MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc hội xem xét giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020

Sáng nay (11/6), Quốc hội tiếp tục làm việc xem xét giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020.

Sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Theo đề xuất của Chính phủ sẽ giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.

Quốc hội xem xét giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 - Ảnh 1.

. (Ảnh minh họa)


Doanh nghiệp căn cứ quy định này để tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.

Trình bày báo cáo Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Quốc hội nhất trí với đối tượng áp dụng như dự thảo Nghị quyết vì đã cơ bản thống nhất với đối tượng người nộp thuế quy định tại điều 2 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Mức giảm và tiêu chí xác định về doanh thu và lao động cũng được cơ quan thẩm tra đồng tình.

Báo cáo thẩm tra nêu rõ, đây là các đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh, khả năng tiếp cận vốn, trình độ quản lý và áp dụng công nghệ còn hạn chế trong khi nhóm đối tượng này chiếm đa số trong tổng số các đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo ước tính của Chính phủ, việc đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 15.840 tỷ đồng và nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả doanh nghiệp có quy mô vừa có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 22.440 tỷ.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, quy định giảm 30% cho các đối tượng này sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tăng cường nguồn lực để phát triển. Đồng thời, việc hạn chế đối tượng theo doanh thu và người lao động như dự thảo Nghị quyết cũng không gây áp lực quá lớn lên thu ngân sách nhà nước trong năm 2020, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Lo tình trạng cào bằng

Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải phản ánh, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, Nghị quyết quy định theo hướng chung cho tất cả đối tượng mà chưa phân loại rõ các tiêu chí về doanh thu, lao động và thiệt hại thực tế dẫn đến tình trạng cào bằng. Một số đối tượng có doanh thu và lợi nhuận tăng cao trong giai đoạn dịch bệnh lại được hưởng chính sách giảm thuế này là chưa hợp lý, trong khi mục tiêu của việc ban hành Nghị quyết này là hướng tới nhóm đối tượng thực sự gặp khó khăn cần hỗ trợ trong giai đoạn xảy ra dịch bệnh.

Do đó, đề nghị cần quy định phạm vi của Nghị quyết chỉ áp dụng đối với những đối tượng có doanh thu năm 2020 giảm so với doanh thu năm 2019 hoặc có mức giảm doanh thu từ 30% năm 2020 so với năm 2019.

Có ý kiến đề nghị không phân biệt quy mô doanh nghiệp mà cần nghiên cứu để thực hiện giảm thuế cho tất cả các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.

Ý kiến khác tại cơ quan thẩm tra nhìn nhận, dự thảo Nghị quyết chỉ hỗ trợ được cho các doanh nghiệp có lãi, chưa tính tới các doanh nghiệp đã ngừng sản xuất, kinh doanh hoặc hoạt động không có lãi thì không được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, Chính phủ cần có giải pháp tổng thể hơn cho nền kinh tế thay vì chỉ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đối tượng đang kinh doanh có lợi nhuận.

Cuối phiên họp sáng nay, dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ./.

Theo Vân Anh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên