Quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán chính thức
Các nhà lập pháp của Quốc hội El Salvador đã bỏ phiếu và có kết quả "đa số" ủng hộ Luật Bitcoin.
- 08-06-2021Lý giải cuộc chiến khốc liệt của giới siêu giàu: Tại sao Jeff Bezos chịu thua trước tỷ phú giàu nhất Ấn Độ?
- 08-06-2021'Cơn cuồng phong' của kinh tế toàn cầu: Nỗi lo lạm phát ngày càng căng thẳng khi giá hàng hóa tăng chóng mặt
Theo CNBC, El Salvador đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán. Trước đó, các nhà lập pháp của Quốc hội nước này đã bỏ phiếu và có kết quả "đa số" ủng hộ Luật Bitcoin.
Hôm thứ Tư tuần trước, Tổng thống Nayib Bukele đã gửi dự luật đến Quốc hội để biểu quyết. Đề xuất này sẽ cần phải thông qua quy trình lập pháp của El Salvador trước khi trở thành luật.
Nội dung của dự luật này cho biết: "Mục đích của bộ luật là quy định Bitcoin trở thành một phương tiện thanh toán chính thức, tự do và không giới hạn trong bất kỳ giao dịch nào và đối với bất kỳ chức danh nào, từ các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân hoặc cơ quan pháp lý nhà nước."
Theo đó, giá cả có thể được hiển thị bằng Bitcoin, tiền nộp thuế tại quốc gia này cũng được thanh toán bằng Bitcoin và các sàn giao dịch bằng Bitcoin cũng không phải chịu thuế lợi vốn.
Chia sẻ của ông Bukele về tỷ lệ phiếu bầu đối với Luật Bitcoin.
Từ trước đến nay, Bitcoin vốn nổi tiếng với những biến động mạnh. Do đó, các chuyên gia và giới chức các nước cũng cho rằng đồng tiền này không phù hợp để trở thành một đồng tiền tệ thực sự có hiệu quả. Hiện tại, vẫn chưa rõ El Salvador sẽ làm thế nào để triển khai Bitcoin dưới dạng tiền pháp danh.
Dự luật mới được đệ trình của Tổng thống nước này có viết, tỷ giá hối đoái với đồng USD "sẽ được thị trường tự do thiết lập". Đơn vị tiền tệ chính thức hiện tại của El Salvador là đồng USD. Ngoài ra, dự luật cũng cho biết nhà nước sẽ "thúc đẩy hoạt động đào tạo và cơ chế cần thiết để người dân có thể tiếp cận các giao dịch Bitcoin."
Hiện tại, khoảng 70% dân số El Salvador không thể sử dụng các dịch vụ tài chính truyền thống như tài khoản ngân hàng hay thẻ tín dụng, chủ yếu sử dụng tiền mặt. Trong khi đó, kiều hối chiếm hơn 20% GDP của El Salvador. Theo đó, đồng tiền số này được coi là một cách để họ tăng tiềm lực về tài chính.
Viẹc ông Bukele đệ trình dự luật lên Quốc hội được thực hiện sau khi ông thông báo vào tuần trước rằng El Salvador đã hợp tác với công ty ví kỹ thuật số Strike để thiết lập hệ thống hậu cần cho việc dùng Bitcoin như một phương tiện thanh toán hợp pháp.
Tổng thống Nayib Bukele.
Jack Mallers - nhà sáng lập Strike nhận định rằng động thái này sẽ làm dịu những lo ngại trên khắp thế giới về Bitcoin. Ông cho hay: "Bitcoin vừa là tài sản dự trữ lớn nhất từng được tạo ra, vừa là một mạng lưới tiền tệ vượt trội. Nắm giữ Bitcoin sẽ là cách để bảo vệ các nền kinh tế đang phát triển khỏi những cú sốc tiềm ẩn về lạm phát tiền tệ."
Theo CNN, vị Tổng thống 39 tuổi lên cầm quyền từ năm 2019 hiện đang nắm đa số áp đảo trong Quốc hội El Salvador. Đảng của ông đã giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 3/2020, với 56/84 ghế.
Hồi tháng 4, Bitcoin đã đạt mức cao kỷ lục là 64.829,14 USD, nhưng kể từ đó đã rớt giá gần một nửa. Tuy nhiên, trong 12 tháng qua, Bitcoin vẫn tăng 12%. Sự khởi sắc được thúc đẩy bởi một số yếu tố bao gồm các nhà đầu tư tổ chức ngày càng dành sự quan tâm lớn và những công ty nổi tiếng như Tesla, Square đều mua Bitcoin.