“Quốc hội, Chính phủ khoá mới cần nhìn nhận toàn diện tình hình”
Quốc hội và Chính phủ thấy rõ khó khăn, thách thức và quyết tâm vượt qua. Yêu cầu đặt ra là phải hành động cụ thể trong nhiệm kỳ mới.
- 17-07-2016Vì sao bà Nguyệt Hường bị bác tư cách đại biểu Quốc hội?
- 15-07-2016Không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội của ông Trịnh Xuân Thanh
- 08-07-2016Đầu tuần tới, Quốc hội cho ý kiến về cơ cấu thành viên Chính phủ khóa XIV
Ngày mai (20/7), tại Hà Nội, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV sẽ khai mạc. Nội dung trọng tâm kỳ họp là kiện toàn nhân sự cấp cao Nhà nước.
Phóng viên phỏng vấn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Phú Yên về những vấn đề đặt ra đối với Quốc hội và Chính phủ khoá mới.
Phải thấy trách nhiệm trước dân
- Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV và Chính phủ đứng trước không ít khó khăn, thách thức, thưa ông?
ĐB Nguyễn Thái Học: Bất kỳ khởi đầu nào cũng cần một sự nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện thuận lợi và thách thức để rồi phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn. Bắt đầu nhiệm kỳ khoá XIV cũng thế.
Sự phấn khởi, tự tin cho quá trình bắt đầu một nhiệm kỳ mới, một sự phát triển mới của Quốc hội là cái thuận lợi. Ai cũng thể hiện quyết tâm để bắt tay vào công việc, trên đà phát huy kết quả đạt được, trước thời cơ và vận hội mới.
Nhưng khó khăn, thách thức đặt ra không phải bây giờ mới thấy, mà trong suốt nhiệm kỳ khoá XIII, Quốc hội và Chính phủ thấy rất rõ. Từ nợ công, tình hình kinh tế - xã hội có tồn tại hạn chế kéo dài đến yêu cầu, đòi hỏi của quá trình phát triển, nhất là hội nhập thì cảm thấy đất nước còn khoảng cách xa so với yêu cầu và với các nước trong khu vực.
Tất cả điều đó đặt ra với Quốc hội và bản thân từng đại biểu Quốc hội phải không được chủ quan trong nhìn nhận đánh giá tình hình, song cũng không quá bi quan để rồi không thấy chiều hướng phát triển. Phải thấy được thời cơ và thách thức đặt ra để có quyết tâm vượt qua.
- Để hoạt động Quốc hội hiệu quả và chuyên nghiệp hơn, thể hiện rõ vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đáp ứng mong mỏi của cử tri thì rõ ràng cũng còn nhiều vấn đề mà Quốc hội cần hành động và đổi mới?
ĐB Nguyễn Thái Học: Có thể nói rằng rút kinh nghiệm và nhìn thẳng vào cái được và mặt tồn tại, hạn chế thời gian qua, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và mỗi đại biểu cũng cần đánh giá nhìn nhận một cách nghiêm túc trong việc xác định rõ những việc cần phải làm trong thời gian tới, nhất là bắt đầu một nhiệm kỳ Quốc hội mới.
“Qua một nhiệm kỳ Quốc hội, tôi luôn suy nghĩ, trăn trở về điều mình đã làm được và chưa được. Cử tri tiếp tục tin tưởng bầu làm đại biểu Quốc hội thì bản thân quyết tâm làm việc trách nhiệm và hiệu quả hơn; phát huy kinh nghiệm và khắc phục hạn chế so với đại biểu mới được bầu. Như thế mới xứng đáng với kỳ vọng và sự tin tưởng của cử tri”- ĐBQH Nguyễn Thái Học
Những việc làm ở đây có cả rút kinh nghiệm, xác định tồn tại, hạn chế, bất cập đến tính hình thức trong một số hoạt động. Có cả việc bản thân mỗi đại biểu phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình trước cử tri, trước nhân dân.
Hơn ai hết mỗi bản thân đại biểu Quốc hội vừa trải qua cuộc tiếp xúc vận động cử tri bầu mình làm đại biểu, đã hứa với dân như thế nào và người dân tin tưởng, kỳ vọng ra làm sao. Ngay kỳ họp thứ nhất, sau khi được xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội, mỗi đại biểu phải nhận thức trách nhiệm của mình trước nhân dân, để từ đó có việc làm cụ thể, thiết thực trong quá trình làm đại biểu của dân, trong quá trình xem xét, thảo luận và quyết định từng vấn đề thuộc trách nhiệm của người đại biểu Quốc hội. Có như thế thì mỗi hoạt động của đại biểu mới có chất lượng, góp phần tạo ra hoạt động Quốc hội thiết thực, hiệu quả.
Con người là yếu tố quyết định
- Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV, một nhiệm vụ rất quan trọng là kiện toàn nhân sự cấp cao Nhà nước. Việc kiện toàn một bước về bộ máy Nhà nước có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
ĐB Nguyễn Thái Học: Điểm rất thuận lợi của Quốc hội khoá XIV trong công tác nhân sự là hầu hết nhân sự chủ chốt cũng như bộ máy Chính phủ và Quốc hội đã có sự xem xét, quyết định trước một bước ở Quốc hội khoá XIII.
Quốc hội khoá XIV sẽ nhìn nhận, đánh giá lại quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của các đồng chí đó thể hiện trong quá trình từ khi được bầu ở khoá XIII đến nay như thế nào. Trên cơ sở đó, Quốc hội có quyết định khách quan, toàn diện. Đây là điều thuận lợi.
Vấn đề là sự quyết định về công tác nhân sự ở đầu nhiệm kỳ phải lựa chọn cho được những người thực sự đủ năng lực, phẩm chất để lãnh đạo đất nước trong điều kiện khó khăn và thuận lợi đan xen. Con người là yếu tố quyết định. Lựa chọn, quyết định đúng và sắp xếp, phân công đúng vị trí thì thành công.
- Chính phủ nhiệm kỳ mới có một giai đoạn ngắn “chạy thử” và ngay lập tức đối diện với nhiều sự kiện, thử thách liên tiếp. Ông đánh giá như thế nào về sự quản lý, điều hành của Chính phủ trong thời gian vừa qua?
ĐB Nguyễn Thái Học: Chính phủ mới vận hành trong thời gian ngắn nhưng dám đối mặt với khó khăn, thử thách, không né tránh, không ngại phát hiện ra những vấn đề vướng mắc, tồn tại, hạn chế và quyết tâm chấn chỉnh, khắc phục.
Bây giờ khắc phục thế nào, chấn chỉnh ra làm sao thì cần phải có thời gian. Mấy tháng vừa rồi chưa thể nói lên điều gì nhiều về hiệu quả, nhưng cử tri và nhân dân rất ghi nhận sự quyết tâm, thẳng thắn của Chính phủ trong nhìn nhận đánh giá tình hình.
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc truyền đi thông điệp rất rõ ràng là xây dựng một Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm chính. Điều này sẽ có sự tác động tích cực như thế nào thưa ông?
ĐB Nguyễn Thái Học: Việc người đứng đầu Cính phủ có cam kết rất rõ ràng trước toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp về một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động đã làm cho người dân cảm thấy tin tưởng, ủng hộ.
Người dân đang chờ đợi, mong mỏi làm sao thông điệp đầy trách nhiệm đó của Thủ tướng biến thành hiện thực bằng những việc làm cụ thể, để người dân biết được rằng Chính phủ, Thủ tướng cam kết như thế và đã thực hiện.
- Đại biểu đã nhiều lần phát biểu trên nghị trường về tính nghiêm minh trong thực thi kỷ cương phép nước. Theo ông, điều này sắp tới cần được đặt ra như thế nào?
ĐB Nguyễn Thái Học: Quốc hội hoạt động theo luật, Chính phủ và các Bộ ngành trong quá trình điều hành quản lý Nhà nước, quản lý xã hội cũng dựa trên cơ sở pháp luật. Để cho kỷ luật kỷ cương được nghiêm minh thì toàn bộ hoạt động phải thượng tôn pháp luật.
Thực ra pháp luật của mình mặc dù còn hạn chế, bất cập ở điểm này điểm khác chưa thực sự đồng bộ nhưng hành lang pháp lý nói chung đã được hình thành. Do vậy yêu cầu đặt ra là trong hoạt động từ lãnh đạo, chỉ đạo đến tổ chức triển khai thực hiện từ Trung ương đến địa phương phải theo quy định, có kỷ luật kỷ cương. Người đứng đầu phải gương mẫu và sai phạm, khuyết điểm phải được xem xét một cách nghiêm minh. Người dân mong muốn điều đó.
- Xin cảm ơn đại biểu!.
VOV