Quốc tế đánh giá cao nỗ lực kiềm chế lạm phát của Việt Nam
Các tổ chức quốc tế đã có nhiều báo cáo đánh giá cao nỗ lực kiềm chế lạm phát năm nay của Việt Nam nằm trong ngưỡng mục tiêu kiểm soát lạm phát là 4%.
- 05-06-2022Giảm thiệt hại từ đứt gẫy chuỗi cung ứng
- 05-06-2022Tỉnh có cảng container thuộc top 11 tốt nhất thế giới có gì đặc biệt?
- 04-06-2022Địa phương dẫn đầu tăng trưởng phấn đấu GRDP bình quân 29.900 USD
Trong báo cáo với nhan đề "Việt Nam: Phục hồi mạnh mẽ giữa những sóng gió bên ngoài", Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đánh giá lạm phát của Việt Nam dự kiến vẫn được kiềm chế dưới 3,5% trong năm nay. AMRO nhận định có được điều này là nhờ kế hoạch sử dụng quỹ bình ổn giá dầu và điều hành giá để bù đắp cho áp lực phát sinh từ những diễn biến về giá năng lượng trên toàn cầu.
Còn trong báo cáo "Vietnam at a glance" tháng 5, Ngân hàng HSBC nhận định, áp lực lạm phát của Việt Nam hiện duy trì ở mức thấp trong khu vực ASEAN.
Với nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi và giá hàng hóa thế giới có xu hướng tăng, HSBC dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ ở mức 3,7% trong năm nay. Báo cáo nhận định áp lực giá nhiều khả năng vẫn sẽ nằm dưới mức trần lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng HSBC nhận định, áp lực lạm phát của Việt Nam hiện duy trì ở mức thấp trong khu vực ASEAN. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc kiểm soát lạm phát trong năm nay, như đã giảm kịp thời thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Bên cạnh đó, nỗ lực đảm bảo nguồn cung trong nước dồi dào và kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu đã giảm thiểu áp lực lạm phát", ông Brian Lee Shun Rong, Nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô, Ngân hàng đầu tư Maybank, Singapore, đánh giá.
Giá dầu tăng cao đang tiếp tục thúc đẩy nhu cầu chuyển đổi năng lượng sạch. Việt Nam có thể đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 có thể giúp Việt Nam không phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu. An ninh năng lượng dài hạn sẽ được cải thiện. Đây là kết luận của Cơ quan Năng lượng Đan Mạch trong Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2021 vừa được công bố.
"Tôi nghĩ đây là một cơ hội cho Việt Nam và tôi hi vọng chúng ta có thể nắm bắt cơ hội này. Châu Âu đã tiến hành quá trình chuyển đổi xanh từ khoảng 20 năm nay. Vì vậy, tôi tin tưởng chúng tôi có thể đem đến những giải pháp tốt cho Việt Nam, cùng hợp tác, chuyển giao công nghệ và cung cấp tài chính", ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nhận định.
Bản báo cáo cũng cho biết, việc giảm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm được 42 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050.
VTV