Quỹ bình ổn xăng dầu âm 240 tỷ đồng, nguyên Chủ tịch Petrolimex cho rằng "điều này chưa bao giờ xảy ra trước đây"
Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải vay ngân hàng để gánh cho người tiêu dùng.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2019 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), nguyên chủ tịch HĐQT tập đoàn kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam ông Bùi Ngọc Bảo đã nêu ra thực trạng lạm chi quỹ bình ổn xăng dầu.
Theo thống kê tại thời điểm 17/4/2019, quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) hình thành tại Petrolimex âm 240 tỷ đồng. Theo báo cáo định kỳ riêng tháng 3, quỹ BOG của PLX trích lập 190 tỷ cho quỹ bình ổn xăng dầu nhưng phải chi ra hơn 1.300 tỷ. Theo ông Bảo điều này các năm trước chưa bao giờ xảy ra và đây là điều hết sức quan ngại về lạm chi quỹ bình ổn.
"Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải vay ngân hàng để gánh cho người tiêu dùng. Với sản lượng của tập đoàn đang kinh doanh hàng tháng, 1 tháng chúng ta chỉ thu được quỹ bình ổn khoảng 240 tỷ, nếu âm quỹ bình ổn khoảng 400 tỷ như vậy nếu tiếp tục chi sẽ bội chi về quỹ bình ổn đây là rủi ro cực kì lớn cho doanh nghiệp".
Ông Bảo cho rằng nếu không có cơ chế và chính sách của ngân hàng khi các khoản vay không có khả năng hoàn lại các ngân hàng sẽ dừng cho vay. Do đó ông Bảo góp ý với ban lãnh đạo Petrolimex nên kiến nghị kịp thời với cơ quan quản lý nhà nước về việc sử dụng quỹ bình ổn.
Cũng tại đại hội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao kết quả hoạt động kinh doanh của Petrolimex, 4 năm liền PLX đạt và vượt kế hoạch đề ra. Thứ trưởng nhấn mạnh mặt hàng xăng dầu tác động đến đời sống nhân dân nên điều hành xăng dầu phải hài hoà lợi ích giữa người dân, quản lý Nhà nước của Chính phủ (kiềm chế lạm phát trong bối cảnh giá điện tăng), các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mà PLX chỉ là 1 trong 28 đầu mối.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá cao vai trò đầu tàu dẫn dắt của Petrolimex trong thị trường xăng dầu Việt Nam. Bản thân PLX là doanh nghiệp đóng vai trò tham mưu và thực hiện các chính sách của Chính phủ đối với lĩnh vực xăng dầu và đời sống người dân.
Thứ trưởng Hải cũng tiết lộ thời gian qua nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn gặp sự cố phát điện từ 24/2 đến 28/3 mới hoạt động lại bình thường. Nghi Sơn và Bình Sơn đã đáp ứng được 75% nhu cầu trong nước riêng Nghi Sơn cung cấp 39-40% thị phần toàn quốc. Trong hơn 1 tháng Nghi Sơn bị sự cố Petrolimex tại thời điểm đó theo chỉ đạo đã nhập xăng dầu về không những đáp ứng cho 46% thị phần của riêng tập đoàn mà còn có trách nhiệm cung cấp cho các đầu mối khác, thể hiện vai trò của PLX hỗ trợ chính sách của Đảng và Nhà nước.
Cũng tại Đại hội, ông Bùi Ngọc Bảo cũng đóng góp ý kiến cho rằng Petrolimex nên trả cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu vì hiện tại tập đoàn cũng đang cần nguồn vốn để triển khai các dự án lớn. Ông Bảo thống kê sau 7 năm cổ phần hoá Petrolimex đã chi 13.000 tỷ trả cổ tức cho các cổ đông với tỷ lệ bình quân trong 7 năm qua là 16,6%. Như vậy các cổ đông mua cổ phiếu PLX tại thời điểm cổ phần hoá giá trị cổ phiếu tăng gấp 6 lần, chưa kể cổ phiếu quỹ đang nắm giữ tại Tập đoàn khoảng 123 triệu cổ phiếu nếu PLX bán ra sẽ mang về thặng dư đâu đó khoảng 7.000 tỷ đồng.
Trí Thức Trẻ