MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc tế đánh giá cao cách thức Việt Nam mở ra nhiều cơ hội đầu tư mới

Chia sẻ về kết quả chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới của Thủ tướng Chính phủ vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao cách thức nước ta vượt qua giai đoạn khó khăn, mở ra nhiều cơ hội mới cho kinh tế Việt Nam và các nhà đầu tư.

Quốc tế đánh giá cao cách thức Việt Nam mở ra nhiều cơ hội đầu tư mới - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Thương mại và đầu tư Việt Nam – Trung Quốc còn nhiều dư địa và tiềm năng

Theo nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chuyến công tác lần này có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới đang có những thay đổi hết sức to lớn, tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội.

"Đây là dịp để nước ta chia sẻ với quốc tế về tình hình của Việt Nam. Thủ tướng đã có bài trình bày rất xuất sắc, gây ấn tượng mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, các nước đánh giá rất cao cách thức ta vượt qua giai đoạn khó khăn, mở ra nhiều cơ hội mới cho kinh tế Việt Nam nói chung và cho các nhà đầu tư nói riêng", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Tại các cuộc tiếp xúc trong khuôn khổ chuyến công tác, Thủ tướng đã gặp nhiều nhà đầu tư lớn của quốc tế, chia sẻ về môi trường đầu tư, chủ trương, thông điệp của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ. Theo đó, khẳng định tiếp tục thu hút đầu tư mạnh mẽ, nhất là điều chỉnh nền kinh tế Việt Nam theo hướng công nghệ cao, năng lượng sạch, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Xu hướng chúng ta đang chuyển dịch được bạn bè quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, đánh giá cao, hứa hẹn nhiều nội hàm có thể cùng nhau hợp tác trong thời gian tới.

Còn đối với Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, hai bên đều khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược, là láng giềng thân thiết, là đồng chí, là anh em của nhau.

Đặc biệt, cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường cũng khẳng định Trung Quốc coi trọng quan hệ với Việt Nam và đánh giá Việt Nam đang có bước phát triển hết sức năng động, có môi trường đầu tư rất tốt, quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước còn rất nhiều dư địa và tiềm năng.

Về thương mại, Thủ tướng Lý Cường khẳng định Trung Quốc sẵn sàng mở cửa cho hàng hóa Việt Nam tham gia thị trường, đặc biệt là các sản phẩm nông sản, hoa quả chất lượng cao và sẵn sàng phối hợp với Việt Nam trong công tác kiểm dịch, thông quan một cách thuận lợi; tạo mọi điều kiện để thúc đẩy cho hàng hóa Việt Nam tham gia thị trường Trung Quốc.

Trong chuyến thăm vừa qua, Bộ Công Thương của Việt Nam và Bộ Thương mại của Trung Quốc cùng với cơ quan liên quan triển khai hết sức tích cực các chỉ đạo của Thủ tướng hai nước về tăng cường thương mại.

Đối với đầu tư, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng cho rằng Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư và khuyến khích các nhà đầu tư lớn của Trung Quốc có công nghệ cao đầu tư hoặc mở rộng đầu tư theo chủ trương, chiến lược của Việt Nam.

Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định thông điệp của Việt Nam là khuyến khích, tạo mọi điều để doanh nghiệp Trung Quốc vào làm ăn trên tinh thần "cùng thắng, cùng có lợi".

"Thủ tướng gửi thông điệp tới các doanh nghiệp Trung Quốc là đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT thông tin thêm.

Quốc tế đánh giá cao cách thức Việt Nam mở ra nhiều cơ hội đầu tư mới - Ảnh 2.

Ông Mirek Dusek, Giám đốc Điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới. Ảnh: VGP

Hai trục để kinh tế toàn cầu "mở khóa" tăng trưởng

Ông Mirek Dusek, Giám đốc Điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho biết đã dự nhiều cuộc họp với Thủ tướng Phạm Minh Chính trên nền tảng số và bày tỏ vui mừng khi lần đầu tiên được đón tiếp, làm việc trực tiếp với Thủ tướng Phạm Minh Chính qua chuyến công tác tại Thiên Tân, Trung Quốc.

Trong chuyến công tác, Thủ tướng đã tham gia Diễn đàn kinh tế thế giới quy tụ các nhà lãnh đạo toàn cầu và vào thời điểm quan trọng đối với nền kinh tế thế giới để họp bàn về các vấn đề hệ trọng nổi lên gần đây.

Theo Giám đốc Điều hành WEF, tăng trưởng kinh tế năm nay được dự báo ở ngưỡng 2,8% - mức thấp trong lịch sử, 70% tăng trưởng toàn cầu năm nay sẽ đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc mở cửa trở lại nền kinh tế ở châu Á đóng một vai trò rất lớn trong bức tranh tăng trưởng trong năm nay. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chương trình làm việc dày đặc và vô cùng quan trọng, trong đó có cuộc gặp rất thành công với Giám đốc điều hành của các công ty toàn cầu, đưa ra những thông tin cập nhật về kinh tế Việt Nam, kế hoạch cho tăng trưởng thời gian tới. Đây là điều mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư toàn cầu quan tâm thời điểm này.

"Chúng tôi cũng rất vui mừng được ký kết một thỏa thuận khung toàn diện mới giữa các nhà lãnh đạo thế giới, WEF và Việt Nam để hợp tác chặt chẽ với nhau hơn nữa trong các vấn đề như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ và nhiều khía cạnh khác của nền kinh tế. Sự hợp tác này về tổng thể sẽ có tác động rất lớn", ông Mirek Dusek chia sẻ.

Cho rằng Việt Nam nằm trong số các nền kinh tế trên thế giới ghi nhận tăng trưởng tích cực trong năm nay, Giám đốc Điều hành WEF nhận định Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là sự kỳ vọng vào quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi xanh. Đây cũng là trọng tâm của cuộc họp tại WEF vừa qua để bàn về phương pháp "mở khóa cho tăng trưởng mới" thông qua một thế hệ doanh nhân mới xung quanh hai trục (chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi xanh).

"Có thể thấy rõ xu hướng phát triển trên toàn cầu theo hai trục này và tất nhiên chúng ta cần phải tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng như hiện nay. Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn", ông Mirek Dusek nhấn mạnh.

Cũng theo WEF, trong thập kỷ tới đây, ước tính 70% giá trị của nền kinh tế toàn cầu đến từ mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng kỹ thuật số, vì vậy, nền kinh tế kỹ thuật số thực sự sẽ góp phần quan trọng vào tăng trưởng. Đồng thời, việc xây dựng nền kinh tế năng lượng sạch sẽ giúp mọi nền kinh tế đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Theo Minh Ngọc

VGP

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên