MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc gia nào sẽ trở thành lựa chọn cho chiến lược 'Trung Quốc+1' của những gã khổng lồ sản xuất, soán ngôi 'công xưởng toàn cầu' của đất nước tỷ dân?

16-02-2023 - 13:12 PM | Tài chính quốc tế

Hi vọng trở thành ‘công xưởng toàn cầu’ của Ấn Độ được nhận định là có phần bất khả thi, bởi Trung Quốc trước nay vẫn là nút thắt quan trọng trong các dây chuyền sản xuất.

Trong bối cảnh nhiều công ty bắt đầu cân nhắc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc như một cách hạn chế rủi ro địa chính trị, đại dịch càng cho thấy tầm quan trọng của việc không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào, theo BI.

“Bản thân những căng thẳng địa chính trị có thể không dẫn đến làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng đâu. Tuy nhiên, đại dịch chính xác là yếu tố thêm dầu vào lửa”, Ashutosh Sharma, Giám đốc nghiên cứu tại Forrester chia sẻ với BI.

Gã khổng lồ công nghệ Apple là ví dụ điển hình cho việc phụ thuộc quá mức vào dây chuyền sản xuất Trung Quốc. Chính sách Zero-COVID đã khiến sản lượng iPhone của hãng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ đó thúc đẩy kế hoạch tìm một quốc gia châu Á mới tiềm năng hơn.

Ấn Độ lúc này trở thành ứng cử viên sáng giá, nhất là sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.

“Ấn Độ có lực lượng lao động lớn, lịch sử sản xuất lâu đời cùng sự hỗ trợ của chính phủ nhằm thúc đẩy công nghiệp và xuất khẩu. Nhiều người đang xem xét xem, liệu Ấn Độ có phải giải pháp thay thế khả thi cho Trung Quốc hay không”, Julie Gerdeman, Giám đốc điều hành rủi ro chuỗi cung ứng nền tảng quản lý Everstream, nói.

Quốc gia nào sẽ trở thành lựa chọn cho chiến lược Trung Quốc+1 của những gã khổng lồ sản xuất, soán ngôi công xưởng toàn cầu của đất nước tỷ dân? - Ảnh 1.

Đại dịch cho thấy tầm quan trọng của việc không phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào

Tuy nhiên, nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Hi vọng trở thành ‘công xưởng toàn cầu’ của Ấn Độ được nhận định là có phần bất khả thi, bởi Trung Quốc trước nay vẫn là nút thắt quan trọng trong các dây chuyền sản xuất. Tham vọng có thể cung cấp hệ thống cơ sở hạ tầng tích hợp như cảng lớn, đường cao tốc, lao động chất lượng hàng đầu, hay logistics hiện đại, dường như là bài toán mà Ấn Độ rất khó có thể tìm ra lời giải thỏa đáng.

Theo Rahul Jacob, đại diện tờ Financial Times tại Hong Kong (Trung Quốc), quỹ đất khổng lồ của Ấn Độ là quân cờ tốt, song chưa đủ để thắng. Quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng khiến nước này khó hòa nhập với chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc tiếp cận chính sách miễn thuế và hưởng lợi từ đối tác cũng trở nên khó khăn hơn.

Ngoài ra, là một nền kinh tế lớn với dân số trẻ, Ấn Độ có tiềm năng trở thành cường quốc sản xuất, song lại nổi tiếng với nạn quan liêu.

“Nó khác xa với những khu vực nơi các doanh nghiệp có thể đến, tự do kinh doanh và không cần tuân thủ quá nhiều quy tắc. Ấn Độ dân chủ hơn nhiều và có quá nhiều bên liên quan cần phải đáp ứng”, ông Sharma cho biết.

Quốc gia nào sẽ trở thành lựa chọn cho chiến lược Trung Quốc+1 của những gã khổng lồ sản xuất, soán ngôi công xưởng toàn cầu của đất nước tỷ dân? - Ảnh 2.

Quỹ đất khổng lồ của Ấn Độ được cho là quân cờ tốt, song chưa đủ để thắng.

Theo BI, Ấn Độ đứng thứ 63 trong danh sách 190 quốc gia được Ngân hàng Thế giới xếp hạng dựa trên mức độ kinh doanh thuận lợi hồi năm 2019. Vị trí này dù đã cải thiện hơn nhiều so với hồi năm 2014, song vẫn xếp sau Trung Quốc. Ngoài ra, Ấn Độ dường như cũng không có nhiều lợi thế trong việc thu hút các khoản đầu tư lớn.

“Trung Quốc sản xuất ở quy mô lớn, trong khi hầu hết các nhà máy tại Ấn Độ chỉ có quy mô vừa và nhỏ do các quy định liên bang được thiết kế dành riêng cho các doanh nghiệp này”, Gerdeman cho biết.

Được biết Thủ tướng Ấn Độ đã nỗ lực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kể từ khi nhậm chức vào năm 2014, qua đó đưa dòng vốn FDI lên mức kỷ lục 83,6 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua, theo dữ liệu của chính phủ.

“Ấn Độ có lợi thế về nhân khẩu học, địa lý và cơ sở hạ tầng hiện có”, Sharma nói.

Quốc gia nào sẽ trở thành lựa chọn cho chiến lược Trung Quốc+1 của những gã khổng lồ sản xuất, soán ngôi công xưởng toàn cầu của đất nước tỷ dân? - Ảnh 3.

Vấn đề việc làm là một mảnh ghép quan trọng trong mục tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người tại Ấn Độ.

Tuy nhiên, cũng theo Sharma, Trung Quốc đã thành công trong việc xây dựng một chuỗi giá trị rộng lớn đến mức hầu hết mọi nguyên liệu và thành phần cần thiết đều có thể tìm mua trong nước. Sản xuất tại đại lục theo đó có tính cạnh tranh cao do chi phí thấp và được vận hành trên quy mô lớn. Ấn Độ theo đó được cho là sẽ cần nhiều năm nữa mới có thể đạt đến cảnh giới này.

“Chuỗi cung ứng cần thời gian để xây dựng. Nguồn cung ứng nội bộ chất lượng ban đầu có thể không tốt; quy mô ban đầu cũng có thể không cao. Vì vậy, tất cả cần có thời gian”, Sharma nói.

Theo các chuyên gia, các công ty khó có thể đổ xô đến Ấn Độ bởi điều này đã được chứng minh là rủi ro. Không chỉ Foxconn, Apple, gã khổng lồ đồ thể thao Nike của Mỹ, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Toyota và gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc Samsung đều nằm trong số các công ty gặp vấn đề trong chuỗi cung ứng vì quá phụ thuộc vào Trung Quốc.

“Họ đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ứng của mình. Foxconn và Apple đã chuyển một phần đáng kể hoạt động sản xuất sang Ấn Độ và một số quốc gia khác, trong đó có Việt Nam”, Sharma nói.

Quốc gia nào sẽ trở thành lựa chọn cho chiến lược Trung Quốc+1 của những gã khổng lồ sản xuất, soán ngôi công xưởng toàn cầu của đất nước tỷ dân? - Ảnh 4.

Nếu suy nghĩ về mức độ thành thục của các công xưởng chế tạo thì rõ ràng, Trung Quốc không thể bị bỏ qua.

Điều này có nghĩa là các chuỗi cung ứng sẽ trở nên phức tạp hơn, song lại có ưu thế về nguồn cung đa dạng. “Nếu có thể xây dựng 2,3 địa điểm đáng tin cậy, các doanh nghiệp sẽ có thêm phương án dự phòng nếu xảy ra vấn đề”, Sharma chia sẻ với BI.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, đây có thể được coi là thời điểm vàng để Ấn Độ mở rộng mối quan hệ thương mại với thế giới. Vị thế “công xưởng của thế giới” vẫn đang trở thành đích đến cho các nước Đông Nam Á trong cuộc đua lấp đầy khoảng trống mà họ hy vọng Trung Quốc sớm tạo ra.

Tuy nhiên, theo một doanh nghiệp có trụ sở tại thành phố Osaka, nếu xây dựng cơ sở chế tạo ở nước ngoài, chắc chắn họ sẽ đặt tại Trung Quốc bởi quốc gia này có sự khác biệt về “chất”. Nếu suy nghĩ về mức độ thành thục của các công xưởng chế tạo thì rõ ràng, Trung Quốc không thể bị bỏ qua.

Theo Bloomberg, Ấn Độ hiện là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, song kế hoạch vực dậy lĩnh vực sản xuất dường như đã đi sai hướng. Bằng chứng là chiến lược “Make In India” với mục tiêu tăng xuất khẩu và tạo thêm việc làm không thực sự hiệu quả. Lĩnh vực sản xuất chỉ chiếm 14% nền kinh tế, không tăng trưởng suốt nhiều thập kỷ, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn luôn ở mức cao.

Quốc gia nào sẽ trở thành lựa chọn cho chiến lược Trung Quốc+1 của những gã khổng lồ sản xuất, soán ngôi công xưởng toàn cầu của đất nước tỷ dân? - Ảnh 5.

Gã khổng lồ công nghệ Apple là ví dụ điển hình cho việc phụ thuộc quá mức vào dây chuyền sản xuất Trung Quốc.

Vì thế, để kịp đáp ứng những yêu cầu chuyển đổi, nước này cần phải dỡ bỏ những hạn chế trong luật lao động, đồng thời giúp các doanh nghiệp có đất để mở nhà máy, sản xuất.

“Sự cải tổ này sẽ rất khó khăn nhưng thay đổi là điều cần thiết vì các tập đoàn đến với Ấn Độ đều cần đất để sản xuất”, Nada Choueiri, Trưởng cơ quan đại diện Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) nói.

Theo Bloomberg, vấn đề việc làm là một mảnh ghép quan trọng trong mục tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người tại Ấn Độ. Thu nhập tăng đồng nghĩa với sức tiêu thụ tăng, từ đó càng lôi kéo các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn và tạo ra thêm nhiều việc làm. Thủ tướng Modi cũng tự tin rằng nhiệm kỳ Chủ tịch G20 sẽ giúp họ cải thiện các ưu thế cạnh tranh với nhiều quốc gia châu Á.

“2023 sẽ là một năm rất khác, không có những cú sốc bất ngờ cả trong và ngoài nước. Ấn Độ đang trong đà thúc đẩy phục hồi kinh tế và phát triển sản xuất”, Abhishek Gupta, chuyên gia kinh tế của Bloomberg Economics, nhận định.

Theo: BI, Bloomberg

Theo Vũ Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên