MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quát nạt ông cụ tàn tật, nữ soát vé "cứng họng" vì câu hỏi của trưởng tàu

23-04-2017 - 14:13 PM | Sống

Kiên quyết đòi xem giấy chứng nhận tàn tật của cụ ông nghèo khốn khổ, cô soát vé không ngờ hành động của mình phải nhận lấy sự cười chê chỉ sau một câu nói của vị trưởng tàu "Giấy chứng nhận làm người của cô đâu?"

"Giấy chứng nhận làm người của cô đâu?"

"Trên đoàn tàu, cô soát vé xinh đẹp nhìn chằm chằm vào người đàn ông lớn tuổi đi làm thuê. Cô nói cộc lốc: "Soát vé!"

Cụ ông lục khắp người từ trên xuống dưới một thôi một hồi, cuối cùng tìm thấy vé, nhưng cứ cầm trong tay không muốn chìa ra. Cô soát vé liếc nhìn vào tay ông, cười trách móc: "Ðây là vé trẻ em"

Cụ ông đỏ bừng mặt, nhỏ nhẹ đáp: "Vé trẻ em chẳng phải ngang giá vé người tàn tật hay sao?"

Giá vé trẻ em và người tàn tật đều bằng một nửa vé, đương nhiên cô soát vé biết. Cô nhìn kỹ ông một lúc rồi hỏi:

Ông là người tàn tật à?

– Vâng, tôi là người tàn tật.

– Vậy ông cho tôi xem giấy chứng nhận tàn tật.

Cụ ông tỏ ra căng thẳng, đáp: "Tôi…không có giấy tờ. Khi mua vé cô bán vé bảo tôi đưa giấy chứng nhận tàn tật, không biết làm thế nào, tôi đã mua vé trẻ em".

Cô soát vé cười gằn: "Không có giấy chứng nhận tàn tật, làm sao chứng minh được ông là người tàn tật?".

Cụ ông im lặng, lặng lẽ tháo giầy, rồi vén ống quần lên: "Tôi chỉ còn một nửa bàn chân".

Cô soát vé liếc nhìn, bảo: "Tôi cần xem chứng từ, tức là quyển sổ có in mấy chữ "Giấy chứng nhận tàn tật", có đóng con dấu đỏ của Hội người tàn tật!".

Cụ ông nhăn nhó, giải thích: "Tôi không có tờ khai gia đình của địa phương, người ta không cấp sổ tàn tật cho tôi. Hơn nữa, trước đây tôi làm việc trên công trường của tư nhân. Sau khi xảy ra tai nạn ông chủ bỏ chạy, tôi cũng không có tiền đến bệnh viện giám định…".

Cô gái trẻ không thèm nghe, cũng không liếc nhìn, chỉ nhất quyết nói: "Chúng tôi xem giấy chứng nhận, không xem người. Có giấy chứng nhận tàn tật chính là người tàn tật, có giấy chứng nhận tàn tật mới được hưởng chế độ ưu đãi vé người tàn tật. Ông mau mau mua vé bổ sung".

Cụ ông bỗng thẫn thờ, lục khắp các túi trên người và hành lý, chỉ có hơn 50 ngàn đồng, hoàn toàn không đủ để mua vé bổ sung. Ông nhăn nhó và nói như sắp khóc: "Sau khi bàn chân tôi bị máy cán đứt một nửa, tôi không bao giờ còn có thể đi làm được nữa.

Không có tiền, ngay đến về quê cũng không về nổi. Nửa vé này cũng do bà con đồng hương góp mỗi người một ít để mua giùm, xin các cô mở lòng, giơ cao đánh khẽ, nương bàn tay cao quý mà tha cho tôi".

Sau tai nạn, cụ ông khốn khổ mất khả năng lao động để kiếm tiền nuôi sống bản thân (Ảnh minh họa)

Sau tai nạn, cụ ông khốn khổ mất khả năng lao động để kiếm tiền nuôi sống bản thân (Ảnh minh họa).

Cô gái trẻ nói kiên quyết: "Không được. Nếu không có tiền mua vé bổ sung, ông phải lên đầu tàu xúc than, coi như làm lao động nghĩa vụ".

Trưởng tàu nghe tin, đến hỏi tình hình. Khi biết rõ đầu đuôi câu chuyện, vị trưởng tàu quay sang cô gái trẻ, hỏi một câu: "Cô có phải con người không?".

Cô soát vé lúc này đã khá mất bình tĩnh: "Ông ăn nói tử tế một chút. Tôi không là người thì là gì?"

"Cô dùng cái gì để chứng minh mình là người? đưa giấy chứng nhận của mình cho mọi người xem xem? Tôi cũng giống, chỉ xem chứng từ, không xem người, có giấy chứng nhận làm người sẽ là người, không có giấy chứng nhận thì không phải".

Cô soát vé cứng họng, không biết ứng phó ra sao. Mọi hành khách chung quanh thì cười ầm lên. Chỉ có một người không cười. Ðó là cụ ông bị cụt chân. Ông đăm đăm nhìn ra ngoài cửa sổ con tàu. Không biết tự bao giờ, mắt ông đẫm lệ, không rõ tủi thân, xúc động, hay hận thù…"

Mức độ trưởng thành của mỗi người tùy thuộc vào thái độ ứng xử của ta đối với người khác!

Câu hỏi của vị trưởng tàu tốt bụng và những tràng cười mỉa mai mà mọi người xung dành cho cô nhân viên soát vé dường như đã phần nào lên án hành động và lời nói nhẫn tâm mà cô đối xử với ông lão tàn tật.

Đối xử tốt với người khác, thực ra là đối xử tốt với bản thân mình. Giống như Aristotle đã nói: Nên đối đãi với người khác như là chúng ta mong muốn họ đối đãi với mình (Ảnh minh họa)

Đối xử tốt với người khác, thực ra là đối xử tốt với bản thân mình. Giống như Aristotle đã nói: "Nên đối đãi với người khác như là chúng ta mong muốn họ đối đãi với mình" (Ảnh minh họa).

Cuộc sống là bức tranh muôn màu muôn vẻ, với vô số những kiểu người khác nhau. Người tốt trong xã hội không thiếu, nhưng đâu đó vẫn còn những con người ích kỉ, chỉ biết đến bản thân mình và đối xử tệ bạc với người khác như cô soát vé trong chuyến tàu kia.

Cô không hình dung nếu bản thân mình, hay bố mẹ, người thân mình bị đối xử tương tự thì cảm giác sẽ như thế nào?

Hành động vô tâm, khắc nghiệt của cô gái trẻ khiến nhiều người chứng kiến cảm thấy vô cùng bực xúc và đôi chút khó hiểu: Tại sao một cô gái với ngoại hình xinh đẹp, nhưng trái tim lại vô cùng băng giá, xấu xa đến vậy?

Nếu chỉ một lần cô thử đặt mình vào vị trí của cụ già tàn tật nghèo khổ, tội nghiệp, có lẽ câu chuyện đáng buồn trên sẽ không bao giờ xảy ra.

Câu chuyện như muốn nhắc nhở mỗi chúng ta rằng, trong cuộc sống, mỗi người đều kết giao với đủ kiểu người. Nếu ta đối xử tốt với người khác, điều đó sẽ như tiếng vọng của ngọn núi, người khác cũng nhất định đối xử tốt với ta.

Ngược lại, nếu như bạn dùng lời ác ý với người khác, thì người ta cũng sẽ dùng lời ác ý với bạn. Vì thế, trong quá trình cùng chung sống với mọi người bạn nên đối xử tốt với người khác.

Mức độ lớn khôn và trưởng thành của mỗi con người tùy thuộc vào thái độ ứng xử của họ với người khác: dịu dàng với người trẻ, cảm thông với người già, chia sẻ với người bất hạnh, động viên người có chí hướng, tha thứ người mắc lỗi lầm, bao dung với kẻ yếu và khoan hòa với kẻ mạnh.

Theo Hoàng Ngân

Theo Trí thức trẻ

Trở lên trên