Quốc gia phát triển thịnh vượng nhờ lấn biển
Từ sân bay quốc tế Kansai (Nhật Bản), Quần đảo Cây Cọ (UAE) đến Vịnh Marina (Singapore)…, các dự án lấn biển quy mô lớn với ý tưởng thiết kế độc đáo đã tạo ra cú hích phát triển kinh tế mạnh mẽ và còn là biểu tượng giúp các quốc gia “mở mày mở mặt” với thế giới.
Từ những bước đi đầu tiên
Thống kê cho thấy, hoạt động lấn biển trên thế giới có từ rất sớm. Hà Lan bắt đầu lấn biển từ thế kỷ 13. Nhật Bản lấn biển từ thế kỷ 15. Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, diện tích lấn biển của thế giới đã đạt tới 2.500 km2, tương đương diện tích của Luxembourg – một quốc gia tại Tây Âu.
Vượt qua vấn đề chi phí lớn và những thách thức về mặt kỹ thuật, hoạt động lấn biển đặc biệt phổ biến ở Đông Á, Trung Đông và Đông Nam Á, kế đó là Tây Âu và Tây Phi, mang đến những lợi ích đáng kể cho các quốc gia. Các nước dẫn đầu về diện tích lấn biển phải kể đến Trung Quốc, Indonesia, Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE)…
Tiêu biểu là Hà Lan, đất nước được biết đến là nơi nhiều công trình lấn biển nhất trên thế giới (thống kê có khoảng 3.500 công trình lấn biển, thành phố được xây dựng dọc các con kênh biển). Ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, “quê hương của cối xay gió” đã lên kế hoạch đồ sộ nhằm xây dựng hàng loạt công trình chống ngập lụt. Nổi bật trong số này là một hệ thống bao gồm 13 con đê có tổng chiều dài 16.496 km, với 300 rào chắn sóng, kênh thoát nước, cửa cống, kè ngăn nước và đất bồi. Toàn bộ tổ hợp này có chi phí lên tới 5 tỉ USD.
Người Hà Lan có câu nói “Chúa đã tạo ra thế giới, nhưng chính người Hà Lan đã tạo ra đất nước Hà Lan”, để thể hiện sự tự hào về lịch sử đắp đê lấn biển lâu đời của mình. Với 26% diện tích quốc gia nằm dưới mực nước biển, Hà Lan đã nghĩ đến phương pháp “đất lấn biển”, xây đê chắn biển rồi khi nước rút sẽ tạo ra những vùng đất mới. Có thể nói, hiếm lãnh thổ quốc gia nào liên tục thay đổi hình dạng như Hà Lan.
Còn Trung Quốc đã bắt đầu lấn biển quy mô lớn từ năm 1949. Tính đến những năm 1990, tổng diện tích lấn biển đạt khoảng 13.000km2 dọc theo đường bờ biển các địa phương như Quảng Đông, Giang Tô, Liêu Ninh, Thượng Hải, Chiết Giang và các đặc khu hành chính kinh tế như Hongkong, Macao… Hay khu bãi bồi của Cape Town (Nam Phi) cho đến những năm 1940 vẫn còn ngập trong nước. Nhờ lấn biển, 195ha ở bờ biển phía Nam và Đông Nam vịnh Núi Bàn nhìn vào khu trung tâm đã được hình thành để xây dựng cảng, mở rộng Cape Town.
Xuất phát từ quyết định táo bạo lấn biển xây đê kè chắn sóng, ngăn nước biển, phòng chống xói lở bờ biển, các quốc gia đã tạo ra quỹ đất và cơ sở hạ tầng vững chắc cho những “miền đất hứa”, từ đó hình thành những cảng biển, khu đô thị, khu dân cư mới, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, bãi tắm, đảo nhân tạo phát triển du lịch…
Đến những “kiệt tác” từ lấn biển
Nhắc đến Dubai, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến dự án đảo nhân tạo lớn nhất thế giới Palm Jumeirah. Đây là công trình lấn biển nổi tiếng được khởi công xây dựng vào năm 2001 bởi Nakheel Properties, công ty BĐS thuộc sở hữu của chính phủ Dubai. Sau 7 năm xây dựng cùng số vốn lên tới 12,3 tỷ USD, Palm Jumeirah trở thành nơi vui chơi, nghỉ dưỡng thu hút lượng lớn khách du lịch và người dân. Nơi đây quy tụ nhiều khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất Dubai như Atlantis The Palm, Jumeirah Zabeel Saray,…
Đối với Dubai, mỗi mét vuông bờ biển là mỗi “khối vàng” và việc lấn biển, xây dựng các hòn đảo nhân tạo là một trong những chiến lược phát triển kinh tế, giúp quốc gia này đa dạng hóa nền kinh tế, thu hút giới đầu tư toàn cầu và có thể trụ vững trước những biến động khó lường của nguồn tài nguyên “vàng đen”. Những BĐS “vàng” được yêu thích nhất tại Dubai tập trung tại các hòn đảo nhân tạo. Theo Knight Frank, đảo cọ Palm Jumeirah thống trị doanh số giao dịch BĐS cao cấp và siêu cao cấp trong năm 2023, chiếm khoảng gần 39% tổng số giao dịch có giá hơn 10 triệu USD và gần 40% tổng số giao dịch có giá trị hơn 25 triệu USD.
Gần Việt Nam hơn, Singapore cũng mở mang lãnh thổ của mình bằng cách lấn biển. Diện tích của “đảo quốc sư tử” đã tăng từ 581,5km2 vào những năm 1960 lên 697,35km2 vào năm 2017 và có thể sẽ tăng thêm 100km2 vào năm 2030. Khu nghỉ dưỡng Marina Bay Sands nổi tiếng - tổ hợp khu kinh doanh, nghỉ dưỡng kết hợp casino, điểm thu hút du lịch bậc nhất của Singapore, cũng được xây dựng nhờ lấn biển.
Theo Nikkei Asia, cùng vớiResorts World Sentosa, khu nghỉ dưỡng kết hợp casino này được mở cửa vào năm 2010 để thúc đẩy du lịch và mang lại lợi ích kinh tế "đáng kể". Năm 2019, Bộ Thương mại và Công nghiệp cho biết, 2 khu nghỉ đã "đóng góp 1-2%" GDP hằng năm. Lượng khách quốc tế đến Singapore cũng tăng gấp đôi, lên 19,1 triệu lượt khách sau 10 năm.
Sân bay quốc tế Kansai (Nhật Bản) cũng là một công trình xây dựng trên khu đất lấn biển, thể hiện dấu ấn về công nghệ và kỹ thuật thi công xây dựng của “đất nước mặt trời mọc”. Sân bay được xây dựng tại TP Osaka năm 1987, cách bờ 5km, trên một hòn đảo nhân tạo dài 4km và rộng hơn 1,2 km. Khi thi công sân bay Kansai, Nhật Bản đã đào hơn 1 triệu giếng cát xuống lớp bồi tích, nhằm ổn định đáy biển để nâng đỡ hòn đảo nhân tạo. Tiếp đó, một bức tường bê tông dài 11 km, cao tới 30m được hoàn thành trong vòng 3 năm, bao quanh khoảng đất xây sân bay tựa như thành của bể bơi, ngăn nước biển tràn vào. 48 nghìn khối bê tông, mỗi khối nặng 200 tấn, được xếp xuống nền móng. 180 triệu m 3 đất lấy từ ba ngọn núi được đổ đầy vào khoảng trống bên trong bức tường… phần nào cho thấy công nghệ thi công thần kỳ của Nhật Bản.
Lấn biển hướng tới phát triển bền vững
Hầu hết các quốc gia đều triển khai dự án lấn biển theo quy trình bài bản, có quy chuẩn để tránh tác động đến hệ sinh thái biển. Một số quốc gia đã ban hành luật quy định chi tiết về quản lý hoạt động lấn biển như Hà Lan ban hành Luật Đê, đập và lấn biển từ năm 1904, Australia ban hành Luật Cải tạo đất từ năm 1930 hay một số nước không ban hành luật riêng nhưng có quy định về lấn biển là một phần trong các luật khác như Nam Phi, Trung Quốc… Tại Hàn Quốc, để có thể lấn biển, các đơn vị có liên quan phải lên kế hoạch mô tả chi tiết về dự án, xin ý kiến trước của chính quyền. Kế hoạch lấn biển cũng phải được lập trước trong thời hạn 5 năm. Còn tại Hà Lan, các công trình lấn biển được các kỹ sư tính toán rất kỹ về vấn đề thích ứng, chống chọi với thủy triều và ngập lụt.
Tại Việt Nam, với lợi thế hơn 3.000km bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam, hầu hết tỉnh thành ven biển đều có nhu cầu phát triển và lấn biển. Theo số liệu thống kê, trong khoảng 10 năm gần đây (2010 - 2021), hoạt động lấn biển diễn ra ở ít nhất 16 tỉnh/thành phố ven biển trên cả nước, tiêu biểu như Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp - cảng biển - phi thuế quan Nam Đình Vũ (Hải Phòng) rộng 1.329 ha; Khu đô thị du lịch Hùng Thắng rộng 224 ha, Khu đô thị mới Hạ Long Marina (Hạ Long - Quảng Ninh) rộng 230 ha; Khu đô thị quốc tế Đa Phước (Đà Nẵng) rộng 210 ha; Khu đô thị mới Rạch Giá (Kiên Giang) rộng 420 ha; Dự án Saigon Sunbay (Cần Giờ, TP.HCM) rộng 2.870 ha…
Một số địa phương đã có những dự án lấn biển thành công, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt về du lịch. Tiêu biểu là Quảng Ninh, có hơn 40 dự án đô thị lấn biển và nhiều dự án thành công. Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, chuyên gia đô thị, nếu không có những dự án này, Quảng Ninh không thể thu hút lượng khách du lịch lớn như hiện nay.
“Điều quan trọng là việc lấn biển phải phù hợp với quy hoạch chung của quốc gia, chẳng hạn như liên quan đến quy hoạch không gian biển quốc gia, của mỗi đô thị, sau đó mới đến quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và liên quan đến các quy hoạch khác. Sự phối kết hợp với các quy hoạch cụ thể ở các tỉnh, thành có biển phải đồng bộ. Tất cả đều phải xuất phát từ nền tảng tư duy, hoạch định chính sách, quy hoạch tổng thể, rồi triển khai thực hiện… đều phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển của quốc gia”, PGS.TS Lưu Đức Hải nêu ý kiến.
Còn theo TS Đào Ngọc Nghiêm, hiện khung pháp lý đã rõ ràng, tuy nhiên lấn biển là hoạt động phức hợp, tích hợp nhiều yếu tố nên cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi triển khai từng dự án cụ thể. Hoạt động lấn biển phải phù hợp với quy hoạch của địa phương cũng như tuân thủ quy hoạch quốc gia. Trong kinh tế biển có du lịch, vận tải biển, nuôi trồng thủy sản... Làm sao để chúng ta liên kết được các loại hình kinh tế thì cần phải quy hoạch bài bản, có tầm nhìn.
Bài học thành công của các nước trên thế giới cũng là cơ sở để Việt Nam hoạch định phương hướng triển khai các dự án lấn biển trong thời gian tới, đặc biệt khi hành lang pháp lý, bao gồm Luật Đất đai 2024, đã “mở cửa” cho hoạt động này trên hành trình đưa quốc gia vươn ra biển lớn.
Tiền Phong