MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quang Hải xuất ngoại: Được gì và mất gì?

13-09-2018 - 14:09 PM | Sống

Quang Hải có nên xuất ngoại thi đấu hay không đang là chủ đề được bàn tán khá nhiều trong những ngày gần đây. Được ra nước ngoài thi đấu là một cơ hội tốt với bất kì cầu thủ Việt nào, tuy nhiên những chuyến đi xa bao giờ cũng chứa đựng nhiều thách thức và những biến số bất ngờ.

Quang Hải sẽ thu được những gì nếu rời Hà Nội FC đi 'du học'?

Kinh nghiệm, đó có lẽ là thứ đầu tiên người ta nói đến mỗi khi có một cầu thủ nào đó của Việt Nam ra nước ngoài thi đấu. Nếu xuất ngoại, đây cũng là thứ mà Quang Hải chắc chắn sẽ nhận được.

Nếu được trọng dụng, tiền vệ của CLB Hà Nội sẽ thu được kinh nghiệm thi đấu, được cọ xát với những cầu thủ đẳng cấp hàng tuần, tập luyện trong môi trường chuyên nghiệp đỉnh cao, từ đó sẽ nâng tầm khả năng của bản thân.

Ngược lại, nếu phải ngồi dự bị dài hạn, Quang Hải cũng sẽ có được một loại kinh nghiệm vô cùng cần thiết khác, đó là bản lĩnh khi đối diện với áp lực từ truyền thông.

Quang Hải xuất ngoại: Được gì và mất gì? - Ảnh 1.

Quang Hải từng bị nghi ngờ hồi đầu mùa nhưng với sự hỗ trợ của ban huấn luyện và các đồng đội, anh đã vượt lên và tỏa sáng tại V-League.

Hồi đầu mùa, khi thể lực và phong độ của Quang Hải không quá tốt, anh thường xuyên vắng mặt trong đội hình xuất phát của đội bóng thủ đô. Giới truyền thông bắt đầu đặt ra những dấu hỏi về khả năng của Quang Hải.

Tuy nhiên, sau lưng tiền vệ nhỏ con ấy là những người thầy luôn tin tưởng cùng các đàn anh luôn biết cách tỏa sáng để giành chiến thắng. Chuỗi trận thăng hoa của đội nhà tiếp thêm sự hưng phấn cho Quang Hải để anh thi đấu tốt hơn. Kết quả là cho đến thời điểm hiện tại, cầu thủ mang áo số 19 đã có được 9 bàn thắng sau 20 trận đấu (16 lần ra sân ngay từ đầu), nhiều hơn thành tích của cả mùa trước 4 bàn.

Tuy nhiên, khi đầu quân cho một đội bóng ngoại, Quang Hải chắc chắn sẽ không có được sự hậu thuẫn lớn đến thế. Anh sẽ phải tự đối mặt với những áp lực khủng khiếp nếu không thi đấu tốt.

Nếu vượt qua, đó là một trải nghiệm vô cùng quý báu với cầu thủ 21 tuổi này. Nên nhớ, tại SEA Games 2019, khi lứa Công Phượng, Xuân Trường đã "quá tuổi", Quang Hải sẽ trở thành cái tên nhận được nhiều kì vọng nhất. Đó là thứ áp lực hoàn toàn khác so với những gì anh đã từng trải qua.

Bên cạnh yếu tố chuyên môn, Quang Hải cũng sẽ trở thành đại sứ hình ảnh mới của đất nước và con người Việt Nam. Giá trị hình ảnh, thương hiệu và tên tuổi của anh cũng vì thế mà tăng vọt.

Đây là một điều hết sức cần thiết với một cầu thủ trong bóng đá hiện đại. Hơn nữa, nếu thi đấu thành công, Quang Hải sẽ khẳng định thương hiệu của cầu thủ Việt Nam trong mắt các CLB nước ngoài, điều chưa có ai làm được.

Những rủi ro hiện hữu

CLB gần nhất chính thức gửi lời đề nghị chiêu mộ Quang Hải là Renofa Yamaguchi đang chơi tại J.League 2. Dù chỉ là giải đấu hạng dưới của Nhật Bản, nhưng cũng không có gì đảm bảo Quang Hải sẽ thành công tại đây.

Năm 2016, Công Phượng và Tuấn Anh cũng được bầu Đức đưa sang Nhật Bản thử sức, thế nhưng những gì họ làm được gần như là con số 0. Trong 10 tháng tại Mito Hollyhock, Công Phượng thi đấu 5 trận với tổng cộng 80 phút thi đấu, 1 lần đá chính.

Tại Tokohama Tuấn Anh chỉ có 1 lần ra sân tại Cúp Hoàng đế Nhật bản. Trong 120 phút thi đấu trọn vẹn, Tuấn Anh để lại dấu ấn khi đem về 1 quả phạt đền để ấn định tỷ số 3-2 cho đội nhà. Còn tại J-League 2, anh chỉ có… 1 lần được ngồi dự bị.

Quang Hải xuất ngoại: Được gì và mất gì? - Ảnh 2.

Thành tích của bộ ba Công Phượng - Tuấn Anh - Xuân Trường khi xuất ngoại năm 2016.

Thực tế, các cầu thủ CLB Hà Nội như Duy Mạnh hay Đức Huy cũng từng nhận được một số lời đề nghị từ các đội bóng nước ngoài. Tuy nhiên, đội bóng thủ đô vẫn luôn kiên định với những quyết định giữ người và cho đến thời điểm hiện tại họ vẫn đang đúng.

Trong khoảng thời gian Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường ra nước ngoài thử sức, Quang Hải được ra sân 25 trận với 21 lần đá chính tại V-League, ghi được 3 bàn thắng. Đồng thời là trụ cột giúp U20 Việt Nam giành vé tham dự World Cup.

Đức Huy và Duy Mạnh cũng được thi đấu khá nhiều với lần lượt 17 và 8 lần ra sân thi đấu. Sau 2 năm, họ đã trưởng thành vượt bậc và là những trụ cột trong đội hình vô địch V-League 2018.

Quang Hải xuất ngoại: Được gì và mất gì? - Ảnh 3.

Thành tích của một số cầu thủ trẻ CLB Hà Nội trong năm 2016.

Ngoài ra, Quang Hải sẽ phải đối mặt với khá nhiều vấn đề khác như văn hóa, thực phẩm, ngôn ngữ, cường độ và giáo án tập luyện khác biệt... Quá nhiều thử thách đối với một cầu thủ mới 21 tuổi. Nên nhớ, những trường hợp cầu thủ Đông Nam Á thành công tại Nhật cũng chỉ tới J.League khi họ đủ độ chín. Điển hình như Chanathip 24 tuổi, Dangda 30 tuổi, Theerathon Bunmathan 27 tuổi.

Những chuyến "du học" dù ẩn chứa nhiều rủi ro nhưng cũng đem lại nhiều thứ cho Quang Hải. Dù anh quyết định ra đi hay ở lại, chắc chắn NHM vẫn sẽ theo dõi và ủng hộ.

Theo Nguyễn Trường Giang

Trí thức trẻ

Trở lên trên