Quốc gia BRICS tham vọng 'sở hữu cả thế giới trong tay' với quỹ đầu tư đình đám bất ngờ thu hẹp chi tiêu: 'Đại gia' nay đã... hết tiền?
Khi “đại gia” dầu mỏ và thành viên của BRICS này đánh giá lại các mối ưu tiên, thời kỳ được cho là dễ dàng kiếm tiền từ Ả Rập Xê Út sắp kết thúc.
Trong phần lớn thập kỷ qua, Ả Rập Xê Út có sức hấp dẫn rất lớn với các deal-maker, ngân hàng lớn và các công ty quản lý tài sản đang tìm nguồn vốn. Quỹ đầu tư quốc gia của nước này - PIF, đã phóng khoáng chi tiêu, đầu tư hàng tỷ USD vào nhiều thương vụ quốc tế.
Tuy nhiên, khi “đại gia” dầu mỏ và thành viên của BRICS này đánh giá lại các mối ưu tiên và quỹ PIF trị giá 925 tỷ USD chuyển trọng tâm sang các dự án quan trọng trong nước, thì thời kỳ được cho là dễ dàng kiếm tiền từ Ả Rập Xê Út sắp kết thúc.
Các nhà quản lý quỹ, ngân hàng và nhiều doanh nghiệp từng tìm cách huy động vốn ở quốc gia này đã nhận thấy tác động của sự thay đổi. Các nhà quản lý tài sản cho biết, giới chức Ả Rập đã đặt ra nhiều điều kiện hơn để đầu tư. Họ yêu cầu các dự án thuê nhân sự trong nước và ít nhất sử dụng một phần nguồn vốn để đầu tư vào các công ty và dự án trong nước.
Tình hình hiện tại trái ngược với những năm đầu tiên PIF chuyển đổi mạnh mẽ từ một công ty cổ phần nhà nước ít người biết, quản lý khoảng 150 tỷ USD vào năm 2015, để trở thành một trong những quỹ đầu tư công năng động nhất thế giới.
Quá trình cải tổ được thúc đẩy bởi Thái tử Mohammed bin Salman khi ông đảm nhận vị trí lãnh đạo vào năm 2015. Khi đó, PIF tìm cách nhanh chóng tăng mức độ tiếp xúc với thị trường nước ngoài. Kết quả là đầu tư nước ngoài tăng từ mức gần như bằng 0 lên 24% danh mục.
Quỹ này đã thực hiện một loạt thương vụ đình đám, như bơm 45 tỷ USD vào quỹ Vision của SoftBank vào năm 2016 và 20 tỷ USD vào quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng của Blackstone vào năm sau.
Trong những năm sau đó, PIF đã phóng khoáng chi tiền vào nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nhà sản xuất ô tô điện Lucid, đến liên doanh LIV Golf, đổ vốn vào 1 tập đoàn du lịch, khai thác mỏ, câu lạc bộ bóng đá và các công ty game....
Chưa dừng ở đó, PIF còn rót hàng chục tỷ USD vào thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu, bơm 2 tỷ USD vào một liên doanh cổ phần tư nhân do con rể ông Donald Trump, Jared Kushner, thành lập.
Sự hào phóng này kết hợp với việc nhiều thị trường khác trên thế giới chịu cảnh thanh khoản bị thắt chặt đã giúp Ả Rập Xê Út và các nước vùng Vịnh trở thành nguồn tài trợ hấp dẫn. Tâm lý hứng khởi với các “ông lớn” dầu mỏ càng tăng lên sau khi mâu thuẫn Nga - Ukraine xảy ra khiến giá năng lượng tăng lên cao nhất trong nhiều năm, tạo ra sự bùng nổ ở vùng Vịnh và giúp Ả Rập Xê Út đạt thặng dư ngân sách vào năm 2022.
Song, kể từ đó, vương quốc này lại cắt giảm sản lượng dầu nhằm ổn định giá dầu thô đang xuống thấp. Động thái này ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách chính của chính phủ và thâm hụt trở lại vì Riyadh đã chi quá nhiều tiền cho các kế hoạch đầu tư. Các ngân hàng tiết lộ, nhiều thương vụ đã “không đi đến đâu”.
Theo hồ sơ nộp lên SEC, cổ phiếu của PIF giao dịch ở Mỹ chứng kiến vốn hoá giảm từ 35 tỷ USD vào cuối năm 2023 xuống còn 20,5 tỷ USD vào cuối tháng 6. Diễn biến này một phần là do PIF bán bớt cổ phần trong BlackRock và bán sạch cổ phần ở Carnival cùng Live Nation.
Theo FT, các quan chức Ả Rập Xê Út cho biết tham vọng của họ không thay đổi và vẫn đang thực hiện hàng loại siêu dự án quan trọng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mohammed al-Jadaan hồi tháng 4 cho biết Riyadh sẽ mở rộng một số dự án, thu hẹp quy mô một số dự án và đẩy nhanh một số khác.
Giám đốc điều hành của một công ty quản lý tài sản ở Mỹ tiết lộ Thái tử Mohammed đang tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước. Trong khi đó, một “sếp” ngân hàng ở London nói rằng triển vọng tài chính ở quốc gia này “không được như mong đợi nên họ phải hạn chế một số lựa chọn”.
Nguồn tin nội bộ của PIF cho biết quỹ này đang tập trung nhiều hơn vào các khoản đầu tư chiến lược, trái ngược với những năm đầu khi quỹ thay đổi và “tìm cách rót vốn nhanh chóng ở một số lĩnh vực nhất định”.
Hiện tại, các khoản chi tiêu trong nước vẫn được giải ngân. PIF có mục tiêu đầu tư ít nhất 40 tỷ USD mỗi năm với một loạt dự án lớn và phát triển các ngành công nghiệp mới bao gồm du lịch, thể thao, khai thác mỏ và sản xuất.
Riyadh cũng chuẩn bị đăng cai tổ chức một loạt sự kiện quốc tế, trong đó có Asian Cup 2027, Đại hội thể thao mùa đông châu Á 2029 và Expo 2030. Ngoài ra, nước này còn là nước duy nhất đăng cai FIFA World Cup 2034.
Các ngân hàng nói thêm rằng các công ty con của PIF – bao gồm hãng hàng không mới Riyadh Air, công ty trò chơi Savvy và công ty khai thác mỏ Ma’aden – đang tự thực hiện phần lớn việc đầu tư nhằm đạt được mục tiêu của riêng mình.
Một “sếp” ngân hàng ở Dubai chỉ ra rằng có rất nhiều hoạt động đầu tư đang diễn ra ở các công ty thuộc danh mục của PIF, chỉ là PIF không thực hiện trực tiếp. Ông nhận định: “Đây không hẳn là thay đổi về chiến lược, mà là sự phát triển.”
Tham khảo Financial Times
Nhịp sống thị trường