MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc đảo vỡ nợ với những sai lầm nối tiếp sai lầm: Liệu tấm 'phao cứu sinh' có xuất hiện?

18-04-2022 - 19:10 PM | Tài chính quốc tế

Quốc đảo vỡ nợ với những sai lầm nối tiếp sai lầm: Liệu tấm 'phao cứu sinh' có xuất hiện?

Cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của Sri Lanka đã gây ra một làn sóng biểu tình tự phát chưa từng có. Quốc đảo 22 triệu dân này đang phải vật lộn với tình trạng mất điện kéo dài và thiếu các nhu yếu phẩm, bao gồm nhiên liệu và thuốc men.

Chính phủ của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã phải chịu áp lực ngày càng lớn do có những bước đi sai lầm khi quản lý nền kinh tế. Quốc gia này đã tạm dừng các khoản thanh toán nợ nước ngoài trong nỗ lực duy trì dự trữ ngoại hối ít ỏi của mình.

Vào thứ Hai, Sri Lanka sẽ bắt đầu đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một chương trình cho vay, đồng thời tìm kiếm sự giúp đỡ từ các quốc gia khác, bao gồm cả nước láng giềng Ấn Độ và Trung Quốc.

Sai lầm nối tiếp sai lầm

Sự quản lý kinh tế yếu kém của các chính phủ đã làm suy yếu nền tài chính công của Sri Lanka, khiến chi tiêu quốc gia vượt quá thu nhập. Việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ không đủ để đáp ứng nhu cầu.

Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do chính quyền Rajapaksa ban hành các đợt cắt giảm thuế sâu ngay sau khi chính quyền Rajapaksa nhậm chức vào năm 2019. Điều này diễn ra chỉ vài tháng trước cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19.

Đại dịch đã nhấn chìm một số lĩnh vực của nền kinh tế, chủ yếu là ngành du lịch vốn đang phát triển và giúp Sri Lanka thu được nhiều lợi nhuận. Tỷ giá hối đoái không linh hoạt đã làm giảm lượng kiều hối từ các những người lao động từ nước ngoài gửi về. 

Các cơ quan xếp hạng, lo ngại về tài chính của chính phủ và không có khả năng trả khoản nợ nước ngoài lớn. Do đó, các cơ quan này đã hạ cấp xếp hạng tín dụng của Sri Lanka từ năm 2020 trở đi, cuối cùng khiến quốc gia này bị loại khỏi thị trường tài chính quốc tế.

Nhưng để giữ cho nền kinh tế tiếp tục phát triển, chính phủ vẫn dựa nhiều vào dự trữ ngoại hối của mình, tiêu tốn hơn 70% chỉ trong hai năm.

Đến tháng 3, dự trữ ngoại hối của Sri Lanka chỉ ở mức 1,93 tỷ USD, không đủ để trang trải khối lượng nhập khẩu của 1 tháng và dẫn đến tình trạng thiếu hụt ngày càng trầm trọng đối với mọi thứ từ dầu diesel đến một số mặt hàng thực phẩm.

Các nhà phân tích của J.P. Morgan ước tính tổng số tiền nợ của quốc gia này sẽ lên tới 7 tỷ USD trong năm nay, với thâm hụt tài khoản vãng lai vào khoảng 3 tỷ USD.

Chính phủ đã làm gì?

Đối mặt với môi trường kinh tế đang xấu đi nhanh chóng, chính quyền Rajapaksa đã chọn cách chờ đợi, thay vì nhanh chóng hành động và tìm kiếm sự giúp đỡ từ IMF và các nguồn khác.

Trong nhiều tháng, các nhà lãnh đạo phe đối lập và các chuyên gia đã thúc giục chính phủ hành động, nhưng họ giữ vững lập trường, hy vọng du lịch và dòng kiều hối sẽ phục hồi.

Bộ trưởng Tài chính mới được bổ nhiệm Ali Sabry nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng rằng các quan chức chủ chốt trong chính phủ và ngân hàng trung ương Sri Lanka không hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề và miễn cưỡng để IMF can thiệp. Ông Sabry, cùng với một thống đốc ngân hàng, đã được đưa vào một nhóm mới để giải quyết tình hình.

Tuy nhiên, sau khi nhận thức được cuộc khủng hoảng, chính phủ đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ các quốc gia, bao gồm cả Ấn Độ và Trung Quốc. Tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính đã đến New Delhi để thảo luận và dàn xếp các hợp đồng hoán đổi tín dụng 1,9 tỷ USD từ quốc gia này.

Một tháng sau, Tổng thống Rajapaksa yêu cầu Trung Quốc tái cơ cấu khoản trả nợ khoảng 3,5 tỷ USD mà Sri Lanka nợ Bắc Kinh. Nước này cũng đã cung cấp cho Sri Lanka một khoản hoán đổi trị giá 1,5 tỷ USD bằng nhân dân tệ vào cuối năm 2021.

Tương lai sẽ đi về đâu?

Bộ trưởng Tài chính Sabry sẽ bắt đầu đàm phán với IMF về gói cho vay lên tới 3 tỷ USD trong vòng 3 năm.

Một chương trình của IMF, thường bắt buộc kỷ luật tài chính từ những người đi vay, cũng dự kiến ​​sẽ giúp Sri Lanka thu hút thêm 1 tỷ USD hỗ trợ từ các tổ chức đa phương khác như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á.

Tổng cộng, quốc gia này cần khoảng 3 tỷ USD khoản tài trợ bắc cầu trong 6 tháng tới để giúp khôi phục nguồn cung cấp các mặt hàng thiết yếu bao gồm nhiên liệu và thuốc men.

Các nguồn tin cho Reuters biết, Ấn Độ sẵn sàng cung cấp cho Sri Lanka 2 tỷ USD khác để giảm sự phụ thuộc của nước này vào Trung Quốc. Sri Lanka cũng đã tìm kiếm thêm một hạn mức tín dụng 500 triệu USD từ Ấn Độ cho nhiên liệu.

Với Trung Quốc, chính phủ cũng đang thảo luận về hạn mức tín dụng 1,5 tỷ USD và khoản vay hợp vốn lên tới 1 tỷ USD. Bên cạnh việc hoán đổi vào năm ngoái, Bắc Kinh cũng đã mở rộng khoản vay hợp vốn 1,3 tỷ USD cho Sri Lanka khi đại dịch bắt đầu.

https://cafef.vn/quoc-dao-vo-no-voi-nhung-sai-lam-noi-tiep-sai-lam-lieu-tam-phao-cuu-sinh-co-xuat-hien-20220418142505891.chn

Minh Phương

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên