MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc khánh 2/9: Thăm làng nghề truyền thống chuyên may cờ Tổ quốc

02-09-2022 - 07:56 AM | Sống

Trải qua hơn 70 năm thăng trầm lịch sử, làng Từ Vân (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) vẫn lưu giữ nghề truyền thống làm cờ Tổ quốc. Từ đây, hàng triệu lá cờ đỏ sao vàng với đủ kích cỡ đã được gửi đi mọi miền đất nước.

Trải qua hơn 70 năm thăng trầm lịch sử, làng Từ Vân (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) vẫn lưu giữ nghề truyền thống làm cờ Tổ quốc. Từ đây, hàng triệu lá cờ đỏ sao vàng với đủ kích cỡ đã được gửi đi mọi miền đất nước.

Khi cả nước đang hướng về kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 cũng là lúc những người thợ may cờ của làng nghề Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội, tất bật làm việc để kịp cung ứng cho thị trường cả nước. Những lá cờ dù là cờ in hay thêu, cờ to hay nhỏ đều được những người thợ thổi "hồn" vào trong đó.

Các công đoạn từ cắt vải may cờ với nhiều kích cỡ khác nhau đến công việc in hình ngôi sao, logo, thêu, may… tất cả đều diễn ra trong khuôn viên ngôi nhà rộng hàng trăm mét vuông của gia đình chị Vương Thị Nhung, là đời thứ 3 trong gia đình làm cờ Tổ quốc.

Quốc khánh 2/9: Thăm làng nghề truyền thống chuyên may cờ Tổ quốc - Ảnh 1.

Chị Vương Thị Nhung, người thợ lành nghề đã có thâm niên hơn 30 năm thêu cờ

Nổi tiếng bởi tay nghề thêu thủ công sao vàng năm cánh, chị Vương Thị Nhung bày tỏ tâm huyết với nghề truyền thống đã gắn bó từ khi còn nhỏ: "Gia đình tôi làm nghề này rồi không muốn làm nghề khác nữa. Những lá cờ được đặt nơi trang trọng, hay nhiều lúc xem chương trình tivi, những buổi duyệt binh... những lá cờ Tổ quốc từ làng Từ Vân may, thêu. Chúng tôi rất tự hào khi mình làm ra những lá cờ đó".

Quốc khánh 2/9: Thăm làng nghề truyền thống chuyên may cờ Tổ quốc - Ảnh 2.

Theo chị Nhung, để có thể sản xuất ra một lá cờ thêu tay thì từ xưa đến nay, loại vải làm lá cờ được mua từ làng La Khê (quận Hà Đông, Hà Nội), còn chỉ thêu được mua từ làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội).

Quốc khánh 2/9: Thăm làng nghề truyền thống chuyên may cờ Tổ quốc - Ảnh 3.

Lá cờ khi hoàn thành không chỉ chính xác về tiêu chuẩn mà sắc nét, chắc chắn, ngôi sao vàng nổi bật trên nền cờ đỏ.

Để hoàn thiện một lá cờ thêu tay, chị Nhung phải mất gần 2 ngày, những người chưa thạo nghề có khi mất đến cả tuần. Mỗi lá cờ đều phải có chuẩn mực riêng, tuy không yêu cầu kỹ thuật cao nhưng cần sự tỉ mỉ, khéo léo; muốn giữ nghề, cần những người thợ lành nghề và tâm huyết. Những người như chị Nhung đều cảm thấy tự hào khi mỗi lá cờ được hoàn thành, đó là nghề, cũng là niềm tự hào trong tim người thợ.

Quốc khánh 2/9: Thăm làng nghề truyền thống chuyên may cờ Tổ quốc - Ảnh 4.

Giá bán của cờ thêu tại xưởng sản xuất đã vào khoảng 600.000 – 1.000.000 đồng tùy kích cỡ. Còn khi ra đến thị trường, giá có thể đội lên gấp 2,3 lần.

Quốc khánh 2/9: Thăm làng nghề truyền thống chuyên may cờ Tổ quốc - Ảnh 5.

Cũng theo chị Nhung, tiền thuê nhân công thêu cờ bằng tay cũng cao hơn so với nhân công may cờ, từ 200.000 - 250.000 đồng/người/ngày.

Quốc khánh 2/9: Thăm làng nghề truyền thống chuyên may cờ Tổ quốc - Ảnh 6.
Quốc khánh 2/9: Thăm làng nghề truyền thống chuyên may cờ Tổ quốc - Ảnh 7.

"Nghề làm cờ này khó khăn nhất là lúc khách hàng cần gấp với số lượng lớn, yêu cầu người làm phải thao tác nhanh nhưng vẫn phải đạt độ bền đẹp và chính xác trong từng đường kim mũi chỉ". Chị Nhung nói.

Quốc khánh 2/9: Thăm làng nghề truyền thống chuyên may cờ Tổ quốc - Ảnh 8.

Từng mũi kim thêu cần được chính xác 100%

"Các dịp lễ, tết đều cần dùng đến cờ nên người dân làng Từ Vân quanh năm không hết việc. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thu nhập của chúng tôi cũng có đôi chút ảnh hưởng. May mắn thay giờ mọi thứ đã ổn định trở lại nên các đơn hàng được đổ về nhiều hơn bao giờ hết" - chị Nhung phấn khởi kể.

Cũng theo chị Nhung, trước đây, làm cờ rất mất nhiều thời gian, từ khâu đo vải, vẽ ngôi sao bằng phấn rồi cẩn thận cắt tay từng chi tiết, để hoàn thiện 1 lá cờ có khi mất cả buổi sáng, đây cũng là lý do nhiều họ gia đình bỏ nghề.

Quốc khánh 2/9: Thăm làng nghề truyền thống chuyên may cờ Tổ quốc - Ảnh 9.

Một sản phẩm cờ thêu tay thủ công khi hoàn thành.

Trước đây, việc may cờ chủ yếu làm thủ công bằng tay nên tốn thời gian, cần nhiều nhân công. Hiện nay, các hộ sản xuất quy mô lớn tại Từ Vân đều trang bị máy móc hiện đại, lập trình tự động trên máy tính nên độ chính xác cao, tốc độ cắt vải nhanh mà chi tiết lại sắc nét, đẹp hơn.

Quốc khánh 2/9: Thăm làng nghề truyền thống chuyên may cờ Tổ quốc - Ảnh 10.
Quốc khánh 2/9: Thăm làng nghề truyền thống chuyên may cờ Tổ quốc - Ảnh 11.

Hình ảnh máy cắt la-de tự động hiện đại, cho những đường cắt chính xác và tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với cắt thủ công bằng kéo.

Quốc khánh 2/9: Thăm làng nghề truyền thống chuyên may cờ Tổ quốc - Ảnh 12.
Quốc khánh 2/9: Thăm làng nghề truyền thống chuyên may cờ Tổ quốc - Ảnh 13.
Quốc khánh 2/9: Thăm làng nghề truyền thống chuyên may cờ Tổ quốc - Ảnh 14.

Do nhu cầu của người tiêu dùng tăng vọt vào ngày lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới 5/9 nên công việc lại tất bật hơn bao giờ hết.

Niềm vui của những người thêu cờ như gia đình chị Nhung ở làng nghề Từ Vân không chỉ là sản phẩm chất lượng đến được với khách hàng, mà còn được đón nhận và treo ở những nơi trang trọng, để niềm tự hào dân tộc được nhân lên bội phần: "Thêu được lá cờ chúng tôi cũng rất tự hào, bởi đây là công việc gắn bó với chúng tôi suốt cả một cuộc đời. Những lá cờ được treo ở những nơi linh thiêng, trang trọng càng khiến chúng tôi yêu nghề, thêm tâm huyết với nghề, theo đuổi nghề đến suốt đời".

Trải qua biết bao biến cố, thăng trầm, cho đến nay nghề thêu và may cờ Tổ quốc ở thôn Từ Vân vẫn được duy trì. Khó khăn, vất vả là vậy song những lá cờ được làm ra từ bàn tay tài hoa, cần mẫn của những người thợ Từ Vân vẫn bền bỉ, óng đẹp theo thời gian, tung bay trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đó là niềm tự hào và cũng chính là niềm tin nghề may cờ Tổ quốc của làng Từ Vân sẽ tồn tại mãi với thời gian.

Theo Thảo Vân - Ảnh: Phương Thảo - Design: Thủy Tiên

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên