Quốc hội thông qua 12 chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2021
Một số ý kiến đại biểu cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, mức tăng trưởng GDP khoảng 6% là khá cao.
- 11-11-2020Hiệp định RCEP sẽ mang lại những lợi ích kinh tế nào?
- 11-11-2020"Nền tảng Netflix có nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam"
- 11-11-2020Hôm nay (11/11), Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ KHCN, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Sáng nay (11/11), Quốc hội đã thông qua 12 chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2021. Chỉ có 7 vị đại biểu không tán thành.
Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.
Các chỉ tiêu khác gồm:
Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%.
Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%.
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%.
Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm.
Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 90%.
Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên 87%.
Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 91%.
Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%.
Báo cáo trước khi Quốc hội bấm nút, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đại biểu cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, mức tăng trưởng GDP khoảng 6% là khá cao, đề nghị đặt chỉ tiêu trên 5% hoặc từ 5,5-6%.
Có ý kiến băn khoăn nếu đề ra mục tiêu tổng quát "tập trung thực hiện mục tiêu kép" thì tăng trưởng kinh tế khó đạt khoảng 6%. Có ý kiến khác đề nghị các chỉ tiêu ghi cụ thể mức "đạt", không ghi "khoảng".
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2020, tính toán, cân đối các nguồn lực cũng như tham khảo dự báo của một số tổ chức quốc tế; bối cảnh, tình hình của năm 2021. Việc đặt chỉ tiêu khoảng 6% thể hiện quyết tâm của Chính phủ phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, đồng thời để bảo đảm sự hài hòa, linh động trong thực hiện các mục tiêu cho năm 2021, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.
Các chỉ tiêu khác của năm 2021, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được tính toán trên cơ sở bối cảnh trong nước, quốc tế, cơ sở kết quả thực hiện của năm 2020 và các nguồn lực hiện có để triển khai trong năm 2021. Tuy nhiên, Chính phủ cần chủ động hơn nữa trong công tác điều hành để có thể đạt được kết quả ở mức cao nhất, phấn đấu vượt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường được Quốc hội quyết định.
430/439 vị đại biểu có mặt cũng đã đồng ý thông qua toàn bộ nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Nghị quyết nêu nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm tới, nêu rõ yêu cầu chủ động bố trí nguồn lực và thực hiện các giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền (bao gồm cả các giải pháp về tín dụng, tài chính - ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí…) để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhất là trong một số ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hàng không… và người lao động mất việc làm, thiếu việc làm, bị giảm sâu thu nhập. Trường hợp vượt thẩm quyền cần báo cáo Quốc hội xem xét quyết định.
Nghị quyết còn yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống. Ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng. Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công có đủ điều kiện. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với các bộ, ngành. Xây dựng và áp dụng khung quản trị doanh nghiệp phù hợp với chuẩn mực quốc tế tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước.
Nghị quyết cũng yêu cầu việc chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường. Tập trung xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, nhất là các dự án thuộc ngành công thương.
BizLIVE