MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quảng Trị: Cụ thể hóa lợi thế hành lang kinh tế Đông - Tây

Ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2023 - 2025 giữa 3 tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) - Salavan - Savannakhet (Lào).

Ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2023 - 2025 giữa 3 tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) - Salavan - Savannakhet (Lào).

Để hiện thực hóa Nghị quyết 26-NQ/TW, tỉnh Quảng Trị tập trung phát huy ưu thế là điểm đầu về phía Việt Nam trên Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC). Qua đó xây dựng Quảng Trị thành trung tâm logictics của vùng, kết nối giao thương hàng hóa toàn vùng ra khu vực, thế giới và ngược lại.

Chủ động hội nhập, phát triển

EWEC đã được xác định là một trong những tuyến hành lang chính trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với quá trình hình thành, phát triển và triển khai trên thực địa, EWEC đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân các nước trong khu vực.

Quảng Trị là điểm đầu cầu về phía Việt Nam trên tuyến EWEC, là giao điểm huyết mạnh về đường bộ, đường sắt, đường thủy, thuận lợi cho giao lưu hai miền Bắc - Nam, có tuyến đường xuyên Á gần và thuận lợi nhất để tỉnh có điều kiện mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.

Từ năm 1998, tỉnh Quảng Trị đã chủ động tham gia Chương trình hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) và chương trình hợp tác phát triển hành lang này. Trong giai đoạn 2022 - 2025, Quảng Trị đã và đang tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thành tuyến đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây với số vốn đầu tư 2.060 tỷ đồng. Dự án có chiều dài 55km đi qua các huyện ven biển: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và thành phố Đông Hà. Dự án này không chỉ giúp Quảng Trị tăng kết nối với vùng ven biển các tỉnh khu vực miền Trung, mà còn kết nối với các hành lang kinh tế kết nối Đông - Tây hiện có và trong tương lai.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet (Lào) đang triển khai xây dựng Đề án Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan. Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới này nằm ở khu vực cặp Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavan. Cặp cửa khẩu quốc tế này đã có 2 khu kinh tế gồm: Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo (Việt Nam) và Khu thương mại biên giới Densavan (Lào) đối xứng nhau.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định: Việc xây dựng thí điểm Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Từ đó, cần phải đề xuất với cấp có thẩm quyền phối hợp làm việc với các đơn vị liên quan nước bạn Lào ký hiệp định để cụ thể hóa trách nhiệm, thời gian, phân công công việc cụ thể một cách đồng bộ, hợp lý, song song với hai bên để đề án sớm được thực thi một cách thuận lợi.

Đầu tư giao thông để tăng liên kết vùng

Ngoài hành lang EWEC, tỉnh Quảng Trị đang đẩy nhanh đầu tư thêm hàng lang kinh tế theo trục Đông - Tây khác thông qua Đề án: Hợp tác triển khai hành lang kinh tế Quảng Trị (Việt Nam) - Salavan (Lào) - Ubon Ratchathani (Thái Lan) (PARA - EWEC). Với chiều dài hơn 420km, PARA-EWEC cũng là hành lang kết nối Đông - Tây ngắn nhất từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương đi qua các nước: Myanmar, Đông Bắc Thái Lan, Lào, Việt Nam rồi ra cảng biển nước sâu Mỹ Thủy (Quảng Trị).

Quảng Trị: Cụ thể hóa lợi thế hành lang kinh tế Đông - Tây - Ảnh 1.

Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo trên Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Hành lang PARA - EWEC ở phía tỉnh Quảng Trị là quốc lộ 15D kết nối cảng biển Mỹ Thủy với Cửa khẩu quốc tế La Lay. Với vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp quốc lộ 15D kết nối Quảng Trị với tỉnh Salavan (Lào) và Ubon Ratchanthani (Thái Lan) sẽ tạo thành Hành lang PARA - EWEC ngắn nhất, song song với EWEC nhằm thúc đẩy phát triển mọi mặt của tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến, tỉnh đã đề nghị Chính phủ đầu tư xây dựng, nâng cấp quốc lộ 15D ưu tiên các đoạn tuyến gồm: Cảng biển Mỹ Thủy đến quốc lộ 1A dài gần 14km; quốc lộ 1A đến cao tốc đường bộ đoạn Cam Lộ - La Sơn dài 8km; đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến Cửa khẩu quốc tế La Lay dài 12km; cao tốc đường bộ Cam Lộ - La Sơn (đã hoàn thành ngày 31/12/2022) đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dài 34km.

Hiện nay, Bộ GTVT đã có văn bản gửi các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt đề xuất dự án nâng cấp, cải tạo một số đoạn tuyến quốc lộ 15D kết nối với Lào sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới.

Để sớm hoàn thành quốc lộ 15D, tỉnh Quảng Trị cũng đang triển khai đầu tư một số đoạn tuyến theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Ngoài ra, tỉnh cũng đầu tư trên 100 tỷ đồng thực hiện Dự án san nền và hạ tầng kỹ thuật tại trung tâm Cửa khẩu quốc tế La Lay. Đây là tuyến giao thông đường bộ quan trọng, tạo sự tương hỗ với EWEC qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.

Việc đầu tư nâng cấp, xây dựng quốc lộ 15D từ cảng Mỹ Thủy đến Cửa khẩu quốc tế La Lay sẽ tạo ra liên kết vùng mạnh hơn không chỉ ở Quảng Trị mà còn khu vực duyên hải miền Trung, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Thông qua Hành lang PARA - EWEC, hàng hóa sẽ lưu thông qua tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 9, cảng Cửa Việt, cảng Mỹ Thủy đi và đến với các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông và ngược lại.

Theo Quỳnh Nga

Pháp luật Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên