MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc gia này chỉ nhỏ bằng 1/8 Việt Nam, tài nguyên nghèo nàn, lại có thể vượt qua Mỹ, Nhật thành nơi giàu có bậc nhất thế giới, họ đã làm gì?

14-05-2019 - 21:12 PM | Tài chính quốc tế

Thụy Sĩ luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất do tạp chí Forbes bình chọn dù họ chưa từng khai chiến hay sở hữu bất kỳ một thuộc địa nào.

Năm 2017, GDP của Thụy Sỹ đạt hơn 679 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt hơn 80,1 nghìn USD. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người tại Mỹ chỉ đạt 59,5 nghìn USD, tại Pháp và Đức tương ứng là 38,4 nghìn USD và 44,4 nghìn USD, còn tại Anh là 39,7 nghìn USD.

Có một điều rất thú vị là Thụy Sĩ không có nhiều tài nguyên ngoài tài nguyên nước (chủ yếu là sông ngòi) cùng nhiều danh lam thắng cảnh. Họ thậm chí không giáp biển để có thể thuận tiện cho giao thương cũng như xác lập vị thế trên toàn cầu. Tệ hơn, dù nằm ở trung tâm Châu Âu nhưng diện tích núi non trùng điệp đã ngăn cách quốc gia này với các nước khác, cả về giao thông lẫn giao tiếp. Tổng diện tích của Thụy Sĩ chỉ vào khoảng 41.285 km2, bằng 1/8 so với Việt Nam (331.210 km2).

Hơn nữa, sự đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ cho đến thể chế chính trị, tín ngưỡng khiến xã hội Thụy Sĩ rất đa dạng và hỗn tạp, qua đó cản trở mục tiêu hòa bình, thống nhất đất nước. Sự phân hóa này càng trở nên trầm trọng trước sự đổ bộ của làn sóng nhập cư những ngày đầu của thời kỳ cận đại. Gần 1/3 dân số Thụy Sĩ hiện nay là dân nhập cư hoặc thế hệ sau của họ.

Với vị thế nhỏ yếu, Thụy Sĩ đã phải nỗ lực rất nhiều nhằm duy trì quan điểm trung lập trong các cuộc xung đột ở Châu Âu, nhằm đảm bảo cuộc sống tự do, hòa bình cho người dân.

Bất chấp những khó khăn đó, Thụy Sĩ đã vươn mình từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành một quốc gia có trình độ phát triển và văn minh cao, chất lượng cuộc sống đảm bảo, sản xuất được hàng loạt sản phẩm nổi tiếng thế giới cùng nhiều dịch vụ thu hút khách hàng toàn cầu.

Vậy tại sao quốc gia này lại có tỷ lệ bằng sáng chế, tỷ lệ số người đoạt giải Nobel bình quân đầu người, sức cạnh tranh và hệ thống giáo dục thuộc hàng cao nhất thế giới?

Quốc gia này chỉ nhỏ bằng 1/8 Việt Nam, tài nguyên nghèo nàn, lại có thể vượt qua Mỹ, Nhật thành nơi giàu có bậc nhất thế giới, họ đã làm gì? - Ảnh 1.

Bản sắc Thụy Sĩ

Theo cuốn “Swiss Made” của tác giả R. James Breiding, chính việc cho mọi thành phần công dân, vùng miền, tôn giáo tham gia vào các quyết định đã biến Thụy Sĩ trở thành đất nước của ổn định, sáng tạo cũng như thịnh vượng.

Cơ cấu chính quyền của nước này luôn tuân theo 3 nguyên tắc chủ chốt là: luôn hoài nghi các tập đoàn lớn nhằm bảo vệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tích cực trợ cấp người dân để giảm chi phí hành chính công và thuế suất đến mức thấp nhất (Thuế suất biên thực tế của Thụy Sĩ là 16%, thấp hơn nhiều mức 24% ở Mỹ, 26% ở Nhật Bản và 35% ở Đức, Pháp); tôn trọng quyền tự do của mỗi công dân.

Với một cơ cấu dân số đa dạng về văn hóa, vùng miền, việc Thụy Sĩ bảo vệ thiểu số và duy trì quyền tự do là một trong những yếu tố chính gìn giữ hòa bình thống nhất cho nước này. Hàng loạt các cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức dù vẫn theo phe đa số nhưng điều đó lại khiến những công dân thiểu số cảm thấy được tôn trọng và hạn chế bất mãn.

Một đặc điểm khá hay ở Thụy Sĩ là kết cấu liên bang khi các tiểu bang có quyền tự trị khá cao. Đặc điểm này giúp Thụy Sĩ có sự cạnh tranh và tiến bộ nhanh chóng giữa các vùng miền. Nếu thuế suất ở một bang quá cao, doanh nghiệp có thể bỏ sang bang khác hoạt động.

Thêm vào đó, sự hội nhập của các dân tộc khác khiến Thụy Sĩ không ngừng tự đổi mới, cập nhật thêm được những tinh túy của thế giới cho đất nước mình.

Nhiều người sẽ nghĩ đến đồng hồ, chocolate hay ngân hàng nhưng trên thực tế nền kinh tế của Thụy Sĩ là một chuỗi những phát kiến được xâu kết lại với nhau. Hàng loạt các sáng tạo trong ngành may mặc, du lịch, thực phẩm, công nghệ, y khoa, hóa chất... cũng góp phần làm nên thành công của Thụy Sĩ chứ không riêng gì những ngành nổi bật.

Địa thế cũng là một nguyên nhân nữa khiến nền kinh tế nước này trở nên đặc biệt. Rất nhiều vùng miền của nước này vẫn còn hoang sơ, hẻo lánh với những phong tục, thể chế khác biệt tạo nên những khu kinh tế đa dạng, sản phẩm đặc thù của nhiều địa phương.

Nói cách khác, chủ nghĩa tư bản thế tộc, vùng miền đã đem lại một tầm nhìn bền vững và lợi ích lâu dài cho các thương hiệu, sản phẩm của Thụy Sĩ. Nhờ đó, những mặt hàng tốt nhất, lâu đời nhất của nước này vẫn giữ được uy tín qua nhiều thế hệ.

Quốc gia này chỉ nhỏ bằng 1/8 Việt Nam, tài nguyên nghèo nàn, lại có thể vượt qua Mỹ, Nhật thành nơi giàu có bậc nhất thế giới, họ đã làm gì? - Ảnh 2.

Hiện nay, bên cạnh các tập đoàn lớn mang màu sắc truyền thống dòng họ thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang làm nên 70% nền kinh tế Thụy Sĩ và không ít trong số đó vượt xa tầm vóc của chính họ.

Hầu như không ai để ý công ty Franke là nhà cung cấp mọi thiết bị nhà bếp cho McDonald, hay hãng Laboratories đang là nhà cung cấp sản phẩm chăm sóc da chống lão hóa lớn nhất thế giới, hoặc có đến 75% khả năng món mỳ ý bạn đang ăn có bột mỳ đến từ tập đoàn Buhler, hay công ty Egon Zehnder thành lập vào năm 1964 hiện đang là hãng tuyển dụng giám đốc lớn nhất thế giới.

Trung lập nhưng không cô lập

Mặc dù phần lớn thành tựu của Thụy Sĩ được đánh đổi bằng mô hôi nước mắt nhưng lợi thế là trung tâm địa lý, văn hóa giữa các nước đã khiến quốc gia này tập hợp được kiến thức và tư tưởng của nhiều nước. Nói đơn giản hơn, chính việc phát triển xã hội dựa trên tri thức, tạo điều kiện tốt cho môi trường kinh doanh đã làm nên thành công chưa từng có của Thụy Sĩ.

Việc chính phủ Thụy Sĩ duy trì trung lập, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động tự do đã giúp họ thu hút được nhiều cơ hội làm ăn lớn trên thế giới. Hiện nay, nhiều công ty thà chịu rơi vào tay các tập đoàn Thụy Sĩ trung lập hơn là phải chịu chi phối của những công ty nhà nước đến từ Mỹ, Đức hay Trung Quốc vốn bị ảnh hưởng nhiều bởi chính trị.

Sự bình đẳng giữa chính phủ và thành phần kinh tế tư nhân đã tạo nên sự khác biệt căn bản giữa Thụy Sĩ với hầu hết các nước khác. Trong khi nền kinh tế đặt trọng tâm vào thống trị và bánh trướng thì chính phủ chỉ đứng vai trò giám sát.

Nhờ đó, Thụy Sĩ luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất do tạp chí Forbes bình chọn dù họ chưa từng khai chiến hay sở hữu bất kỳ một thuộc địa nào.

Ngoài ra, chính sự trung lập khiến Thụy Sĩ không bị tàn phá nhiều bởi chiến tranh, duy trì được hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như có được sự tín nhiệm của khách hàng khi đối thủ thường xuyên bị gián đoạn bởi xung đột vũ trang.

Hơn nữa, Thụy Sĩ bị coi là “con lợn đất” khi các nhà đầu tư, người giàu đổ vốn vào đây để bảo toàn tài sản, làm giàu hơn cho hệ thống tài chính của nước này.

Thụy Sĩ có thể là quốc gia trung lập, nhưng không có nghĩa họ bị chìm trong quan điểm hòa bình mãi mãi. Quốc gia này sở hữu lực lượng dân quân lớn nhất thế giới và truyền thống cũng như văn hóa trong quân đội có tầm ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, dù nước này chưa bao giờ thể hiện thái độ thù địch với ai.

Thậm chí, một luật sư hay bác sĩ phải báo cáo với một anh công nhân quét rác trong quân ngũ. Tất cả những điều này rèn luyện sự đoàn kết, phát triển mạng lưới quan hệ bền chặt dựa trên phẩm chất và tài năng chứ không dựa vào xuất thân của mỗi người lao động.

Nhờ những chính sách thông minh trên, Thụy Sĩ từ một nước nghèo nàn hẻo lánh giữa các dãy núi thời Trung cổ, chỉ biết xuất khẩu lính đánh thuê và nô bộc đã vươn mình thành nền kinh tế đáng gờm tại Châu Âu. Trong các cuộc khủng hoảng thập niên 70 và năm 2007, tỷ lệ thất nghiệp tại Thụy Sĩ chỉ bằng một nửa so với mức bình quân toàn Châu Âu.

Quốc gia này chỉ nhỏ bằng 1/8 Việt Nam, tài nguyên nghèo nàn, lại có thể vượt qua Mỹ, Nhật thành nơi giàu có bậc nhất thế giới, họ đã làm gì? - Ảnh 3.

Con người mới là tài nguyên quý giá nhất

Trong khi nhiều nhân tài bị bạc đãi tại các quốc gia khác, Thụy Sĩ đã khéo léo có chính sách thu hút nhân tài, mở các trường đại học chất lượng cao hay khuyến khích khởi nghiệp để nhào nặn các doanh nhân này thành những ông chủ của Nestle hay Breitling.

Nếu nhìn lại những tượng đài lịch sử làm nên các thương hiệu toàn cầu cho Thụy Sĩ, chúng ta có thể thấy không ít người là những đào phạm của các cuộc đàn áp chính trị, thậm chí là nạn nhân của đói nghèo trốn sang đây.

Nhà sáng lập Heinrich Nestle sinh ra ở Frankfurt-Đức trong khi nhà phát minh ra Vitamin C tổng hợp, ông Tadeusz Reichstein là người gốc Ba Lan. Nền công nghiệp đồng hồ của Thụy Sĩ cũng có khởi nguyên là các tín đồ Tin lành tại Pháp trốn chạy khỏi cuộc đàn áp tôn giáo thời vua Louis XIV.

Thành công của các công dân nhập cư Thụy Sĩ một phần đến từ môi trường kinh doanh, một phần nhờ tài trí của họ. Do bản thân là một quốc gia nhỏ bé và biệt lập, Thụy Sĩ buộc phải mở rộng, chào đón các tài năng nhập cư. Nếu những người nhập cư ở các nước khác phải trải qua quá trình xét duyệt khắt khe thì họ lại có thể tìm thấy cơ hội phát triển ở Thụy Sĩ.

Tất nhiên, không phải người nhập cư nào cũng sẽ được xã hội Thụy Sĩ chấp nhận. Nếu người nhập cư không cố gắng chứng tỏ giá trị của mình, cũng như hòa đồng vào xã hội nước này, họ sẽ không được ghi nhận và tôn trọng.

Một yếu tố nữa trong tài nguyên con người của Thụy Sĩ là phẩm chất đạo đức rất cao trong kinh doanh. Đây không phải tố chất đặc thù chỉ riêng người Thụy Sĩ có nhưng chắc chắn góp phần làm nên thành công của nước này.

Hệ thống giáo dục của Thụy Sĩ chú trọng rất cao vào công tác hướng nghiệp song song với học đại học, qua đó gia tăng chất lượng chuyên môn của nhân công nước này. Những công dân Thụy Sĩ có nền tảng hướng nghiệp tốt thì dù nghề nghiệp có bình dân đến đâu cũng ý thức được phẩm giá của bản thân và công việc của mình.

Bên cạnh đó, nghề giáo viên ở Thụy Sĩ được trả lương rất cao cũng như được coi trọng trong xã hội, được coi là “nghề nghiệp của Chúa”. Nhờ đó, học sinh, sinh viên được tận tình giảng dạy, hướng nghiệp và khuyến khích học hỏi.

Tất cả những triết lý này được truyền bá rộng rãi trong tầng lớp trung lưu, qua đó hạn chế khái niệm “bất chấp vì tiền” hay “kẻ thắng có tất cả” vốn này sinh từ giới buôn bán trên thị trường tự do.

Nhờ sự tôn trọng cho người lao động, bất chấp là tầng lớp bình dân hay cao cấp, cùng với sự tín nhiệm đã giúp hòa giải các xung đột trong nền kinh tế Thụy Sĩ, giúp tăng trưởng năng suất cũng như củng cố hiệu quả cho các doanh nghiệp tư nhân gia đình.

Không riêng gì người lao động, các chủ doanh nghiệp cũng cố gắng hòa nhập, học hỏi thêm ngôn ngữ, văn hóa khi họ có quá nhiều lao động nhập cư cũng như muốn giao thương với các nền kinh tế khác nhau xung quanh Thụy Sĩ.

Quốc gia này chỉ nhỏ bằng 1/8 Việt Nam, tài nguyên nghèo nàn, lại có thể vượt qua Mỹ, Nhật thành nơi giàu có bậc nhất thế giới, họ đã làm gì? - Ảnh 4.

Chính nhờ sự khiêm tốn, hòa nhập này mà nhiều thương vụ sáp nhập lớn tại Thụy Sĩ đã thành công và tạo nên những tập đoàn hùng mạnh cho quốc gia này. Novartis là đứa con chung của Ciba-Geigy và Sandoz, trong khi Syngenta là thành quả kết hợp từ phân ngành hóa chất nông sản của Novartis với AstraZeneca (liên doanh của Thụy Điển-Anh). Nestle cũng mua lại hàng loạt các thương hiệu lớn như Kit Kat, Carnation hay Friskies.

Rõ ràng, tài nguyên lớn nhất của một đất nước không phải “rừng vàng biển bạc” mà chính là con người.

Chúng ta đã thấy một dân tộc Do Thái kiên cường xây dựng đất nước Israel của họ trên vùng hoang mạc; một Nhật Bản vươn mình mạnh mẽ thành cường quốc kinh tế dù bao quanh bởi biển, động đất và thiên tai; một Singapore nhỏ bé mà vẫn đem đến sự giàu có, thịnh vượng cũng như vị thế to lớn cho người dân trên trường quốc tế và giờ đây là một Thụy Sĩ đa dạng văn hóa, dân tộc nhưng vẫn đoàn kết được mọi người đi lên. Tất cả những quốc gia này đều không có nhiều tài nguyên, nhưng họ lại khai thác được nguồn tài nguyên quý giá nhất của một dân tộc là "con người".

Vì sao người Đức một ngày làm việc không tới 8 tiếng, buổi tối thì vui chơi nhưng hiệu quả bỏ xa người Việt?

Theo AB

Nhịp Sống Kinh Tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên