Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc: Mỗi năm Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 40.800 trẻ sơ sinh gái
Các bằng chứng cho thấy rằng, nguyên nhân dẫn tới mất cân bằng nhân khẩu học là tình trạng lựa chọn giới tính trước khi sinh, tức là bỏ thai khi thai nhi được xác định là con gái hoặc nuôi cấy phôi trước để xác định giới tính và lựa chọn được giới tính.
Tại Lễ công bố Báo cáo Tình trạng dân số thế giới 2020 với chủ đề: "Trái với ý muốn của tôi - Xóa bỏ các thực hành có hại gây ảnh hưởng tới phụ nữ và trẻ em gái và gia tăng bất bình đẳng", bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc UNFPA phát biểu: "Định kiến giới, tư tưởng thích con trai vẫn còn tồn tại ở Việt Nam. Rõ ràng, đây là sản phẩm của một hệ thống tư tưởng luôn đặt nam giới và trẻ em trai ở địa vị cao hơn phụ nữ và trẻ em gái. Việc lựa chọn giới tính thai nhi dựa trên cơ sở định kiến giới có thể được đo lường trực tiếp thông qua tỷ số giới tính khi sinh. Tỷ số này ở Việt Nam đang thể hiện tình trạng rất mất cân bằng".
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam năm 2004. Từ năm 2005, tỷ số này đã gia tăng nhanh chóng và đến năm 2019 đã chạm ngưỡng 111,5 bé trai/100 bé gái, theo báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Con số này cao hơn rất nhiều so với mức bình thường, tức là giao động ở 105-106 bé trai/100 bé gái.
Các bằng chứng cho thấy rằng, nguyên nhân dẫn tới mất cân bằng nhân khẩu học là tình trạng lựa chọn giới tính trước khi sinh, tức là bỏ thai khi thai nhi được xác định là con gái hoặc nuôi cấy phôi trước để xác định giới tính và lựa chọn được giới tính.
Vì vấn đề này, ước tính mỗi năm, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 40.800 trẻ sơ sinh gái. Tức là mỗi năm sẽ có 40.800 bé gái tại Việt Nam không có cơ hội chào đời chỉ vì các em được xác định là trẻ em gái.
"Cần phải thay đổi thực trạng này ngay lập tức" - bà Naomi nhấn mạnh.
"Việt Nam luôn coi bình đẳng giới vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho phát triển bền vững. Nhận thức của người dân và lãnh đạo về nguyên tắc bình đẳng giới ngày càng được nâng cao. Điều này thể hiện qua tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội của Việt Nam trong nhiệm kỳ hiện tại là 26,8%, cao hơn mức trung bình thế giới là 25%, trong khu vực là 23%"- ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội cho biết.
Lao động nữ chiếm khoảng 48-48,5% việc làm mới hằng năm. Tỷ lệ nữ biết chữ ở độ tuổi 15-60 là trên 97%, trong đó nữ giới ở vùng dân tộc thiểu số là 92,8%.
Tuy vậy, ông Tiến cũng khẳng định rằng, do chịu ảnh hưởng nặng nề của quan niệm Nho giáo, nên quan niệm bất bình đẳng giới còn tồn tại nhiều. Chúng xuất phát từ những chuẩn mực xã hội phổ biến trong việc trọng nam hơn nữ, "sính" con trai hơn con gái.