MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc hội bầu Chủ tịch nước như thế nào?

04-10-2018 - 20:28 PM | Xã hội

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, diễn ra từ ngày 22-10 đến ngày 19-11 tới.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ngày 3-10 đã thống nhất rất cao (100%) giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV khai mạc vào ngày 22-10 tới đây.

Quốc hội bầu Chủ tịch nước như thế nào? - Ảnh 1.

Việc bỏ phiếu về nhân sự tại Quốc hội diễn ra với hình thức bỏ phiếu kín - Ảnh: VNE

Theo Nghị quyết 102/2015/QH13 ngày 24-11-2015 về việc ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (QH), trình tự bầu Chủ tịch nước được quy định tại Điều 31 như sau:

1. Ủy ban thường vụ QH trình danh sách đề cử để QH bầu Chủ tịch nước.

2. Ngoài danh sách do Ủy ban Thường vụ QH đề nghị, đại biểu QH có quyền giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào chức danh Chủ tịch nước; người được giới thiệu ứng cử có quyền rút khỏi danh sách người ứng cử.

3. Đại biểu QH thảo luận tại Đoàn đại biểu QH; Chủ tịch QH có thể họp với các trưởng đoàn đại biểu QH để trao đổi về các vấn đề có liên quan.

4. Ủy ban Thường vụ QH báo cáo QH kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu QH và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH; trình QH quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu QH giới thiệu hoặc tự ứng cử.

5. QH thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước.

6. QH thành lập ban kiểm phiếu.

7. QH bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

8. Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết.

9. QH thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

10. Chủ tịch nước tuyên thệ.

Về kết quả bầu cử, khoản 3 Điều 27 Nghị quyết 102/2015/QH13 quy định: Ban kiểm phiếu xác định kết quả biểu quyết bằng bỏ phiếu kín theo nguyên tắc sau đây: "Trường hợp biểu quyết bầu các chức danh trong bộ máy nhà nước, người được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành so với tổng số đại biểu QH và được nhiều phiếu tán thành hơn thì trúng cử.

Trường hợp cùng bầu một chức danh mà nhiều người được số phiếu tán thành ngang nhau và đạt quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành so với tổng số đại biểu QH thì QH biểu quyết lại việc bầu chức danh này trong số những người được số phiếu hợp lệ tán thành ngang nhau.

Trong số những người được đưa ra biểu quyết lại, người được số phiếu tán thành nhiều hơn là người trúng cử; nếu biểu quyết lại mà nhiều người vẫn được số phiếu tán thành ngang nhau thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử;

Việc phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước phải được quá nửa tổng số đại biểu QH biểu quyết tán thành".

Điều 27 Nghị quyết 102/2015/QH13 quy định về hồ sơ trình QH quyết định về nhân sự như sau:

1. Hồ sơ trình QH về người được giới thiệu vào các chức danh để QH bầu hoặc phê chuẩn bao gồm:

a) Tờ trình của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trình;

b) Báo cáo thẩm tra trong trường hợp pháp luật quy định;

c) Hồ sơ về người được giới thiệu vào các chức danh để QH bầu hoặc phê chuẩn và các tài liệu khác theo quy định của Ủy ban Thường vụ QH.

2. Hồ sơ về người ứng cử do đại biểu QH giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử do Ủy ban Thường vụ QH quy định và phải được gửi tới Ủy ban Thường vụ QH chậm nhất là 2 ngày trước phiên họp bầu chức danh đó.

3. Hồ sơ trình QH miễn nhiệm, bãi nhiệm; cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu QH; phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức bao gồm:

a) Tờ trình của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trình;

b) Các tài liệu khác theo quy định của Ủy ban Thường vụ QH.

Quyền hạn của Chủ tịch nước

Theo quy định của Hiến pháp 2013, Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do QH bầu trong số đại biểu QH. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước QH.

Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của QH. Khi QH hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi QH khoá mới bầu ra Chủ tịch nước.

Cũng theo quy định của Hiến pháp, Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Công bố hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị Uỷ ban Thường vụ QH xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày pháp lệnh được thông qua, nếu pháp lệnh đó vẫn được Uỷ ban Thường vụ QH biểu quyết tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình QH quyết định tại kỳ họp gần nhất;

2. Đề nghị QH, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của QH, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ;

3. Đề nghị QH bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao; căn cứ vào nghị quyết của QH, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán TAND Tối cao; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án TAND Tối cao, thẩm phán các tòa án khác, phó viện trưởng, kiểm sát viên VKSND Tối cao; quyết định đặc xá; căn cứ vào nghị quyết của QH, công bố quyết định đại xá;

4. Quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước; quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam;

5. Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức tổng tham mưu trưởng, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; căn cứ vào nghị quyết của QH hoặc của Uỷ ban Thường vụ QH, công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; căn cứ vào nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ QH, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Uỷ ban Thường vụ QH không thể họp được, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;

6. Tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH, bổ nhiệm, miễn nhiệm; quyết định cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phong hàm, cấp đại sứ; quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh nhà nước; trình QH phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế quy định tại khoản 14 Điều 70; quyết định phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế khác nhân danh nhà nước.

Theo B.T.N

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên