MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc gia NATO đầu tiên chính thức xin gia nhập BRICS: Khao khát trở thành khối đối trọng phương Tây liệu có thành toàn?

04-09-2024 - 13:01 PM | Tài chính quốc tế

Thổ Nhĩ Kỳ vừa có một động thái quan trọng có thể định hình lại các liên minh quốc tế.

Quốc gia NATO đầu tiên chính thức xin gia nhập BRICS: Khao khát trở thành khối đối trọng phương Tây liệu có thành toàn?- Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS. Đây là khối bao gồm các nền kinh tế mới nổi với 5 thành viên chủ chốt là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Đầu năm 2024, BRICS kết nạp thêm năm thành viên mới là Ai Cập, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Xê Út và Ethiopia.

Quyết định này báo hiệu ý định đa dạng hóa chính sách đối ngoại và quan hệ đối tác kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh động lực toàn cầu đang thay đổi.

Nhóm BRICS đã và đang gia tăng sức ảnh hưởng trên trường quốc tế, ủng hộ trật tự thế giới đa cực và tìm cách trở thành khối đối trọng với sự thống trị của các thể chế phương Tây.

Mối quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc gia nhập BRICS phù hợp với chiến lược mở rộng của nước này nhằm khẳng định vai trò độc lập hơn trong các vấn đề toàn cầu.

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã nêu bật những lợi ích tiềm năng của tư cách thành viên BRICS. Trong đó, lý do hàng đầu thúc đẩy quyết định xin gia nhập là tiềm năng hợp tác kinh tế. Các nước BRICS đại diện cho các nền kinh tế đang phát triển với tiềm năng to lớn.

Việc giảm sự phụ thuộc vào phương Tây cũng là một yếu tố quan trọng. Thổ Nhĩ Kỳ muốn giảm sự phụ thuộc về kinh tế và chính trị vào các nước phương Tây, đặc biệt là sau một số thời điểm căng thẳng trong quan hệ với EU và Mỹ. Việc trở thành thành viên BRICS sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập hơn và đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế của mình.

Cơ hội tiếp cận thị trường mới cũng là một lợi ích quan trọng. Việc trở thành thành viên BRICS có thể mở ra những thị trường và cơ hội đầu tư mới cho Thổ Nhĩ Kỳ, điều này đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu bất ổn hiện nay. Hơn nữa, việc trở thành thành viên BRICS có thể thúc đẩy việc mở rộng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực then chốt như năng lượng, giao thông vận tải và viễn thông.

Mặc khác, Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí chiến lược nối liền hai lục địa Á- Âu. Bên cạnh đó, nền kinh tế của nước này cũng được đánh giá đang phát triển và có khả năng thích ứng với những thay đổi trên trường quốc tế. Điều đó khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một thành viên sáng giá cho khối BRICS.

Động thái đệ đơn xin gia nhập BRICS diễn ra vào thời điểm mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây đang căng thẳng. Nhiều vấn đề như quốc phòng, nhân quyền và xung đột khu vực vẫn chưa được giải quyết. Bằng cách liên kết chặt chẽ hơn với BRICS, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang báo hiệu họ sẵn sàng tìm kiếm các liên minh thay thế mang đến lợi ích cho quốc gia.

Dự kiến Thổ Nhĩ Kỳ cần phải được tất cả các thành viên BRICS hiện tại chấp thuận. Tuy nhiên, nếu thành công, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành thành viên đầu tiên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gia nhập nhóm BRICS. Điều này sẽ đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong cán cân quyền lực toàn cầu.

Anh Dũng

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên