Quốc gia Đông Nam Á sở hữu 'đảo vàng' không ai ngờ: Nơi sinh sống của ngư dân và người trồng dừa nay thành địa điểm in ra tiền, sản xuất ra thứ là tương lai của thế giới
Với khoản đầu tư từ các doanh nghiệp Trung Quốc, hòn đảo này đã trở thành địa điểm quan trọng cho một lĩnh vực đang "hot" trên toàn cầu.
Trong số hàng trăm hòn đảo nhỏ nằm rải rác ở quần đảo Maluki (Indonesia), Obi là một địa điểm lý tưởng cho thị trường kim loại mà không ai nghĩ tới. Đây là hòn đảo chủ yếu là nơi sinh sống của các ngư dân và nông dân trồng dừa.
"Mỏ niken" không ai nghĩ đến
Tổ hợp máy móc chế biến và băng tải quy mô lớn của Harita Nickel lại cho thấy một câu chuyện khác. Họ là một trong những thế hệ nhà sản xuất niken mới, được hỗ trợ bởi bí quyết công nghệ và nguồn vốn của Trung Quốc. Hoạt động sản xuất của họ sử dụng công nghệ lọc axit áp suất cao (HPAL) để biến quặng sắt chất lượng thấp của Indonesia thành kim loại phù hợp cung cấp năng lượng cho một chiếc Tesla.
Việc chế biến hiệu quả kim loại này sẽ có ý nghĩa lớn đối với Indonesia, nơi Tổng thống Jodo Widodo đã đưa mục tiêu trở thành nơi có trữ lượng niken lớn nhất thế giới lên đầu tiên trong kế hoạch đầy tham vọng. Ông muốn đưa quốc gia Đông Nam Á này trở thành nhân tố chính trong chuỗi cung ứng xe điện.
Các dự án HPAL mới và số lượng kim loại có giá cả thấp từ một quốc gia từ lâu đã không được các nhà sản xuất lớn ưa chuộng đang tăng lên, có thể đẩy thị trường này vào tình trạng dư nguồn cung. Trong vòng 2 năm, Indonesia có thể đóng góp 65% vào nguồn cung niken của thế giới, tăng từ 30% vào năm 2020, theo ước tính của Macquarie. Với nhiều loại kim loại giao dịch bên ngoài sàn LME hay Thượng Hải, Indonesia có thể sẽ thay đổi giá tham chiếu đối với niken.
2 năm trước, các công nhân ở Obi đã vận chuyển một cỗ máy như nồi áp suất, nặng gần 1.000 tấn trên một con đường đất đỏ. Một nhóm người đổ đầy quặng sắt và axit sulfuric vào đó rồi chờ đợi. Sau đó, một chất lỏng nổi lên với màu xanh lam: màu của niken bị oxy hóa và ghi nhận sự thay đổi lớn trong quá trình sản xuất kim loại chủ chốt cho năng lượng xanh của thế giới.
Harita Nickel, hợp tác với công ty khai thác Ningbo Lygend Mining Co. của Trung Quốc, đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên biến một quặng thành hợp chất kết tủa hydroxit (MHP), một dạng niken có thể được tinh chế thêm để làm thành pin. Kể từ đó, đây là công ty đầu tiên của Indonesia xử lý sản xuất trung gian này thành niken sunfat, đạt bước tiến mới trong chuỗi giá trị.
Hoạt động trên đảo Obi hiện là 1 trong 3 bộ phận sản xuất HPAL và nhiều quy trình khác cũng đang được triển khai với khoản vốn gần 20 tỷ USD. Tháng tới, Harita có kế hoạch niêm yết trên sàn Jarkata và cổ phiếu đang được định giá ở mức cao nhất, đưa vốn hóa lên hơn 5 tỷ USD.
Hiện tại, HPAL được coi là một công nghệ có chi phí cao và quy trình triển khai chậm. Nhà khai thác Vale SA đã trải qua 2 việc này trước khi mở nhà máy ở Goro, New Caledonia (Pháp) vào năm 2010, họ chưa từng đạt hơn 70% công suất. Sự cố tràn hóa chất và tình hình căng thẳng ở Pháp khi đó đã làm gián đoạn hoạt động của Vale và cuối cùng họ phải bán cổ phần.
Những khoản đầu tư "vàng" từ Trung Quốc
Còn lần này, Harita cho biết mọi thứ đã khác, nhờ Trung Quốc.
Angela Durrant, nhà phân tích về niken tại Wood Mackenzie, cho hay: "Trung Quốc đã khai thác công nghệ HPAL ở Indonesia như những gì họ đã làm với thỏi niken ở nước họ 20 năm trước. Việc này giống như ta dạy đi dạy lại một đưa trẻ điều gì đó và sau đó chúng hiểu nó, làm một cách nhuần nhuyễn."
Ngoài Harita, những doanh nghiệp khác cũng khai thác kim loại này, bao gồm một liên doanh giữa Zhejiang Huayou Cobalt Co., CMOC Group và Tsingshan Holding Group Co. với Huayue Nickel Cobalt, đã xây dựng nhà máy 1,6 tỷ USD ở đảo Sulawesi. Gem Co. thì được hỗ trợ một cơ sở khác trị giá 1,6 tỷ USD ở gần đây từ Contemporary Amperex Technology Co. Ltd và Tsingshan.
Nhà sản xuất niken lớn nhất thế giới, Tsingshan nổi tiếng với vụ "ép mua" trên sàn LME năm ngoái. Ngoài ra, họ cũng được biến đến với việc sử dụng gang niken chi phí thấp với quy mô lớn, tác động mạnh đến chuỗi cung ứng thép không gỉ 2 thập kỷ trước. Sau đó, Tsingshan lại gây chấn động thị trường vào năm 2018 khi công bố kế hoạch 700 triệu USD để sản xuất pin từ niken ở Indonesia.
Kết quả của những hoạt động đó cho đến nay rất rõ ràng ở Indonesia. Ngay cả các loại quặng niken chất lượng thấp từng chỉ phù hợp với thép không gỉ cũng phù hợp để sử dụng rộng rãi hơn. Công nghệ HPAL sử dụng vật liệu chứa nồng độ niken 0,9% và chi phí nhìn chung được cho là hợp lý. Theo AME Research, Harita chi 5.225 USD/tấn niken sử dụng cho HPAL, thấp hơn 48% so với các lò luyện điện truyền thống.
Hơn nữa, quá trình này cũng giúp đẩy nguồn cung coban ở Indonesia, một nguyên liệu quan trọng khác đối với pin xe điện. Nhờ đó, quốc gia này trở thành nguồn cung cấp coban lớn nhất ngoài châu Phi.
Harita cho biết họ đã học hỏi hoạt động sản xuất từ nhà máy HPAL ở Papua New Guinea, nơi mất 6 năm để đạt hết công suất. Harita sử dụng công thức tương tự, bao gồm cả thiết kế của China ENFI Engineering Corp. và đưa ra những cải tiến mới.
Họ đã được cấp bằng sáng chế cho một phương pháp hiệu quả hơn để lọc crôm ra khỏi quặng, giảm nhu cầu sử dụng axit sunfuric, vốn chiếm 1/3 chi phí của công nghệ này. Sau 1 năm và với khoản đầu tư 1,5 tỷ USD, Harita có thể đã hoạt động hết công suất và đạt mức 110% so với mục tiêu.
Tăng trưởng "đi đôi" với mối lo ngại về môi trường
Tốc độ và quy mô phát triển của hoạt động khai thác này cũng mang đến những mối lo ngại về môi trường, vì công nghệ quan trọng đối với quá trình chuyển đổi xanh lại tạo ra một lượng lớn chất thải. Harita tách nước khỏi chất thải bùn sau khi sản xuất, sau đó chất đất khô ở các địa điểm khai thác cũ nhưng không có đủ không gian.
Durrant cho biết, khu vực này của Harita chỉ có thể chứa lượng rác thải trong 6 năm và đây còn là khoảng thời gian dài ở một vùng nhiệt đới có lượng mưa cao.
Allan Ray Restauro - nhà phân tích về kim loại và hoạt động khai thác của BloombergNEF, cho biết: "Nếu tiền không phải là vấn đề thì các công ty nên sử dụng phương pháp xếp khô, đó là cách tiếp cận tốt nhất cho Indonesia nhưng rất tốn kém."
Cho đến nay, nền kinh tế địa phương vẫn đang được hưởng lợi từ sự bùng nổ của hoạt động khai thác niken. Tốc độ tăng trưởng của miền bắc Maluku đã đạt 23% vào năm ngoái, gấp 4 lần tốc độ của cả nước.
Bên trong nhà máy ở Obi, Rivan Lie - phụ trách bộ phận nguồn nhân lực của nhà máy, chỉ vào một bể chứa chất lỏng chảy ra từ máy HPAL, nó lơ lửng trong nước và nhìn như rêu. Sau đó, chất lỏng này sẽ được ép khô thành một chất có màu xanh khác, là kết tủa hydroxit hỗn hợp (MHP). Lie nói: "Đó là niken. Đó là tiền."
Tham khảo Bloomberg
Nhịp sống thị trường