Quy định đỗ xe ô tô ngày chẵn, lẻ: Hà Nội đang đối phó tình huống
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ của Hà Nội chỉ là giải pháp tạm thời, khó triển khai diện rộng trong tình hình giao thông hiện nay..
- 07-06-2017Hà Nội có thêm tuyến phố đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ
- 05-01-2017Đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ trên phố Dã Tượng: Xử lý nghiêm xe vi phạm
- 07-12-2016Hà Nội chính thức thí điểm đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ trên phố Dã Tượng
- 03-11-2016Hà Nội: đề xuất thí điểm dừng, đỗ xe ô tô theo ngày chẵn, lẻ
- 17-02-2012TPHCM lại đề xuất cấm xe theo ngày chẵn, lẻ
Ý tưởng "đi vòng"
Sau nửa năm thí điểm tại phố Dã Tượng (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) từ tháng 12/2016, mới đây, Sở GTVT Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục triển khai mô hình đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ trên một số tuyến phố khác của Thủ đô.
Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục triển khai đỗ xe ô tô theo ngày chẵn, lẻ trên tuyến phố Thi Sách (quận Hai Bà Trưng) kể từ ngày 13/6.
Theo đó, các điểm trông giữ ô tô theo cách thức ngày chẵn được đỗ xe ở lề đường số nhà chẵn, ngày lẻ bên lề đường số nhà lẻ. Các cơ quan hữu quan khi kẻ vẽ sơn phải trừ chừa các cổng cửa cơ quan, ngõ đi chung, lối hạ hè lên xuống, trụ cứu hỏa, điểm dừng xe buýt, cách các đầu nút giao thông... theo quy định.
Để thực hiện công việc này, Sở GTVT tiến hành thu hồi giấy sử dụng tạm thời đường phố để trông giữ ôtô cấp cho Công ty TNHH Một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội được sử dụng tạm thời lòng đường trên tuyến phố này. Thời gian thực hiện xong trước ngày 12/6.
Có thể nói, câu chuyện giao thông ở Hà Nội luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Bởi bất kì một quy định nào của UBND TP Hà Nội ban hành ra đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại của hàng triệu con người.
Câu chuyện quy định đỗ xe ô tô theo ngày chẵn, ngày lẻ hiện nay lại làm nhiều người liên tưởng đến câu chuyện của 15 năm trước, khi vào năm 2002, cũng chính Sở Giao thông công chính Hà Nội khi đó kiến nghị UBND TP Hà Nội quy định người dân đi xe máy theo tiêu chí “biển số chẵn đi ngày chẵn, biển số lẻ đi ngày lẻ” và đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều khi đó.
Cuối cùng, ý tưởng trên đã phá sản. TP Hà Nội sau nhiều lần cân nhắc cho rằng ý tưởng trên thiếu tính khả thi. Còn nếu áp dụng thì sẽ gây ra những “xáo trộn” trong đời sống sinh hoạt của hàng triệu người dân Thủ đô.
Trên thực tế, sau một thời gian dài các phương tiện giao thông cá nhân ở Thủ đô Hà Nội như “trăm hoa đua nở” (cả xe máy, xe ô tô), gây ách tắc giao thông nghiêm trọng, các cơ quan quản lý, như đã thành lệ, lại “chạy theo” để giải quyết hậu quả. Không có chỗ đỗ xe, thành phố lại “chữa cháy” bằng việc cho xe đỗ ở lòng đường, hè phố.
Và lần này “sáng tạo” hơn, đó là đỗ xe ở lòng đường, vỉa hè theo tiêu chí “ngày chẵn đỗ số nhà chẵn, ngày lẻ đỗ xe số nhà lẻ”.
Kéo dài được bao lâu?
Dư luận đang đặt câu hỏi, việc thí điểm mô hình đỗ xe ô tô trên các tuyến phố theo tiêu chí “ngày chẵn, ngày lẻ” của TP Hà Nội như vừa qua sẽ kéo dài được bao lâu, khi mà số lượng phương tiện giao thông cá nhân, cụ thể là ô tô vẫn tăng lên qua các năm, trong khi các bãi đỗ xe ở Hà Nội thì không tăng theo tỉ lệ thuận và quỹ đất dành cho việc xây dựng các bãi đỗ xe mới cũng đã gần như “cạn kiệt”?
Thêm vào đó, dù chỉ mới nửa năm làm thí điểm, song mô hình đỗ xe ô tô theo “ngày chẵn, ngày lẻ” của Hà Nội cũng đã nảy sinh nhiều bất cập.
Điều dễ nhận thấy là các hộ kinh doanh và buôn bán lấn chiếm vỉa hè vẫn thường xuyên “đẩy” người đi bộ xuống lòng đường. Thậm chí, ban ngày các chủ xe chấp hành nghiêm nhưng nhiều tài xế vi phạm vào buổi tối.
Tình trạng đỗ xe dưới lòng đường chẵn lẻ này còn có nhiều tài xế vi phạm nhất là buổi tối khi vắng bóng nhân viên thu vé trông giữ xe hay việc xử lý của các cơ quan chức năng.
Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, quy định đỗ xe chẵn - lẻ theo ngày là nhằm “bảo đảm sự công bằng” về nhu cầu dừng đỗ xe, trông giữ xe của các cơ quan, tổ chức cũng như “công bằng với người dân” ở 2 bên tuyến đường. Nguyên tắc lựa chọn là các tuyến phố giao thông 2 chiều, không có dải phân cách giữa, đủ điều kiện về hạ tầng giao thông và có sự phù hợp tương đối của 2 bên mặt phố.
Tuy nhiên, trong sự “công bằng” mà Sở GTVT đề cập thì lại nảy sinh những bất cập với ngay chính người dân.
Một hộ dân kinh doanh trên phố Dã Tượng (Q.Hoàn Kiếm) cho biết: “Tôi chỉ bán hàng tạp hóa, mấy thứ lặt vặt thôi. Bình thường thì đây là phố nhỏ, đã ít khách. Giờ lại có thêm xe ô tô đỗ trước cửa, thành ra cũng chẳng buôn bán gì được. Nói thì tài xế ô tô bảo là họ đỗ đúng theo quy định, vạch vẽ đến đâu họ đỗ xe đến đấy”.
Cần quy hoạch dài hạn
Số liệu thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, hiện nay diện tích đất dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng của Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 8-10% nhu cầu đỗ xe. Còn lại 90 - 92% số xe hiện đang đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, công sở, lòng đường, vỉa hè, ngõ cụt, sân trường, bệnh viện và các khu đất trống của các dự án...
Điều đáng nói là trong khi quỹ đất dành cho giao thông tĩnh ở Hà Nội rất thiếu, thành phố phải bố trí điểm đỗ cho phương tiện trên lòng đường các tuyến phố, thì nhiều dự án xây dựng bãi đỗ xe lại bị “biến tướng”, bị sử dụng sai mục đích, biến thành nơi kinh doanh nhà hàng, quán ăn...
Những hiện tượng trên việc xảy ra nhiều năm ngay giữa trung tâm thành phố, nhưng các vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại. Ở đây, bên cạnh việc chính quyền địa phương chưa làm tròn trách nhiệm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng, còn cho thấy nhiều kẽ hở trong công tác cấp phép đầu tư.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Gia Hảo, nguyên thành viên Tổ tư vấn Chính phủ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng trong quy hoạch và giải quyết vấn đề giao thông hiện nay, Hà Nội cần có cái nhìn dài hạn hơn thay vì thực hiện những giải pháp chỉ mang tính tạm thời.
“Với các cam kết giảm thuế theo các hiệp định tự do thương mại (FTAs) ký với nước ngoài, thuế nhập khẩu giảm kéo theo giá xe sẽ giảm, sẽ có nhiều người dân có khả năng tài chính để mua xe ô tô. Do vậy, số lượng xe ô tô ở Hà Nội chắc chắn sẽ tăng. Đến lúc đó, liệu lòng đường, vỉa hè hiện nay của Hà Nội có đáp ứng được vai trò là “bãi đỗ” cho xe ô tô?”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Gia Hảo đặt câu hỏi.
Ông Hảo cho rằng, điều quan trọng là bài toán quy hoạch đô thị cần phải được thực hiện khoa học, nghiêm túc. Như hiện nay, không hiểu vì lý do gì mà trong nội đô co cụm quá nhiều nhà chung cư cao tầng, trong khi hạ tầng giao thông phát triển với tốc độ “rùa bò”.
Vì cái chung, thành phố hãy dừng ngay việc cấp phép các dự án xây dựng nhà cao tầng trong nội đô; kiên quyết di dời dân ở những khu nhà xuống cấp, nhà ổ chuột ra ngoại thành; xử lý dứt điểm những công trình xây dựng trái phép…
Ngoài ra, TP Hà Nội cũng nên kiềm chế tăng lượng xe ô tô lưu thông và tính đến tăng các khoản thu thuế và phí khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, lấy tiền đó đóng góp cho xây dựng hạ tầng thành phố.
VTC News