MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc gia châu Âu này bất ngờ thành khách mua dầu lớn thứ 3 của Nga vì lý do không ai ngờ

06-02-2023 - 14:09 PM | Thị trường

Bất ổn chính trị khiến cho các quyết định quan trọng về năng lượng của quốc gia này bị trì hoãn. Do đó, ngay cả khi phần lớn quốc gia châu Âu đã từ bỏ năng lượng của Nga, quốc gia này vẫn đều đặn nhập dầu từ Nga.

Quốc gia châu Âu này bất ngờ thành khách mua dầu lớn thứ 3 của Nga vì lý do không ai ngờ - Ảnh 1.

Bất ổn chính trị kéo dài ở Bulgaria sẽ tiếp tục tác động đến các quyết định quan trọng về an ninh năng lượng của quốc gia này. Điều này khiến Bulgaria trở thành khách hàng mua dầu lớn thứ 3 của Nga, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Bulgaria hiện chuẩn bị cho một vòng tổng tuyển cử mới vào ngày 2/4 do quốc hội không thể thành lập nội các chính thức sau cuộc bầu cử hồi tháng 10/2022.

Quốc hội Bulgaria sẽ giải tán vào ngày 5/2 và một chính phủ lâm thời khác do Tổng thống chỉ định sẽ lên thay. Do đó, các quyết định quan trọng về năng lượng, bao gồm tìm kiếm nguồn cung cấp dầu thay thế dầu từ Nga sẽ bị hoãn lại, có thể lên đến 1 năm nữa.

Trong khi Liên minh châu Âu đã loại bỏ khoảng 90% dầu nhập từ Nga thì Bulgaria đã trở thành nước mua dầu thô lớn thứ 3 của Nga, vượt cả Thổ Nhĩ Kỳ. Cảng Burgas hiện cũng là cảng duy nhất tại châu Âu mà dầu Nga vẫn có thể cập bến sau khi EU tiến hành cấm vận chuyển dầu Nga bằng đường biển, có hiệu lực từ ngày 5/12.

Cảng này thậm chí còn tăng 30% lượng nhập khẩu dầu Nga từ giữa năm 2022 và duy trì ổn định sau đó, cho phép các nhà máy lọc dầu hoạt động hết công suất ở mức 196.000 thùng/ngày.

Moscow đang cố gắng duy trì các thị trường truyền thống và ảnh hưởng của mình bằng cách sử dụng các nhà máy lọc dầu của Lukoil và Rosneft ở châu Âu. Tuy nhiên, sau lệnh cấm vận mới nhất, điều này chỉ có thể thực hiện được ở Bulgaria.

Hôm 5/2, một lệnh cấm vận khác của EU – đối với các sản phẩm dầu mỏ được sản xuất từ dầu thô của Nga – đã bắt đầu có hiệu lực. Theo các điều kiện miễn trừ của Ủy ban châu Âu, Bulgaria sẽ không thể xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ, ngoại trừ cho Ukraine.

Theo một cuộc điều tra, Ukraine đã mua nhiên liệu từ Bulgaria nhiều hơn 1.000 lần vào năm 2022 so với 2021.

Trước đó, Nga tuyên bố ngừng cung cấp dầu cho các quốc gia ủng hộ việc áp giá trần đối với dầu thô của họ. Là một thành viên EU, Bulgaria ủng hộ mức giá trần được nhóm G7, EU và Australia thông gia, hiện ở mức 60 USD/thùng.

Hiện chưa rõ Nga có ý định này với Bulgaria hay không khi mà thông tin nhiên liệu có nguồn gốc từ Nga, được tinh chế ở Bulgaria đang chảy sang Ukraine với một lượng không hề nhỏ.

Theo các chuyên gia, nếu Moscow đưa ra động thái cứng rắn như ngừng cung cấp dầu thô cho Bulgaria, họ sẽ gần như không có thời gian để tìm nguồn cung thay thế nhằm vận hành nền kinh tế của mình.

Đức Nam

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên