MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy định diện tích nhà ở tối thiểu được đăng ký thường trú tại Hà Nội: Cần tính toán hợp lý

29-03-2023 - 06:23 AM | Bất động sản

Quy định diện tích nhà ở tối thiểu được đăng ký thường trú tại Hà Nội: Cần tính toán hợp lý

Hơn 3 tháng sau khi xin lùi thời gian thông qua dự thảo lần một, hiện Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến lần hai dự thảo Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ. Song vấn đề này đang gặp nhiều ý kiến trái chiều.

Quy định diện tích nhà ở tối thiểu được đăng ký thường trú tại Hà Nội: Cần tính toán hợp lý - Ảnh 1.

Nhiều người dân cho rằng, diện tích quy định để đăng ký thường trú chưa hợp lý. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều ý kiến băn khoăn

Theo dự thảo mới này thì người đi thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký thường trú tại nội thành (12 quận) phải có diện tích ở tối thiểu 15m2 sàn/người, giảm 5m2 so với dự thảo lần một; khu vực ngoại thành (17 huyện và thị xã Sơn Tây) là 8m2 sàn/người.

Hà Nội kỳ vọng thông qua nghị quyết này sẽ góp phần ổn định an ninh trật tự, đảm bảo đời sống an sinh xã hội của người dân. Tuy nhiên, vấn đề trên đang có những ý kiến trái chiều với lập luận, diện tích quy định để đăng ký thường trú đang quá cao, nhất là đối với hộ gia đình người trẻ có thu nhập thấp thì khó đáp ứng được yêu cầu này khi đi thuê nhà.

Anh Phạm Đông (28 tuổi, quê Nghệ An) tỏ ý băn khoăn khi Hà Nội dự kiến quy định diện tích tối thiểu ở nội thành là 15m2 sàn/người. Anh Đông cho biết, hiện hai vợ chồng anh đang thuê nhà ở quận Thanh Xuân, ngôi nhà có diện tích 27m2. “Nếu trước kia một mình tôi thì đủ điều kiện nhưng bây giờ đã có vợ. Tính ra theo quy định trên thì 2 vợ chồng phải đáp ứng 30m2. Như vậy là mức 30m2 sàn thì gia đình tôi không đủ điều kiện. Nếu sau này sinh con thì phải 45m2. Do đó tôi rất băn khoăn trước quy định của dự thảo”- anh Đông bày tỏ.

Cùng chung cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Minh Hằng (34 tuổi) có chồng và 1 con gái 5 tuổi. Là người Hà Nội nhưng sau khi lấy chồng, chị và chồng con ra ngoài ở riêng. Chị Hằng băn khoăn, như nhà tôi hiện nay nếu theo quy định thì phải đáp ứng 45m2. Với mức thu nhập 2 vợ chồng khoảng 15 triệu đồng/tháng thì chỉ thuê được căn hộ 30m2. “Bây giờ tiêu chuẩn của 3 người cần 45m2 thì không đủ điều kiện, trong khi phải đáp ứng yêu cầu mới được đăng ký thường trú. Nếu thuê căn nhà rộng hơn, từ 45m2 trở lên thì giá phải 5 triệu đồng/tháng. Như vậy chúng tôi không gồng nổi chi phí” - chị Hằng cho biết.

Ở một góc nhìn khác, anh Nguyễn Trung Hiếu (27 tuổi) hiện đang thuê nhà ở Kim Giang, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì lại bày tỏ quan điểm đồng tình với mức dự thảo quy định là 8m2 sàn/người do ở khu vực ngoại thành. “Gia đình tôi có 2 vợ chồng và 1 con trai 4 tuổi. Nếu theo quy định trên thì 3 người trong gia đình là 24m2 như vậy không phải là quá cao và có thể đáp ứng được khi giá nhà thuê ở khu vực ngoại thành không cao như nội thành”-anh Hiếu cho hay.

Cần có lộ trình cụ thể

Ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý về bất động sản cho rằng, quy định diện tích thuê tối thiểu ở nội thành phải đảm bảo 15m2 sàn/người là cao. Do có một lượng người lao động từ nông thôn ra Hà Nội có mức thu nhập thấp, lao động kiếm sống hàng ngày. Nếu một hộ gia đình có 4 người thì căn nhà thuê phải tối thiểu 60 m2 mới đáp ứng điều kiện cần về đăng ký thường trú. Đây là điều nhiều gia đình không đáp ứng nổi chi phí thuê nhà với diện tích này. Do đó cần xem xét diện tích 15m2 sàn/người ở nội thành có quá cao hay không? Và cần có lộ trình áp dụng, có thể trước mắt áp dụng mức 10m2 sàn/người, sau đó nâng dần lên qua các năm để người dân có sự chuẩn bị.

Phân tích thêm, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cần phải xem mục tiêu phát triển của TP Hà Nội là như thế nào, từ đó mới đưa ra được chính sách phù hợp. Ví dụ đề ra đến năm 2025 phải đạt 31m2 sàn/ người. Tính ra đó là những người có nhà và sống lâu dài ở Hà Nội mà không làm áp lực về giao thông và gia tăng dân số. Thế nhưng đó chỉ là cách tiếp cận nhìn từ một phía. Chúng ta cần phải tiếp cận từ nhiều phía khác nữa.

Ông Nghiêm phân tích, Hà Nội có nội đô lịch sử, nhưng nội đô mở rộng từ khu vực Sông Nhuệ đổ ra ngoài thì cần tăng dân số ở các khu đô thị vệ tinh này và cần phải có chỉ tiêu, nhưng không thể đổ đầu cho toàn thành phố. Cho nên cần nghiên cứu để sao cho thích hợp với từng khu vực của Hà Nội. Có như vậy mới vừa phát triển kinh tế, vừa giảm áp lực.

Theo ông Nghiêm, ngay trong 12 quận nội thành thì cũng có nội đô lịch sử và nội đô mở rộng. Nội đô lịch sử chỉ có 4 quận. “Hiện 4 quận này dân số đang tăng, khả năng chỉ chứa được 80 vạn dân thế nhưng hiện dân số đã là 1,3 triệu người. Vậy thì phải có giải pháp xử lý giữa nội đô lịch sử với nội đô mở rộng. Cho nên phải phân ra theo khu vực chứ không phải bình quân được”-ông Nghiêm nói.

Còn ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, nếu áp dụng ngay quy định trên sẽ ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, đặc biệt là người đi thuê và những người cho thuê nhà. Do đó, việc áp dụng cần có lộ trình cụ thể.

Theo dự thảo mới, người đi thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký thường trú tại 12 quận phải có diện tích ở tối thiểu 15 m2, giảm 5 m2 so với dự thảo lần một; khu vực ngoại thành là 8 m2 (17 huyện và thị xã Sơn Tây). Diện tích nhà ở tối thiểu tính theo mét vuông sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ.

V.Thắng

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên