Quốc gia nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất từ Việt Nam: Chi 28,4 tỷ USD để mua những gì?
Không chỉ là đối tác quan trọng của Việt Nam, với quốc gia này, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 9.
- 06-05-2023Hàng không Việt Nam đón nhận cả chục tàu bay mới
- 06-05-2023Số tiền bảo hiểm vi mô không vượt quá 5 lần thu nhập bình quân đầu người theo chuẩn cận nghèo
- 06-05-2023Trung tâm thương mại kiểu cũ gặp khó
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2023 ước đạt 27,54 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,12 tỷ USD, giảm 8,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 20,42 tỷ USD, giảm 6,9%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng tư giảm 17,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 19,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 16,4%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 28,58 tỷ USD, giảm 11%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 79,99 tỷ USD, giảm 12,1%, chiếm 73,7%.
Trong 4 tháng đầu năm 2023 có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 83,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 05 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,4%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,33 tỷ USD, chiếm 1,2%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 96,1 tỷ USD, chiếm 88,5%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 8,56 tỷ USD, chiếm 7,9%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 2,58 tỷ USD, chiếm 2,4%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 28,4 tỷ USD. Xuất siêu sang Mỹ ước đạt 24,4 tỷ USD, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU 9,3 tỷ USD, giảm 12,7%; xuất siêu sang Nhật Bản 367 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 589 triệu USD).
Trong mấy năm trở lại đây, Hoa Kỳ luôn là quốc gia nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất của Việt Nam. Năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,3 tỷ USD. Đây cũng là thị trường xuất khẩu đầu tiên từ trước đến nay vượt mốc 100 tỷ USD/năm.
Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, 3 mặt hàng mà Hoa Kỳ nhập khẩu nhiều nhất của Việt Nam có giá trị hơn 1 tỷ USD trong tháng 3 là hàng dệt may 1,09 tỷ USD, Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 1,36 tỷ USD, và Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 1,46 tỷ USD. Cộng dồn trong 3 tháng đầu năm, 3 nhóm hàng này đạt 10,5 tỷ USD.
Một số nhóm hàng hóa khác có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 1 tỷ USD còn có Hàng hóa khác 1,451 tỷ USD, Gỗ và sản phẩm gỗ 1,387 tỷ USD, Giày dép các loại 1,419 tỷ USD, Điện thoại các loại và linh kiện 2,345 tỷ USD.
Theo phân tích của Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, dư địa xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ có nhiều thuận lợi. Bởi đây là thị trường giàu tiềm năng với hơn 300 triệu người tiêu dùng. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam mới chiếm khoảng 4% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Hơn nữa, đây là thị trường với nhiều sắc tộc, đa dạng về nhu cầu, mức độ sử dụng; thói quen tiêu dùng theo hướng tiết kiệm và an toàn, thân thiện môi trường, theo đó ưa chuộng các sản phẩm từ quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết: "Nhìn chung xu hướng xuất khẩu chúng ta vẫn thấy tỷ lệ tăng trưởng các nhóm hàng khá tốt. Chi phí vận tải đặc biệt là các thị trường xa như Hoa Kỳ, châu Âu quay trở lại mức như trước dịch COVID-19, thậm chí có thời điểm thấp hơn. Do vậy, đây cũng là yếu tố thuận lợi giúp doanh nghiệp chúng ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu giao thương nói chung".
Theo số liệu của Cục Thống kê Hoa Kỳ, tính đến tháng 1/2023 Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ (sau các quốc gia như Mexico, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh). Xét về xuất khẩu, Việt Nam đứng thứ 6 về tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ, chiếm 3,7% tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ từ các đối tác (vẫn giữ nguyên vị trí so với cùng kỳ 2022).
Tham tán Thương mại thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Đỗ Ngọc Hưng cho biết, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về cơ bản vẫn duy trì động lực tăng trưởng đóng góp quan trọng vào thặng dư thương mại của Việt Nam.
Quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ không chỉ tập trung ở phương diện khai thác thị trường truyền thống, mở rộng thị trường/sản phẩm mới, tiềm năng mà còn ở phương diện bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp hai nước, hạn chế tác động tiêu cực, dỡ bỏ các rào cản thuế quan, phi thuế quan; ngoài ra, xử lý các vụ việc liên quan tới các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ứng phó thích hợp với các biện pháp phòng vệ thương mại do Hoa Kỳ áp dụng trong thời gian vừa qua.
Nhịp sống thị trường