'Quốc ẩm Việt Trà' trên hành trình di sản văn hóa phi vật thể
Trong hội nghị ban chấp hành liên hiệp các hội Unesco thế giới lần thứ 43, và sự kiện Hội nghị quốc tế “vai trò và đóng góp của phong trào Unesco đối với Công Nghiệp văn Hóa” được tổ chức tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Ủy viên Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới cho rằng Văn hóa trà Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố để được vinh danh là văn hóa phi vật thể thế giới.
“Quốc Ẩm Việt Trà”
Lịch sử và văn hoá trà Việt: Việt Nam có nền văn hoá trà gắn bó song hành với nền nông nghiệp lúa nước trải qua hơn 5.000 năm. Cây trà ban đầu được xem như thảo mộc có công dụng chữa bệnh, giải độc, lâu dần trở thành thức uống thường xuyên của người Việt. Mật độ trà Việt Nam phủ đều từ các tỉnh phía Bắc với hàng nghìn cây trà cổ thụ hơn 500 năm đến các tỉnh phía Nam với nhiều giống trà ngon và quý, điển hình như tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh thành.
Ở Việt Nam, Đạo - Thần - Hồn của trà Việt gắn với hoàn cảnh của một đất nước đã trầm mình trải qua bao cuộc bể dâu của thiên tai, địch hoạ mang đặc trưng của sự hào sảng. Tính dung hợp của người Việt tạo ra sự đa thức trong việc thưởng trà, từ sự chân phương, giản đơn nhất đến sự cầu kỳ, phức tạp. Mỗi kiểu thức gắn với nhân sinh quan, đề cao nghĩa khí, sự chân thành, đối nhân xử thế của con người, điển hình như câu nói “trà nô tửu tướng” thể hiện tâm thế phụng sự, đức tính khiêm cung của người Việt trong văn hoá trà của mình.
Văn hóa trà Việt Nam đó là “Việt trà thức” chính là sự gói gọn của bản sắc dân tộc về tính đa thức và niệm thức sâu sắc trong đối nhân xử thế của người Việt. Sự đa dạng của các kiểu thức trong thưởng trà của người Việt được thể hiện qua ngũ thức Việt trà. Mộc thức: Là kiểu uống trà phổ biến của người Việt khi không quá đặt nặng tính cầu kì của việc thưởng trà. Văn thức: Là cách thức thưởng trà ở mức độ cầu kỳ. Kiểu thức này đòi hỏi người thưởng trà có sự am hiểu nhất định về trà, từ cung cách uống cho đến loại trà uống. Ngự thức: Là cách thưởng trà cung đình dành cho những bậc vua chúa, hoàng tộc khi xưa. Tĩnh thức: Là cách thức thưởng trà hướng đến sự an tĩnh, giàu tính chiêm nghiệm. Thư thức: Là thưởng trà kết hợp với việc đọc sách, thưởng lãm nghệ thuật làm phong phú trí tuệ và tâm hồn người Việt.
Văn hóa Trà Việt hành trình trở thành văn hóa phi vật thể
Ông Nguyễn Xuân Thắng Chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Ủy viên Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới chia sẻ “Có thể nói, Trà là một văn hóa hết sức tinh tế, gắn liền đời sống, truyền thống văn hóa của Việt Nam hàng nghìn năm nay, nhưng để được Unesco công nhận, chúng ta phải xây dựng cho nó một luận chứng khoa học, chứng minh được rằng nó có nét độc đáo và giàu văn hóa. Đây là một nhiệm vụ chúng ta phải làm. Nếu Unesco công nhận là văn hóa phi vật thể, sẽ làm một điều hết sức vinh dự cho Trà của Việt Nam, tôi tin là, chúng ta có đủ điều kiện, đủ yếu tố khoa học, yếu tố văn hóa để chứng minh được điều đó, văn hóa trà của Việt Nam sớm hay muộn cũng được các bạn quốc tế hết sức đề cao, ngưỡng mộ và sẽ được Unesco quan tâm, đưa vào xem xét là di sản văn hóa phi vật thể, đương nhiên để văn hóa trà Việt Nam được vươn ra thế giới thì không riêng gì Unesco Việt Nam mà đây là nhiệm vụ của rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, vừa là kinh tế, vừa là văn hóa, vừa là truyền thông, về phía mình, chúng tôi sẽ kêu gọi các cơ quan liên quan đến xây dựng thẩm định hồ sơ, để đề trình Unesco công nhận di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Để làm sao có thể giúp đỡ những người hoạt động trong lĩnh vực trà của nhân dân Việt Nam sớm được Unesco công nhận.
Theo Trà nhân Phạm Công Tuấn Hạ đại diện Thương hiệu trà Đôi Dép, “khi nói về bản sắc văn hóa trà Việt là chúng ta sẽ thấy được chiều sâu của bản sắc di sản văn hóa Việt Nam, mà bằng trà bằng phương pháp đối đãi giữa bạn trà, bằng trà cụ, bằng tất cả những gì tinh hoa nhất của Trà đã hội tụ nên bản sắc lâu đời của trà Việt, Với một nền văn hóa trà lâu đời như vậy đây là một điều mà chúng ta cần tự hào, mong rằng Unesco quan tâm hơn trong việc đánh giá toàn bộ nền văn hóa trà để từ đó ghi nhận tính đa dạng tính bản sắc của trà Việt”.
Bà Dạ Nguyệt Lan Đại diện Liên hiệp các hội UNESCO Trung Quốc cho biết tại Trung Quốc đến tham dự hội nghị quốc tế Unesco năm nay, cảm thấy rất bất ngờ về việc được thưởng trà trong không gian văn hóa Trà do ban tổ chức dày công chuẩn bị, đồng thời được thưởng thức tiết mục nghệ thuật giàu văn hóa từ các trà nương đẹp mắt, nghệ thuật và ý nghĩa. Khiến các đại biểu Hội nghị ngỡ ngàng về một nét văn hóa đẹp và đặc trưng của Việt Nam. Bà Lan cho biết vào năm 2023, Trung Quốc cũng được tổ chức Unesco vinh danh Cảnh quan văn hóa rừng trà cổ trên núi Cảnh Mại ở Phổ Nhĩ là di sản văn hóa phi vật thể của Trung Quốc. Bởi vậy Bà Lan cho rằng nếu Văn Hóa Trà của Việt Nam được tổ chức Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể chắc chắn sẽ có thêm một di sản nữa được bảo vệ được phát triển sâu và rộng hơn cho thế hệ mai sau.
Người Tiên phong trên Hành trình Di sản
Thương hiệu Đôi Dép đã dày công nghiên cứu và phát dương về bản sắc văn hóa trà Việt Nam, đồng thời đưa trà đi đến nhiều hơn với các sự kiện văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội trong và ngoài nước, trong đó có các sự kiện như: Năm 2023, trong khuôn khổ chương trình diễn đàn kinh tế thành phố HCM, Thương hiệu Đôi Dép đã đồng hành với sở Ngoại vụ, Ủy ban Nhân dân TP HCM tổ chức thành công sự kiện “CEO 100 Tea Connect”, đưa ra một Phương thức ngoại giao hoàn toàn mới đó là “Tea Connect”. Đôi Dép cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được vinh dự tham gia World Tea Expo 2024 tại Mỹ. Tại lễ giỗ Tổ Vua Hùng tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Thương hiệu Đôi Dép cùng Ban Tổ chức đã dâng “Quốc ẩm Việt trà” lên Vua Hùng cùng các vị tiền nhân. Đặc biệt tại lễ hội văn hóa Việt Nam – Nhật Bản vừa qua tại Tp Đà Nẵng, lần đầu tiên Trà Việt Nam được xứng danh cùng Trà đạo Nhật Bản qua chương trình Đối ẩm Trà Đạo Nhật Bản và Trà Thức Việt Nam.
Tại hội nghị ban chấp hành liên hiệp các hội Unesco thế giới lần thứ 43, tại thành phối Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Thương hiệu Đôi Dép đã vinh dự được Unesco trao chứng nhận “Người tiên phong trên hành trình di sản”.
Tiền Phong