MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy định mới về trái phiếu doanh nghiệp: Qua cơn bĩ cực?

08-03-2023 - 07:31 AM | Tài chính - ngân hàng

Để gỡ khó cho TPDN, Chính phủ vừa thông qua Nghị định 08 với nhiều quy định như cho phép hoán đổi trái phiếu lấy sản phẩm, hoãn quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp, xếp hạng doanh nghiệp. Với những quy định này, liệu TPDN có thoát cơn bĩ cực?

Năm 2023, thị trường TPDN đáo hạn lượng trái phiếu trị giá khoảng 273.000 tỷ đồng. Áp lực đáo hạn TPDN lớn trong khi phát hành mới gần như “đóng băng”, bởi quy định chặt chẽ của Nghị định 65/2022. Dòng tiền của doanh nghiệp gặp khó, đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp (DN) xin “khất nợ” TPDN đáo hạn khiến người mua trái phiếu (trái chủ) đứng ngồi không yên. Trong khi đó, một số DN đề xuất đổi trái phiếu lấy sản phẩm như bất động sản. Tuy nhiên, việc hoán đổi này chưa có quy định pháp luật điều chỉnh cụ thể.

Nhằm gỡ khó cho thị trường TPDN, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Theo dự thảo nghị định trước đó được Bộ Tài chính trình, 3 nội dung quan trọng với thị trường được quy định, gồm: doanh nghiệp được thanh toán lãi, gốc trái phiếu bằng tài sản khác; kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm và tạm ngưng quy định nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và xếp hạng tín nhiệm.

Anh Lê Viết Hải (Hà Nội) sở hữu lô trái phiếu của một tập đoàn giáo dục với trị giá 10 tỷ đồng. Dù đến hạn thanh toán từ tháng 12/2022 nhưng đến nay DN chưa chi trả tiền mua trái phiếu. Theo anh Hải, lí do DN phát hành đưa ra, khó khăn dòng tiền vì ảnh hưởng của COVID-19 nên không có khả năng trả cho trái chủ.

“DN phát hành trái phiếu đề xuất phương án đổi trái phiếu lấy bất động sản hoặc cổ phiếu của DN trong hệ sinh thái của tập đoàn này. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể nên thủ tục rất phức tạp. Khi nghị định mới ra đời, tôi mong sẽ nhanh giải quyết cho trái chủ muốn đổi TPDN lấy sản phẩm”, anh Hải chia sẻ.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) đánh giá, nghị định mới sẽ tạo khuôn khổ pháp lý để DN và trái chủ đàm phán phương án thanh toán nợ. Quy định này sẽ tận dụng được tài sản của nhiều tổ chức phát hành vào quá trình thanh toán nợ cho trái chủ.

“Nghị định 08 là căn cứ để tổ chức phát hành, trái chủ có thêm thời gian và thêm lựa chọn mới cho đàm phán thanh toán gốc, lãi vay. Tổ chức phát hành có thêm thời gian để tái cấu trúc tài chính nếu đàm phán gia hạn nợ thành công với trái chủ, có phương án hoán đổi tài sản để trả nợ cho trái chủ hợp pháp. Trái chủ có thêm cơ hội được thanh toán gốc và lãi vay bằng những tài sản khác có giá trị tương xứng. Quyền lợi của trái chủ vẫn được đề cao trong Nghị định 08. Trái chủ có chấp thuận phương án gia hạn nợ hoặc hoán đổi tài sản của tổ chức phát hành đưa ra hay không thì quyền lợi của trái chủ vẫn phải được tổ chức phát hành đảm bảo”, ông Ngọc cho biết.

Giải pháp mới mang tính tình thế

Vừa qua, một số doanh nghiệp đã thực hiện hoán đổi nợ trái phiếu bằng tài sản khác. Nghị định 08 chính thức tạo cơ sở pháp lý, kèm hướng dẫn cơ bản để doanh nghiệp đàm phán với trái chủ. TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV nhận định, cách làm này sẽ rõ ràng, nhất quán hơn, đảm bảo quyền lợi chính đáng, công bằng cho nhà đầu tư.

Còn việc giãn tiến độ áp dụng tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp, rút ngắn thời gian phân phối trái phiếu, xếp hạng tín nhiệm, theo ông Lực là cần thiết trong bối cảnh thị trường khó khăn, niềm tin giảm, thanh khoản giảm và cũng cần thêm thời gian để các bên liên quan như nhà đầu tư, DN phát hành và tổ chức xếp hạng tín nhiệm chuẩn bị tinh thần, năng lực, quy trình, nhân lực.

Ông Lực kỳ vọng, các giải pháp trên sẽ tháo gỡ đa số vướng mắc liên quan trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm nay và năm tới, dù đây là các giải pháp mới mang tính tình thế. Việt Linh

Theo ông Ngọc, điều này đúng với bản chất của quan hệ vay nợ trên thị trường trái phiếu hiện nay. Nếu DN phát hành và trái chủ đàm phán gia hạn nợ hoặc hoán đổi tài sản, sẽ giảm đáng kể nguy cơ vỡ nợ trái phiếu.

Hai năm nữa DN không trả được thì sao?

Chia sẻ với báo giới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Điểm mới của văn bản vừa được ban hành chính là chúng ta có quyền kỳ vọng thị trường TPDN sẽ được khơi thông. Theo Thứ trưởng Chi, Nghị định 08 giúp minh bạch hóa, tạo điều kiện cho nhà đầu tư và DN phát hành có quy định rõ ràng về pháp lý; từ đó xử lý những vấn đề liên quan thị trường phát sinh trong thời gian qua. “Khi xây dựng Nghị định, Bộ Tài chính cùng với bộ, ngành liên quan báo cáo với Chính phủ kỹ lưỡng việc hoãn nâng quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp và xếp hạng tín nhiệm bắt buộc”, ông Chi nhấn mạnh.

Quy định mới về trái phiếu doanh nghiệp: Qua cơn bĩ cực? - Ảnh 2.

Nhà đầu tư TPDN căng băng rôn cầu cứu khắp nơi

Bên cạnh, theo ông Chi, việc tạm thời cho ngưng quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân và xếp hạng tín nhiệm, DN phát hành vẫn phải tuân thủ quy định khác có liên quan. Tiêu biểu như, DN phải công bố thông tin cho nhà đầu tư một cách rõ ràng, minh bạch. Trong đó, có xác nhận của bên thứ ba là kiểm toán độc lập. Đặc biệt, DN phải công bố thông tin về sử dụng tiền trái phiếu đã huy động.

Với nhà đầu tư cá nhân, phải thực hiện quy định khác tại Nghị định 65 như: Nhà đầu tư phải hiểu về DN, phải hiểu các rủi ro có liên quan khi tham gia đầu tư và kí cam kết chấp nhận tất cả rủi ro phát sinh nếu có. Trên thực tế, hiện nay chúng ta mới có 2 DN được cấp phép trong nước để thực hiện định giá xếp hạng tín nhiệm, cho nên việc tạm ngưng quy định xếp hạng tín nhiệm cũng hoàn toàn phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay.

“Chúng tôi có rất nhiều giải pháp để phát triển công ty quản lý quỹ và công ty đầu tư tài chính chuyên nghiệp. Trên cơ sở đó, thành lập quỹ đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp. Qua đó, nhà đầu tư cá nhân có thể đầu tư vào quỹ đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp này. Các quỹ này được vận hành, quản lý bởi nhà đầu tư chuyên nghiệp, tổ chức, đó là các công ty quản lý quỹ và các tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết.

Theo Bộ Tài chính, việc đưa ra những quy định mới này giúp củng cố niềm tin của thị trường, đưa nhà đầu tư, DN phát hành trở lại với thị trường, giúp tiếp tục ổn định và phát triển thị trường một cách minh bạch và bền vững.

Ngoài thuận lợi như kỳ vọng của DN và cơ quan quản lý, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo hệ lụy có thể xảy ra khi Nghị định 08 có hiệu lực. Theo ông Hiếu, sửa đổi theo hướng cho phép DN được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu nhưng phải đảm bảo một số nguyên tắc quy định, trong đó được thoả thuận gia hạn với các nhà đầu tư về trái phiếu trong 2 năm. Trong điều kiện thị trường đang phát triển, nếu DN phát hành và nhà đầu tư đều đồng thuận thì đó là điều lý tưởng. Tuy nhiên, nếu DN phát hành không trả đúng hạn mà đợi thêm 2 năm, sẽ có nhiều nhà đầu tư không đồng ý.

“Với năng lực của DN hiện tại đã không trả được thì liệu 2 năm nữa có trả được không?”, ông Hiếu nói.

Theo Ngọc Linh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên