MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quay, ghi hình lỗi vi phạm nào gửi cho CSGT để nhận được tới 5 triệu đồng?

02-01-2025 - 16:45 PM | Xã hội

Cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông sẽ được hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/vụ.

Song song với Nghị định số 168/2024/NĐ-CP thì Nghị định 176/2024 quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách, đã được Chính phủ ban hành và cũng có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Trong Nghị định 176 có nêu đối với mức chi gồm:

Chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ban đêm không quá 200.000 đồng/người/ca (1 ca từ đủ 4 giờ trở lên, thời gian làm đêm từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau), 1/2 ca (2 giờ) mức chi không quá 100.000 đồng/người, tối đa 10 ca/tháng.
Bồi dưỡng làm thêm giờ cho cán bộ công chức, viên chức và các lực lượng tại địa phương trực tiếp tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông ban ngày không quá 100.000 đồng/ngày/người, tối đa không quá 10 ca/tháng.

Đáng chú ý là khoản chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông của một vụ việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5 triệu đồng/vụ việc.

Quay, ghi hình lỗi vi phạm nào gửi cho CSGT để nhận được tới 5 triệu đồng?- Ảnh 1.

Quá trình xử lý, CSGT sẽ ưu tiên dùng thiết bị giám sát - Ảnh: Bộ Công an

Như vậy, để đạt mức nhận 5 triệu đồng thì tổ chức, cá nhân phải cung cấp thông tin các lỗi mà số tiền xử phạt vi phạm hành chính từ 50 triệu đồng trở lên.
Vậy các hành vi vi phạm giao thông nào có mức xử phạt hành chính từ 50 triệu đồng trở lên?

Theo Nghị định số 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng trên đường bộ; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường bộ.
Nếu hành vi này mà gây tai nạn thì người lái xe có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 70 triệu đồng.

Ngoài ra, cá nhân đua xe ô tô, mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy, xe đạp trái phép trên đường giao thông bị phạt tiền từ 40 triệu đến 50 triệu đồng.
Đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm tổ chức đua xe trái phép bị phạt tiền từ 80 triệu đến 100 triệu đồng.

Một số hành vi vi phạm bị phạt từ 20 triệu đến 40 triệu đồng

Cá nhân, tập thể cũng có thể được nhận số tiền từ 2-4 triệu đồng khi cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông những lỗi có mức phạt từ 20-40 triệu đồng như: vượt đèn đỏ, không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn, đi lùi, quay xe trên cao tốc. Cụ thể:

Tại điểm b khoản 11 Điều 6 quy định: Người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.

Cùng mức phạt này còn có hành vi điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc, quay đầu xe trên đường cao tốc.

Với hành vi cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ ở Nghị định 168 bị tăng mức phạt mới lên 35 - 37 triệu đồng.

Quay, ghi hình lỗi vi phạm nào gửi cho CSGT để nhận được tới 5 triệu đồng?- Ảnh 2.

Cá nhân, tập thể cung cấp các thông tin về hành vi sai phạm sẽ được nhận đến 5 triệu đồng

Các hành vi có mức xử phạt hành chính thấp hơn như: Mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn sẽ tăng gấp gấp 36-50 lần, cụ thể là 20 - 22 triệu đồng.

Người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, đi ngược chiều sẽ bị phạt từ 18-20 triệu đồng (quy định cũ phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng).

Theo đại diện Cục CSGT, Nghị định 168 được xây dựng trong bối cảnh tình hình trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, tai nạn được kiềm chế.

Trong đó lượng phương tiện tăng cao mỗi năm với gần 500.000 ô tô cùng khoảng 2 triệu xe máy… Ý thức một số người tham gia giao thông chưa cao, tình trạng vi phạm còn diễn ra phổ biến. Vì vậy, việc tăng mức xử phạt để kiềm chế tai nạn giao thông.

Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia chia sẻ trên VOV2, việc nâng cao mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm không chỉ nhắm vào việc xử phạt người dân mà cốt lõi là để tạo ra sự răn đe từ sớm, từ đó giúp thay đổi suy nghĩ, ý thức tuân thủ luật giao thông của người dân. Nhờ đó, giúp ngăn ngừa, giảm thiểu và hạn chế tai nạn giao thông.

Theo Trang Anh

Đời sống và pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên