MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc hội thảo luận dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành vốn đầu tư 25.540 tỉ đồng

Sáng 17-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về "chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)".

Theo tờ trình của Chính phủ, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài 128,8 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 25.540 tỉ đồng. Theo quy hoạch, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành 6 làn xe, giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư 4 làn xe hoàn chỉnh theo đúng tiêu chuẩn, giải phóng mặt bằng thực hiện một lần với 6 làn xe. Tốc độ thiết kế 100-120 km/giờ.

Quốc hội thảo luận dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành vốn đầu tư 25.540 tỉ đồng- Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Sơ bộ tổng mức đầu tư 25.540 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia 12.770 tỉ đồng, gồm ngân sách trung ương 10.536,5 tỉ đồng, ngân sách địa phương 2.233,5 tỉ đồng. Vốn nhà đầu tư tham gia 12.770 tỉ đồng.

Tham gia thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí với sự cần thiết của dự án này. Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn tỉnh Đồng Tháp) cho rằng đây là đoạn đường có ý nghĩa quan trọng trong kết nối đường cao tốc, kết nối huyết mạch vùng Tây và Đông Nam Bộ. Về quy mô và dự án đầu tư, cơ quan hữu quan đã hết sức cầu thị, ngoài đầu tư từ ngân sách nhà nước, phải sử dụng từ phương thức đối tác công tư theo quy định và áp dụng cơ chế đặc thù cho đoạn đường này.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết đoạn đường Chơn Thành - Đức Hòa hiện chỉ quy hoạch xây dựng đường cấp 3 đồng bằng, cần nghiên cứu, xem xét nâng cấp đoạn đường này cùng tuyến 4 làn xe như đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành. Theo quy hoạch, đường sẽ có 6 làn xe, nhưng theo kế hoạch trước mắt, sẽ xây dựng 4 làn xe do điều kiện còn hạn chế về nguồn vốn đầu tư, 2 làn xe còn lại sẽ tiếp tục giải phóng mặt bằng, phân kỳ để đầu tư tiếp khi có điều kiện.

Về tác động của dự án tới đường giao thông BOT, theo báo cáo, hiện đã có 2 đường hiện hữu thực hiện BOT, giờ tiếp tục thực hiện theo phương thức BOT thì sẽ dẫn đến bất cập, gây ảnh hưởng đến 2 đường BOT đã hiện hữu. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cần nghiên cứu để bảo đảm công bằng, thuận lợi cho các đối tác đầu tư.

Về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đây là dự án rất quan trọng. Theo báo cáo, số người dân cần bồi hoàn lên tới 1.299 hộ, diện tích đất cần giải tỏa cũng rất lớn. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, chính quyền địa phương cần quan tâm nghiên cứu để đảm bảo thực hiện tốt việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết qua tổng hợp ý kiến phát biểu tại tổ, tại hội trường, có thể thấy tất cả các đại biểu Quốc hội đều đồng tình ủng hộ rất cao về sự cần thiết phải triển khai dự án đường cao tốc này để thúc đẩy liên kết vùng ở khu vực Tây Nguyên với Đông Nam Bộ và cả Tây Nam Bộ.

Quốc hội thảo luận dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành vốn đầu tư 25.540 tỉ đồng- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng làm rõ các ý kiến đại biểu nêu. Ảnh: Phạm Thắng

Về tính khả thi đầu tư dự án theo phương thức PPP, theo Bộ trưởng Bộ GTVT, đây là dự án tương đối hoàn chỉnh, được quy hoạch 6 làn xe, sẽ thi công xây dựng 4 làn xe hoàn chỉnh, phần vốn nhà nước hỗ trợ tham gia là 50%, sau khi mãn tải sẽ tiếp tục mở rộng thêm 2 làn xe trên đoạn tuyến này. Quá trình tính toán cho thấy đây sẽ là dự án có thời gian hoàn vốn tương đối tốt so với các dự án trước đây, phù hợp với các nhà đầu tư, cũng được các ngân hàng đánh giá cao.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay thường các dự án dễ gặp khó khăn khi nguồn vốn huy động từ các ngân hàng để đầu tư cho các dự án BOT chủ yếu là huy động ngắn hạn, trung và dài hạn thì tối đa là 5 năm. Với một dự án có thời gian hoàn vốn khoảng 18 đến 20 năm như dự án này, nhà đầu tư sẽ ưu tiên doanh thu để trả nợ ngân hàng nên sẽ rất phù hợp và khả thi trong thu hút nhà đầu tư.

Về tác động của dự án đến các dự án BOT song hành trên quốc lộ 14, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết khi hoàn thành toàn tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía đông và một số tuyến ngang, không chỉ có 2 dự án BOT bị ảnh hưởng, mà còn ảnh hưởng đến các dự án khác. Tác động này đã được Chính phủ lường trước, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT trình phương án tháo gỡ, xử lý cho các dự án BOT bị ảnh hưởng, đặc biệt là do quá trình nhà nước đầu tư các dự án BOT đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các trục ngang, trong đó có Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành. Sau khi dự án này đi vào hoạt động, sẽ có thể tính toán được mức độ ảnh hưởng tới các dự án khác để có đề xuất cụ thể, có thể là kéo dài thời gian thu phí, hoặc bổ sung một phần ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các dự án bị ảnh hưởng.

Về tiến độ của dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết thời điểm triển khai của dự án đang có thuận lợi khi đã có kinh nghiệm triển khai hệ thống đường bộ, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc. Thời gian triển khai xây dựng được tính toán dựa trên kinh nghiệm xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2. Dự kiến tiến độ là hoàn toàn khả thi và có thể thực hiện được.

Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết liên danh Vingroup và Techcombank quan tâm đến dự án này.

Theo báo cáo giải trình của Chính phủ, liên danh Vingroup và Techcombank là nhà đầu tư đề xuất dự án và được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận. Qua đánh giá sơ bộ, liên danh này có tiềm lực về tài chính.

Trường hợp được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án sẽ có nhiều lợi thế trong việc thu xếp vốn. Theo quy định của luật PPP, nhà đầu tư đề xuất lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi phải chịu mọi chi phí, rủi ro trong trường hợp hồ sơ đề xuất dự án không được chấp thuận.

Bên cạnh đó, luật PPP quy định dự án do cơ quan có thẩm quyền hoặc do nhà đầu tư đề xuất lập đều phải thực hiện đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư. Do vậy, mặc dù liên danh Vingroup và Techcombank là nhà đầu tư đề xuất dự án nhưng chưa thể khẳng định là nhà đầu tư sẽ trúng thầu thực hiện.

Theo Văn Duẩn - Huy Thanh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên