Quốc hội phê duyệt cả 9.600 dự án trong 5 năm liệu có khả thi?
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lo ngại rằng khối lượng dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Quốc hội lớn, khó khả thi.
- 28-05-2019Câu hỏi của người dân về dự án, quy hoạch treo và đề nghị của Đại biểu Quốc hội: "Không nên đẩy cái khó cho dân!"
- 28-05-2019Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên: Chậm giải ngân dự án đừng đổ do luật!
- 28-05-2019Dự án trọng điểm quốc gia: Mức vốn từ 10.000 hay 20.000 tỷ đồng?
Tại buổi thảo luận ở Hội trường ngày 28/5, liên quan đến các ý kiến của đại biểu về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ lo ngại rằng khối lượng dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Quốc hội lớn, khó khả thi.
Về nguyên nhân sửa luật, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh: Vấn đề do pháp luật không phải nguyên nhân chính mà chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện.
"Triển khai hiện nay ở các địa phương có rất nhiều vấn đề, vấn đề yếu kém về chất lượng, tùy tiện trong việc điều chỉnh, tùy tiện trong việc quyết định; có cả vấn đề lợi ích nhóm chi phối, tư duy nhiệm kỳ nên nhiều quyết định đầu tư rất tùy tiện", ông Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn nêu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư băn khoăn về thẩm quyền quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn. "Chúng tôi hoàn toàn đồng ý thẩm quyền này thuộc về Quốc hội. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất quyết định tất cả những vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có vấn đề ngân sách và đầu tư... Trong thực tiễn, kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ là một khung cho cả 5 năm. Còn Quốc hội vẫn quyết định, phê duyệt và giao kế hoạch ngân sách cho từng dự án theo ngân sách hàng năm, trong khi đó khối lượng dự án 5 năm đối với 9.600 dự án của nhiệm kỳ vừa rồi. Nếu nhiệm kỳ tới cũng khoảng như thế thì đây là một khối lượng rất lớn nếu Quốc hội thực hiện quyền của mình để quyết định vấn đề này", ông Dũng nói.
Người đứng đầu ngành Kế hoạch Đầu tư dẫn quy định về cấp nào quyết định là cấp đó điều chỉnh, và chỉ ra bất cập: "Chúng ta đều biết rằng trong thực tế thì luôn phát sinh, luôn thay đổi, các địa phương cũng thế, các Bộ, ngành cũng vậy, chúng ta điều chỉnh dự án liên tục. Ví dụ, do đấu thầu thừa ra khoảng 10 tỷ hay do tên của một dự án chỉ cần điều chỉnh một chút hay bất kể một động tác gì. Đấy là điểm hoàn toàn chính đáng, hoàn toàn hợp pháp, hợp lý nhưng chúng ta vẫn phải báo cáo lại Quốc hội, vì Quốc hội đã quyết định việc đó rồi thì thay một chi tiết trong dự án đó đều phải báo cáo Quốc hội. Nếu như vậy thì khối lượng rất khổng lồ, mỗi một dự án, nếu chúng ta chỉ cần điều chỉnh trong đời sống thì dự án kéo dài trong 5 năm. Chúng ta chỉ cần điều chỉnh 3, 4, 5 lần thì nhân 10.000 dự án lên. Tôi hình dung là nếu Quốc hội làm việc này thì rất nặng nề cho Quốc hội".
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất giao cho Chính phủ thực hiện và Chính phủ phải làm, Chính phủ phải chịu trách nhiệm. Quốc hội vẫn phải đảm bảo quyền năng của mình là cơ quan quyết định cao nhất là phải quyết định tổng mức đầu tư của 5 năm đó là bao nhiêu. Cơ cấu đầu tư là thế nào, ngành nào, địa phương nào, vùng, miền nào, tiêu chí, nguyên tắc ra sao, thứ tự ưu tiên ra sao thì Quốc hội phải quyết và Quốc hội phải giữ. Chính phủ phải điều hành trong khung mà Quốc hội đã quyết, chứ Chính phủ không thể ra ngoài, Quốc hội làm chức năng giám sát.
"Tôi nghĩ nếu giao được như vậy cho Chính phủ điều hành thì linh hoạt hơn, nhẹ hơn cho công việc của Quốc hội, vì Quốc hội một năm có 2 kỳ, mỗi kỳ một tháng mà có biết bao nội dung, biết bao công việc mà chỉ sa đà vào thực hiện một việc thế này thì rất là khó cho Quốc hội và tính khả thi yếu đi", ông Dũng nêu quan điểm./.
VOV