Quốc hội đề nghị Chính phủ lưu ý đặc biệt về nghĩa vụ trả nợ trực tiếp có thể chạm trần
Sau khi nghe Chính phủ báo cáo về tình hình ngân sách nhà nước năm 2020 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ lưu ý đặc biệt về nghĩa vụ trả nợ trực tiếp có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu ngân sách.
Ngày 20-10, trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020 và định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2021-2025 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội (TCNS) đã nêu một số vấn đề về nợ công.
Theo ông Nguyễn Đức Hải, bội chi NSNN năm 2020 ước khoảng 4,99% GDP, tăng 1,55% so với dự toán. Ủy ban TCNS cho rằng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nguồn thu ngân sách giảm mạnh, nhưng nhiệm vụ chi ngân sách vẫn cần được bảo đảm, dẫn đến việc cân đối ngân sách không đạt được dự toán Quốc hội giao. Vì vậy, mức bội chi tăng cao hơn là hợp lý.
Ông Nguyễn Đức Hải cho biết các chỉ tiêu về nợ công tiếp tục tăng, tuy dự ước đến cuối năm 2020 vẫn dưới mức giới hạn an toàn, nhưng đề nghị Chính phủ đặc biệt lưu ý về nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu NSNN.
Tuy nhiên, nhiều khả năng bội chi NSNN sẽ tăng thêm 38,5 ngàn tỉ đồng do không thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dẫn đến bội chi NSNN vượt dự toán cao (khoảng 357,96 ngàn tỉ đồng), bằng 5,59% GDP.
"Các chỉ tiêu về nợ công tiếp tục tăng, tuy dự ước đến cuối năm 2020 vẫn dưới mức giới hạn an toàn, nhưng đề nghị Chính phủ đặc biệt lưu ý về nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu NSNN, là dấu hiệu nguy hiểm, gây rủi ro và giảm mức an toàn tài chính quốc gia"- ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết bội chi ngân sách năm 2020 ước khoảng 319.500 tỉ đến 328.000 tỉ đồng, tương đương 4,99% đến 5,59% GDP. Trong khi đầu năm, kế hoạch bội chi ngân sách là 3,44% GDP. Con số bội chi cao chủ yếu do hụt thu, tăng chi thường xuyên vì tác động của Covid-19.
Về dự toán NSNN năm 2021, Chính phủ dự kiến bội chi NSNN khoảng 4% GDP điều chỉnh. Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng đề xuất bội chi khoảng 4% GDP là chấp nhận được. Có ý kiến đề nghị Chính phủ giữ mức bội chi NSNN dưới 4% GDP điều chỉnh (khoảng 3,9%) để kiểm soát chặt chẽ bội chi ngay từ năm đầu tiên của Kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025.
Về nợ công: Tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây, song nợ Chính phủ lại xu hướng tăng lên, sắp chạm mức trần cho phép, đặc biệt là nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ chạm trần 25% tổng thu NSNN của năm 2020 và dự ước sẽ đạt cao hơn 25% tổng thu NSNN của năm 2021. Chính vì vậy, Uỷ ban TCNS cho rằng sẽ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro năm sau cao hơn năm trước, gây mất an ninh, an toàn tài chính quốc gia.
Theo báo cáo của Chính phủ, ước thu ngân sách cả năm 2020 đạt khoảng 1,32 triệu tỉ đồng, hụt 189.200 tỉ đồng (giảm 12,5%) so với dự toán. Con số này cũng giảm 14% so với năm 2019 và là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây. Trong đó, thu tại nhiều địa phương đạt thấp, như Hà Nội chỉ đạt 58,8%, TP HCM đạt 58,1%, Hải Phòng đạt 55,1%, Khánh Hòa 51,8%...
Ước chi ngân sách năm nay khoảng 1,68 triệu tỉ đồng, giảm 60.890 tỉ đồng (giảm 3,5%) so với dự toán. Tuy nhiên, chi thường xuyên khoảng 1,07 triệu tỉ đồng, tăng 12.000 tỉ đồng (1,1%), chủ yếu do sử dụng dự phòng để chi cho công tác phòng chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai và thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành.
Người lao động