăng từ 4,25 tỉ Euro năm 2011 lên 4,95 tỉ Euro. Một trong những bí quyết thành công của thương hiệu này là quảng cáo tiếp thị.
Red Bull không chỉ chi cho quảng cáo và tiếp thị nhiều hơn chính chi phí sản xuất đồ uống tăng lực mang tên thương hiệu. Điều đó một mặt cho thấy, mức độ sinh lời của tập đoàn này cao như thế nào và mặt khác chiến lược quảng cáo, tiếp thị của Red Bull quyết liệt ra sao, quyết liệt thậm chí đến mức thái quá.
Cũng chính vì thế mà Red Bull đang bị phê phán ngày càng mạnh bởi cách quảng cáo, tiếp thị đến mức thái quá, tuy là một bí quyết thành công của thương hiệu, nhưng cũng còn bị coi là mặt tối của Red Bull và cái giá đắt trả cho thành công của thương hiệu.
Người ta đề cập đến cách thức Red Bull sử dụng một số loại hình thể thao cực đoan để quảng cáo, tiếp thị.
Mới đây nhất là sự kiện anh chàng Felix Baumgartner nhảy dù từ tầng khí quyển cao 39.000 mét hồi tháng 10 năm ngoái. Con người trên trái đất theo dõi vụ nhảy dù này không chỉ biết đến có vận động viên kia, mà bị lôgô thương hiệu đập vào mắt, chứng kiến cuộc nhảy dù của Red Bull từ tầng khí quyển. Điều đáng nói ở đây là cú nhảy này rất nguy hiểm, không ai và cái gì có thể đảm bảo cho an toàn sinh mệnh của Felix Baumgartner.
Nhưng nếu anh chàng này có mệnh hệ gì thì cũng chẳng ảnh hưởng đến Red Bull. Felix Baumgartner không sao nhưng đến nay đã có tới 5 người quảng cáo, tiếp thị bằng hành động thể thao cực đoan tương tự cho Red Bull bị thiệt mạng.
Chỉ riêng trong năm 2009 đã có xảy ra 3 trường hợp trong số đó: Vận động viên trượt tuyết Shane McConkey, vận động viên nhảy dù Eli Thompson và vận động viên nhảy từ đỉnh cao toà nhà Ueli Gegenschatz. Mới đây nhất là phi công và cascader Guido Gehrmann tử nạn cùng với chiếc tàu lượn của mình.
Tất cả đều quảng cáo cho Red Bull. Triết lý quảng cáo của Red Bull là khai thác triệt để tâm lý tò mò và hiếu kỳ của công chúng. Hành động càng cực đoan, chứ không chỉ bất ngờ và được dàn dựng công phu, thì sự quan tâm của công chúng càng nhiều.
Điều Red Bull không muốn công nhận ở đây là lẽ ra phải nói rằng ranh giới giữa cái sống và cái chết càng mong manh thì sự quan tâm của công chúng mới càng lớn.
Thông điệp cốt lõi của chiến lược quảng cáo, tiếp thị của Red Bull là một khi kết hợp được cái phiêu lưu mạo hiểm với cái thái quá thì Red Bull có khả năng vượt qua mọi giới hạn và làm nên những điều mà dường như ai cũng nghĩ rằng con người không thể làm nổi.
Nếu như không có chuyện bất chấp những cái chết nói trên thì có lẽ bí quyết thành công này của Red Bull đâu có gì đáng để phàn nàn hoặc phê trách.
Theo T.Vân