MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quanh đề xuất miễn phạt chậm nộp thuế: Cần giải pháp tổng thể

Để đồng hành với doanh nghiệp (DN) qua giai đoạn khó khăn, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng nghị quyết miễn tiền chậm nộp cho đơn vị thua lỗ năm 2022. Dự kiến, số tiền phạt được miễn khoảng 2.500 tỷ đồng.

Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, cần có giải pháp tổng thể, để tiếp tục trợ lực cho DN có lợi nhuận, có nguồn thu, có đơn hàng để vượt qua giai đoạn khó khăn thay vì chỉ miễn phạt cho các doanh nghiệp bị thua lỗ như đề xuất của Bộ Tài chính.

Sẽ miễn 2.500 tỷ đồng tiền phạt, giảm nhiều loại phí

Năm 2022, hàng loạt DN ngành bất động sản, chứng khoán, thép, hàng không thua lỗ do khó khăn. Nhiều DN lỗ từ vài trăm tới cả nghìn tỷ đồng. Thống kê của Fiin Group cho thấy, quý 4/2022 có khoảng 251 DN thua lỗ trong tổng số khoảng 1.000 DN đã công bố báo cáo tài chính. DN thua lỗ cũng khiến số tiền thuế nợ không ngừng tăng qua các năm và lên tới gần 135.000 tỷ đồng, chiếm tới 9,2% tổng thu ngân sách năm 2022.

“Số nợ thuế năm 2022 tăng so với các năm trước do hậu quả của dịch COVID-19. Giá dầu, nguyên vật liệu đầu vào có nhiều biến động ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực, ngành kinh tế dẫn đến người nộp thuế gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, kết quả kinh doanh thua lỗ làm tăng nợ thuế”, Bộ Tài chính cho biết.

Quanh đề xuất miễn phạt chậm nộp thuế: Cần giải pháp tổng thể - Ảnh 1.

Hàng không là một trong những ngành thua lỗ năm 2022 đang được đề xuất miễn tiền chậm nộp phạt.

Theo quy định, người nộp thuế bị tính tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày trên tổng số tiền thuế nợ. Theo tính toán của Bộ Tài chính, đề xuất miễn tiền phạt chậm nộp thuế làm giảm thu ngân sách khoảng 2.500 tỷ đồng.

Việc miễn giảm này không tác động đến thu ngân sách. Khi được thông qua, khoản tiền này giúp giảm gánh nặng tài chính, giúp DN sớm phục hồi.

Để hỗ trợ cho DN, Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm 50% mức thu của 36 khoản phí, lệ phí thuộc nhiều ngành kinh tế từ ngày 1/7 sắp tới. Với ngành ngân hàng, Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng; lệ phí giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

“Trong gần 3 tháng qua, hàng loạt quyết sách liên quan lĩnh vực y tế, đất đai, bất động sản, xây dựng, tài chính, tín dụng, xuất nhập khẩu đã được tổ chức thực hiện. Chính sách, gói hỗ trợ cho DN đã được ban hành nhiều nhưng chưa thực sự hiệu quả trong thực tế. Chính sách hỗ trợ đã có, đơn vị liên quan cần bắt tay vào thực hiện để giúp DN qua giai đoạn khó khăn”. TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV)

Các khoản lệ phí đề xuất giảm của ngành xây dựng gồm: lệ phí cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức; lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cho cá nhân, phí thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc phí thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật, phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng.

Các khoản phí thuộc lĩnh vực du lịch đề xuất giảm như: phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Phải có chính sách hỗ trợ thực tế

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, DN thua lỗ, không còn khả năng trả nợ thuế, nếu không được miễn, DN sẽ bị treo nợ thuế, ảnh hưởng uy tín khi ký kết hợp tác.

Để trợ lực cho DN qua giai đoạn khó khăn, ông Mạc Quốc Anh kiến nghị, cơ quan chức năng đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để “thúc” tiền chảy ra nền kinh tế. Đồng thời, khoanh nợ với khoản nợ cũ, nợ khó đòi. Cùng với đó, DN mong muốn ngân hàng giảm lãi suất với khoản vay cũ từ cuối năm 2022 đang chịu lãi suất cao.

Trao đổi với PV Tiền Phong , TS Cấn Văn Lực chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV) cho rằng, khó khăn về tài chính, đứt gãy dòng tiền là một trong những khó khăn lớn nhất DN phải đối mặt. Khả năng hấp thụ vốn của DN và nền kinh tế hiện rất thấp. Trong 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng khoảng 3%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Kênh huy động vốn từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu DN vẫn bị thu hẹp. Giải ngân đầu tư công còn chậm, nhiều nơi chưa đạt yêu cầu.

“Trong gần 3 tháng qua, hàng loạt quyết sách liên quan đến lĩnh vực y tế, đất đai, bất động sản, xây dựng, tài chính, tín dụng, xuất nhập khẩu đã được tổ chức thực hiện. Chính sách, gói hỗ trợ cho DN đã được ban hành nhiều nhưng chưa thực sự hiệu quả trong thực tế”, ông Lực nói.

Ông Lực đề xuất, cơ quan chức năng cần tập trung tháo gỡ khó khăn đang làm khó DN hiện nay như: đăng kiểm, phòng cháy chữa cháy, visa cho du khách và chuyên gia; hoàn thuế VAT. Đồng thời, cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm vi phạm về chứng khoán, bất động sản. Mọi quyết sách đều cần phân giao trách nhiệm, thời hạn cụ thể, có chế tài nghiêm nếu không thực hiện. “Những quyết sách này mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là giải quyết được tâm lý sợ sai, đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Cần có cơ chế, chính sách bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm “, ông Lực nói.

Theo đại diện một số doanh nghiệp, cùng với việc giãn, miễn phạt chậm nộp thuế, Bộ Tài chính cần có chính sách cụ thể vực dậy cho các doanh nghiệp mang tính lâu dài hơn như giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm các loại phí, thuế cho các thủ tục, dịch vụ hành chính, phối hợp với các bộ ngành xây dựng cơ chế cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, có đơn hàng. Khi nguồn thu được nuôi dưỡng, giảm bớt mức độ đóng góp thuế, doanh nghiệp sẽ có cơ hội phát triển và ngân sách vì thế sẽ gia tăng thay vì chỉ miễn giảm phạt chậm nộp đối với các đối tượng kinh doanh vốn đã thua lỗ như đang đề xuất.

PV

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên