MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy định mới về NK ôtô: Tăng quản lý mà không hạn chế quyền kinh doanh

Bằng những hàng rào kỹ thuật mới dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2017, lĩnh vực nhập khẩu ôtô được kỳ vọng sẽ có sự quản lý tốt hơn mà không hạn chế quyền kinh doanh của người nhập khẩu cũng như đảm bảo tính phù hợp với thông lệ quốc tế.

Để có cái nhìn tổng quát về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tô An – Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới – Cục Đăng kiểm Việt Nam là cơ quan được Bộ GTVT giao nhiệm vụ xây dựng Thông tư quy định việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (thay thế Thông tư 31/2011/TT-BGTVT và 55/2014/TT-BGTVT) và một đại diện của DN nhập khẩu ôtô.

Ông Nguyễn Tô An, Cục ĐKVN: Hiện tại, việc kiểm soát chất lượng đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đang được thực hiện theo trình tự, các tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng và phương thức chứng nhận phù hợp với thông lệ quốc tế ở các nước đang áp dụng theo hệ tiêu chuẩn Châu Âu.

Mục tiêu xây dựng Thông tư về xe nhập khẩu là phải đáp ứng được là hàng rào kỹ thuật trong kiểm soát chất lượng xe nhập khẩu đồng thời tiệm cận với phương thức quản lý xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Trong quá trình xây dựng, Bộ GTVT và Cục ĐKVN đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân có liên quan và có sự tham gia của các cơ quan thông tấn báo chí đổng thời tiến hành lấy ý kiến rộng rãi trong toàn xã hội. Thông qua quá trình lấy ý kiến, Cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu các ý kiến để tiếp thu vào dự thảo một cách khách quan, khoa học nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quá trình quy định đi vào cuộc sống.

Cho đến nay, dự thảo Thông tư đã nhận được sự đồng thuận cao từ cộng đồng DN nhập khẩu, đặc biệt là Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam – VAMA (chiếm thị phần lớn về xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp). Bên cạnh đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI cũng có đánh giá cao về tính minh bạch, mức độ cải cách thủ tục hành chính và quan trọng nhất là không đưa các tiêu chí để hạn chế điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện tại, Cơ quan soạn thảo đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để sớm trình Bộ GTVT để ban hành.

Ông Nguyễn Đình Quyết, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Hà: Chúng tôi chưa bao giờ thấy quá trình xây dựng một thông tư lại “cầu kỳ” như Thông tư này. Với 04 lần tổ chức hội thảo lấy ý kiến thì Bộ GTVT hoặc Cục ĐKVN đều mời chúng tôi tham dự. Sau mỗi lần hội thảo, chúng tôi đều nhận ra dự thảo đã được tiếp thu một cách nghiêm túc.

Với dự thảo như hiện tại, là người trong cuộc, chúng tôi đánh giá TT này có những điểm vượt trội so với quy định cũ như ở Phụ lục III, chúng tôi chỉ cần xem loại xe mà mình sẽ nhập khẩu là đối tượng nào sẽ xác định ngay được những giấy tờ cần cung cấp cho Cơ quan kiểm tra. Đây sẽ là cơ sở cần thiết để chúng tôi đưa vào hợp đồng nhằm yêu cầu nước ngoài cung cấp.

Tôi cũng cho rằng, người tiêu dùng sẽ hưởng lợi từ TT này khi các quy định tạo ra được một “sân chơi” bình đẳng trong lĩnh vực nhập khẩu ô tô giưa các doanh nghiệp. Căn cứ vào năng lực, điều kiện cụ thể của mình, người nhập khẩu hoàn toàn có thể lựa chọn được loại xe cụ thể để nhập khẩu và kinh doanh. Như vậy, người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn khi quyết định mua xe và chắc chắn giá xe sẽ phù hợp hơn khi “thế độc quyền” của các nhà nhập khẩu chính hãng bị phá vỡ.

Tuy nhiên, là đơn vị chuyên về nhập khẩu xe nên chúng tôi cũng thấy có khó khăn khi nhập khẩu loại xe thuộc Phương thức 4 (xe chưa được chứng nhận ở nước ngoài). Ở phương thức này, việc chứng nhận chất lượng sẽ giống với xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Khi đó sẽ bao gồm cả việc lập hồ sơ thiết kế, thử nghiệm xe và linh kiện. Đây là những nội dung mới và người nhập khẩu phải đầu tư thật sự bài bản mới có thể triển khai được. Nếu nhập khẩu với số lượng khiêm tốn sẽ không thể cạnh tranh được với doanh nghiệp nhập khẩu số lượng lớn.

Ngoài ra, với quy định mới về cấp thông báo miễn, tôi cho rằng chỉ các DN nhập khẩu là “con đẻ” của nhà sản xuất mới thực hiện được là vì một trong các quy định để được cấp thông báo miễn là phải có được tài liệu COP. Với doanh nghiệp nhập khẩu không phải là “con đẻ” của nhà sản xuất thì tiếp cận trực tiếp với nhà sản xuất đã khó thì việc đề nghị nhà sản xuất phối hợp để Cơ quan kiểm tra tiến hành đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tại cơ sở sản xuất xe, cơ sở sản xuất linh kiện càng khó gấp nhiều lần.

Theo Lâm Anh

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên