Quảng Nam mưa trắng trời, đường phố lênh láng, nhà dân tốc mái
Mưa lớn kèo dài khiến đường phố ở nhiều nơi tại tỉnh Quảng Nam bị ngập nặng, một số nhà dân bị tốc mái do gió lốc. Trong lkhi đó, ati5 Quảng Ngãi do mưa lớn kéo dài, lũ lên nhanh khiến nhiều xã vùng cao bị chia cắt, sạt lở.
Ngày 7-10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tại tỉnh Quảng Nam có mưa lớn kéo dài liên tục khiến một số khu vực ở miền núi bị chia cắt cục bộ, nhiều tuyến đường ở TP Tam Kỳ bị ngập nặng.
Đường phố Tam Kỳ bị ngập nặng
Theo ghi nhận, vào chiều 7-10, tại nhiều tuyến đường ở trung tâm TP Tam Kỳ như Hùng Vương, Trưng Nữ Vương, Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ, Phan Châu Trinh… mưa lớn gây ngập sâu từ 0,2- 0,5 m khiến việc lưu thông của các phương tiện gặp nhiều khó khăn. Nhiều chỗ ngập sâu khiến xe máy, xe ô tô bị chết máy nằm giữa đường phải nhờ các phương tiện cứu hộ hỗ trợ.
Trong khi đó, mưa lớn kèm theo lốc xoáy cũng đã khiến một số nhà dân ở TP Tam Kỳ bị tốc mái. Cụ thể, khoảng 13 giờ chiều 7-10, mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã làm một số nhà dân tại xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ) bị tốc mái. Trong đó, một ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn, một phần mái chợ Tam Thanh và một số ngôi nhà dân khác bị hư hỏng, bay ngói.
Nhiều tuyến phố ngập nửa bánh xe
Theo ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, sau khi nắm được thông tin, lực lượng chức năng đã hỗ trợ các hộ dân bị tốc mái một phần lợp lại nhà, riêng nhà dân bị tốc mái hoàn toàn được di dời đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn trước khi sửa lại nhà.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, cho biết hiện mực nước các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang lên. Trong 24 đến 48 giờ tới, các địa phương trong tỉnh tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa từ 7 giờ ngày 7 đến hết ngày 10-10 các địa phương trong tỉnh Quảng Nam phổ biến từ 300 – 500 mm, có nơi trên 600 mm.
Ô tô, xe máy cùng bị chết máy giữa đường
Từ ngày 7 đến ngày 10-10, các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa dao động ở mức báo động 2, trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy trên báo động 1, trên sông Tam Kỳ tại Tam Kỳ xấp xỉ báo động 1.
Nhiều nơi ở vùng núi bị ngập nặng
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông, suối vùng núi các huyện: Tiên Phước, Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang. Nguy cơ xảy ra ngập úng tại thành phố Tam Kỳ, thành phố Hội An, một số thị tứ, thị trấn và các địa phương thấp trũng trên địa bàn tỉnh.
Do mưa lớn kéo dài, lũ lên nhanh khiến nhiều xã vùng cao tỉnh Quảng Ngãi đang bị chia cắt, sạt lở.
Chiều 7-10, ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, từ đêm 6-10 đến trưa 7-10, nhiều nơi trong tỉnh liên tục có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến đo được từ 200-300mm, một số nơi lượng mưa đo được 400mm. Dự báo trong đêm 7-10 đến hết ngày 8-10, mưa lớn tiếp tục xuất hiện nhiều nơi.
Mưa lớn kéo dài khiến tuyến đường vào xã Ba Điền, huyện Ba Tơ bị sạt lở, chia cắt. Ảnh: Sang Huỳnh
Đặc biệt, do mưa lớn kéo dài liên tục, một số xã miền núi như Ba Xa, Ba Lế, Ba Trang (huyện Ba Tơ); Sơn Cao, Sơn Linh, Sơn Thủy, Sơn Ba (huyện Sơn Hà)… đang bị nước lũ chia cắt; tình trạng sạt lở xuất hiện nhiều nơi.
Cầu Tầm Linh, huyện Sơn Hà bị nước lũ chia cắt. Ảnh: M.T
Do mưa lớn kéo dài, hiện mực nước ở các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đều đang lên. Đến 13 giờ 7-10, mực nước trên hầu hết các sông đang ở mức báo động 1, báo động 2. Dự báo trong tối nay, mực nước nhiều sông tiếp tục lên cao, đạt báo động 2, có sông lên báo động 3.
Nước lũ chia cắt tuyến đường vào xã Ba Lế, huyện Ba Tơ. Ảnh: Sang Huỳnh
Nguy cơ cao có thể xảy ra lũ ống, lũ quét tại các sông, suối nhỏ và sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông, suối thuộc các huyện vùng núi như Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ và Minh Long. Ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp và các đô thị thuộc huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành và TP Quảng Ngãi.
Sạt lở tại nhiều tuyến đường nối vào các xã vùng cao. Ảnh: Sang Huỳnh
Ông Huỳnh Công Trí, Giám đốc Ban Quản lý cảng Lý Sơn, cho biết trước diễn biến phức tạp tình hình mưa gió, từ sáng 7-10, tuyến giao thông thủy Sa Kỳ-Lý Sơn (Quảng Ngãi) và ngược lại đã tạm dừng hoạt động.
"Ngay trong chiều 6-10, Ban Quản lý cảng Lý Sơn đã bố trí tàu cao tốc để đưa hơn 400 khách du lịch từ đảo Lý Sơn vào đất liền và hơn 200 người từ đất liền ra đảo Lý Sơn. Đồng thời, nhiều chuyến tàu chở hàng cũng vận chuyển hàng chục tấn hàng hóa cùng nông sản từ đất liền ra đảo và ngược lại", ông Trí cho biết.
Người lao động