MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quảng Nam tiếp tục thu hút đầu tư lĩnh vực logictics

Với những thuận lợi về cảng biển, cảng hàng không, cơ sở hạ tầng giao thông hoàn thiện,... tỉnh Quảng Nam đang dần trở thành trung tâm vận tải hàng hải lớn, đầu mối logistics quan trọng trong khu vực.

Với những thuận lợi về cảng biển, cảng hàng không, cơ sở hạ tầng giao thông hoàn thiện,... tỉnh Quảng Nam đang dần trở thành trung tâm vận tải hàng hải lớn, đầu mối logistics quan trọng trong khu vực.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung nổ lực thực hiện về quy hoạch, thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng gồm cảng hàng không, cảng biển, hạ tầng đường bộ,... để phục vụ logictics.

Từ việc phát triển đồng bộ công nghiệp với logictics, Quảng Nam sẽ trở thành vùng sản xuất của khu vực, từ đó thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đến với địa phương góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều thuận lợi

Với những thuận lợi về cảng biển, cảng hàng không, cơ sở hạ tầng giao thông hoàn thiện,... tỉnh Quảng Nam đang dần trở thành trung tâm vận tải hàng hải lớn, đầu mối logistics quan trọng trong khu vực. Đặc biệt, khi cửa khẩu Nam Giang – Đắc Tà Oọc đã được đưa vào hoạt động cũng đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Cùng với đó, cảng Chu Lai hiện nay đã đạt công suất 4 triệu tấn/năm, là cảng tổng hợp phục vụ đa dạng các nguồn hàng là yếu tố thuận lợi cho hoạt động logistics của tỉnh. Hiện tại, cảng Chu Lai có thể tiếp nhận tàu 3 vạn tấn với chiều dài 172m, là đầu mối ra biển quan trọng của khu vực và Tây Nguyên.

Cùng với cảng biển là hệ thống cảng hàng không, cảng hàng không Chu Lai được quy hoạch cùng với Đà Nẵng trở thành cặp cảng hàng không đầu mối khu vực miền Trung nhằm khai thác, hỗ trợ nhau phục vụ nhu cầu vận tải hàng không của khu vực và phục vụ hàng hóa trên Hành lang kinh tế Đông Tây. Đây được xem là những yếu tố quan trọng giúp hai địa phương từng bước khẳng định vai trò đầu mối vận tải và trung tâm logistics của khu vực.

Để tiếp tục phát triển lĩnh vực logictics, tỉnh Quảng Nam đã ưu tiên phát triển hạ tầng, kết nối các tuyến giao thông chính giữa đường cao tốc với quốc lộ và tỉnh lộ, đường huyện và đường tỉnh, và các tuyến ven biển. Thời gian qua, các tuyến quốc lộ kết nối Cửa khẩu quốc tế Nam Giang như 14D, 14B, 14E… đều được địa phương đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu kết nối hàng hóa trong khu vực.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay tỉnh nằm ở vị trí chiến lược của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - một trong những vùng kinh tế phát triển sôi động nhất cả nước. Trong đó, phía Bắc là thành phố Đà Nẵng, phía Nam là khu kinh tế Dung Quất, đồng thời là cửa ngõ ra biển đối với các tỉnh vùng Tây Nguyên, Trung và Nam Lào vì vậy có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, xây dựng, hoàn thiện các hạng mục cơ sở hạ tầng để dần trở thành trung tâm logistics của khu vực.

“Tỉnh Quảng Nam được Chính phủ cho xây dựng Khu Kinh tế mở đầu tiên Việt Nam, sau gần 20 năm triển khai xây dựng đã khẳng định vai trò, vị trí của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, đưa Quảng Nam từ một tỉnh nghèo nay trở thành tỉnh tăng trưởng khá, thu ngân sách vượt chỉ tiêu giao, là một trong các tỉnh có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương khá, đời sống nhân dân được cải thiện, cơ sở hạ tầng từng bước được quan tâm đầu tư”, ông Hồ Quang Bửu cho biết.

Theo ông Bửu, từ ban đầu với chi phí logistic của tỉnh Quảng Nam cao hơn hai đầu đất nước trên 50%, đến nay, cùng với sự phát triển của Tập đoàn THACO – Trường Hải trên nhiều lĩnh vực, chi phí logistic chỉ còn cao hơn 2 đầu khoảng 10% và Quảng Nam đang từng bước cải thiện, phấn đấu đến năm 2025 sẽ cân bằng và cạnh tranh với hai đầu đất nước. Thời gian tới, địa phương xem việc tiếp tục tiết giảm chi phí logistics là một nhiệm vụ chiến lược để phát triển sản xuất tại Quảng Nam nói riêng và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung.

“Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung nổ lực thực hiện về quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng gồm Cảng hàng không, sân bay Chu Lai là trung tâm trung chuyển hành khách, hàng hoá và các dịch vụ hàng không tầm khu vực và Quốc tế gắn với phát triển khu đô thị sân bay theo hình thức xã hội hoá. Đầu tư Cảng nước sâu Chu Lai với luồng Cảng đáp ứng cỡ tàu 5 vạn tấn, phát triển Cảng Chu Lai trở thành Cảng chuyên dụng container cửa ngõ của miền Trung – Việt Nam, kết nối đường bộ thuận lợi với Tây Nguyên, Lào, Campuchia và đường biển với 2 miền Nam - Bắc”, ông Bửu nói thêm.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Ông Hồ Quang Bửu cho hay tỉnh Quảng Nam cũng sẽ đầu tư Khu Kinh tế cửa khẩu Nam Giang với Cửa khẩu Quốc tế Nam Giang – Đắc Tà Ooc là cửa ngõ giao lưu, giao thương vào Lào, đông Bắc Thái Lan, Myama phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây. Do đặc thù Quảng Nam và các tỉnh miền Trung là dãi đất hẹp, nhiều núi cao nên diện tích đồng bằng ít do vậy phải kết nối giao thông Đông - Tây để tạo ra không gian phát triển gắn với Tây Nguyên và các nước Đông Dương.

Song song, tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn với chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới. Phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến đầu tư dịch vụ logistics, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Tiếp tục kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương về hoàn thiện các thể chế, các quy định pháp luật về logictis; trong đó đề nghị quy hoạch, bổ sung quy hoạch hạ tầng logistic hàng không khi sân bay Chu Lai lên thành sân bay Quốc tế.

“Ngoài ra, Quảng Nam tập trung đẩy mạnh 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược gồm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó Quảng Nam tập trung phát triển đồng bộ các hạ tầng để phục vụ phát triển như hạ tầng điện, viễn thông, …”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói.

Quảng Nam tiếp tục thu hút đầu tư lĩnh vực logictics - Ảnh 1.

Cửa khẩu Nam Giang – Đắc Tà Oọc được đưa vào hoạt động cũng đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Ông Nguyễn Công Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải nhìn nhận cơ bản quy hoạch các cảng biển, cảng hàng không trong khu vực miền Trung được phân bổ tương đối đồng đều giữa các địa phương. Tuy nhiên, ông Bằng cho rằng hầu hết các cảng hàng không trong khu vực chủ yếu định hướng phát triển hoạt động vận tải hàng hóa. Chỉ có cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Chu Lai quy hoạch trở thành cặp cảng hàng không đầu mối của khu vực miền Trung nhằm khai thác hỗ trợ nhau phục vụ nhu cầu vận tải hàng không của khu vực và góp phần phục vụ hàng hóa trên hành lang kinh tế Đông – Tây kết nối bằng hàng không.

“Trong giai đoạn tới, nhằm phát huy hơn nữa kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia, quốc tế sẽ được triển khai đầu tư trên hành lang kinh tế Đông – Tây, tỉnh Quảng Nam cần quyết liệt hơn nữa trong việc xây dựng, triển khai các giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả kết nối, giảm thiểu chi phí vận tải và logistics. Cần tập trung phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương cũng như xúc tiến kêu gọi thực hiện đầu tư và sớm đưa vào khai thá hạ tầng giao thông kết nối trọng điểm trên hành lang như: đường bộ cao tốc Bắc – Nam, tuyến QL14D, QL14E kết nối cửa khẩu quốc tế Nam Giang và khu bến Liên Chiểu,…”, ông Bằng đề nghị.

Ngoài ra, ông Bằng cho rằng tỉnh Quảng Nam cùng với các địa phương trong khu vực cần xây dựng các cơ chế chính sách đột phá nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực logistics tham gia vào chuỗi dịch vụ logistics trên hành lang kinh tế Đông – Tây. Hình thành cơ chế phối hợp liên Vùng để phân công nhiệm vụ, chức năng của các tỉnh, thành phố trên hành lang trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trong đó Đà Nẵng đảm nhận vai trò đầu tầu, dẫn dắt và đảm nhận các dịch vụ logistics đòi hỏi chất lượng cao.

Theo Tuấn Vỹ

Diễn đàn Doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên