MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy định pháp luật - “Điểm nghẽn” của kinh tế số Việt Nam

Quy định pháp luật - “Điểm nghẽn” của kinh tế số Việt Nam

Hiện nay, khung pháp luật còn thiếu và thậm chí hạn chế kinh tế số. Vậy đâu là những vấn đề khung pháp lý cho kinh tế số hiện nay?

Nền kinh tế số Việt Nam năm 2020 trị giá 14 tỷ USD, nằm trong nhóm đầu tăng trưởng số của khu vực. Hàng loạt các mô hình kinh tế số cả trong nước và nước ngoài nở rộ như: xe công nghệ, thanh toán qua mạng, xem phim trực tuyến…, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi đúng sai chưa dứt.

Chúng ta đang ở kỷ nguyên của kinh tế số (kinh tế Internet). Mọi hoạt động giao dịch, đầu tư, mua bán, kinh doanh, dịch vụ… đều diễn ra trên môi trường mạng. Thấy rõ nhất là điện thoại thông minh, Internet giúp người dùng ngồi một chỗ mà có thể giao dịch, mua sắm từ bất kỳ đâu. Nền kinh tế số Việt Nam là một trong số các nước dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á, năm 2020 đạt khoảng 14 tỷ USD.

Dịch bệnh COVID-19 càng khiến nhu cầu sử dụng dịch vụ trực tuyến bùng nổ. Số người dùng Internet mới tăng gần 50%. Tăng trưởng mạnh nhất là vận tải và thực phẩm 50%, thương mại điện tử 46%, truyền thông trực tuyến 18%. Đầu tư vào lĩnh vực Internet lên đến 151 giao dịch với giá trị là 935 triệu USD.

Sự bùng nổ của kinh tế số, Internet góp phần vàochuyển dịch tích cực cho kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, thể chế pháp lý của Việt Nam dường như đang chậm chân so với tốc độ phát triển đó.

Cần sớm có hành lang pháp lý cho tài chính số

Sự phát triển của các công ty công nghệ tài chính (fintech) thời gian qua đã cung cấp thêm nhiều dịch vụ tài chính - ngân hàng, thanh toán online, cho vay qua mạng... Mặc dù đã xuất hiện được 4 năm với hàng trăm công ty đang hoạt động, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có khung khổ pháp lý đầy đủ trong quản lý lĩnh vực này, gây rủi ro cao, thậm chí có những công ty biến tướng đang gây ra hệ lụy cho người dân và xã hội.

Sau khi vay tiền từ một website cho vay trực tuyến, đến kỳ hạn phải trả, mỗi ngày, anh Tuấn nhận được hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn đe dọa đòi tiền. Dù biết sẽ phải vay với mức lãi suất cao nhưng anh không ngờ nó lại lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm lần.

"Việc bị lừa, đe dọa như vậy là trải nghiệm rất đáng sợ, chắc chắn không ai muốn quay lại. Về phía cá nhân em thì em nghĩ rằng cũng nên có những sản phẩm cho vay uy tín để người dân được bảo vệ một cách an toàn và những khoản vay với mức lãi phí được minh bạch nhất có thể", anh Tuấn chia sẻ.

Quy định pháp luật - “Điểm nghẽn” của kinh tế số Việt Nam - Ảnh 1.

Kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam. (Ảnh minh họa: NLĐ)

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam hiện có khoảng 100 công ty cho vay ngang hàng, 200 công ty fintech hoạt động, chủ yếu có nguồn gốc từ nước ngoài. Do chưa được cấp phép, nên các công ty P2P lending thường đăng ký ngành nghề là kinh doanh cầm đồ, tư vấn tài chính, môi giới tài chính. Khi làm việc với đối tác hoặc người tiêu dùng, các công ty này tự nhận là đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay, vận hành trên nền tảng giao dịch trực tuyến.

"Khi khung pháp lý chưa đầy đủ sẽ tạo ra những khó khăn cho cả doanh nghiệp và người dùng. Đối với người dùng sẽ không thể phân biệt được đâu là doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp xấu. Còn đối với doanh nghiệp rất khó khăn để xác định được mô hình hoạt động của mình như thế nào la đúng luật. Khách hàng sẽ e ngại không biết hoạt động đầu tư này có an toàn hay không? Từ đó sẽ làm ảnh hưởng đến việc phát triển thị trường, quy mô của doanh nghiệp cung ứng những dịch vụ mới như chúng tôi", ông Trần Việt Vĩnh, CEO Công ty Cổ phần đổi mới Công nghệ Tài chính Fiin, chia sẻ.

"Khung pháp lý bảo vệ cho vay trực tuyến một cách chính tắc chưa có và chưa đầy đủ. Chính vì vậy việc xử lý các vi phạm là rất khó khăn, đặc biệt là việc xác định hành vi vi phạm cũng như là xác định được chủ thể của hành vi vi phạm là vô cùng khó", Luật sư Nguyễn Hà Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Hà Cường, nhận định.

Theo các chuyên gia, xu hướng phát triển các dịch vụ tài chính trên nền tảng số là điều không thể ngăn cản, trong khi chờ hoàn thiện khung pháp lý đầy đủ cần phải có giải pháp cấp bách trước mắt.

An toàn thông tin và bình đẳng cạnh tranh cần được ưu tiên

Xây dựng khung khổ pháp lý sẽ hướng đến 2 mục tiêu, vừa tăng cường công tác quản lý và cũng tạo điều kiện cho các mô hình kinh tế số phát triển.

Nghị định sửa đổi Nghị định 52 về thương mại điện tử với nhiều điểm mới đang thu hút sự chú ý của tất cả doanh nghiệp thương mại điện tử cũng như giới đầu tư trong và ngoài nước. Nghị định này sẽ có vai trò quyết định trong định hướng phát triển kinh tế số tại Việt Nam trong 5 năm tới.

Tại hội thảo góp ý cho nghị định sửa đổi này mới đây, các chuyên gia cho rằng dự thảo cũng mới chú trọng giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chứ chưa nhìn trên góc độ phát triển bền vững và dài hạn cho kinh tế số.

Theo dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử sẽ phải cung cấp công cụ tra cứu thông tin doanh nghiệp, người bán trên sàn.

Quy định pháp luật - “Điểm nghẽn” của kinh tế số Việt Nam - Ảnh 2.

Dịch bệnh COVID-19 càng khiến nhu cầu sử dụng dịch vụ trực tuyến bùng nổ. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Các chuyên gia cho rằng, đây là một quy định gây tốn kém về chi phí, nhưng lại gia tăng nguy cơ rò rỉ dữ liệu, cũng như gây bất bình đẳng trong cạnh tranh thông tin, dữ liệu giữa các sàn. Trong khi nghị định cũ đã quy định rất rõ trách nhiệm cung cấp thông tin trong trường hợp cơ quan quản lý yêu cầu.

Thậm chí, dự thảo lần này còn đưa ra tiêu chí chỉ có "nhà đầu tư quốc tế uy tín" do Bộ Công Thương công bố mới được đầu tư vào Việt Nam, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới dòng vốn ngoại. Nội dung này cũng cần được điều chỉnh nếu không các sàn thương mại điện tử nội sẽ ngày càng khó cạnh tranh với các đối thủ ngoại.

"Các chế định ở trên thị trường mới xác định được là doanh nghiệp nào có tiềm lực, có uy tín, có khả năng về mặt đầu tư. Cái nghiệp vụ này nên thuộc về thị trường, về các công ty định giá chứ không phải là các cơ quan nhà nước", ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam, nhận định.

Theo các chuyên gia, dự thảo hiện đang còn nhiều điểm bó chặt thị trường trong khi có nhiều đối tượng, dạng thức kinh doanh mới lại chưa được dự thảo đề cập tới. Do đó, dự thảo cần tiếp tục chỉnh sửa một số điểm với mục tiêu ưu tiên an toàn thông tin, bình đẳng cạnh tranh và chú trọng các yếu tố phát triển tạo động lực thúc đẩy kinh tế số giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Công nghệ số, chuyển đổi số, kinh tế số là xu thế toàn cầu, là một trào lưu "không thể đảo ngược". Điều này tiếp tục được chứng minh qua một năm vượt khó COVID 19 khi mọi thứ đều ngưng trệ, hạn chế giao dịch trực tiếp.

Dòng chảy kinh tế số có bị nghẽn, bị chặn bởi những khó khăn khách quan, việc khơi thông bằng một khung khổ pháp lý tích cực là cần thiết để dòng chảy này được tiếp tục. Pháp luật phải hỗ trợ được hoạt động đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất chứ không phải trở thành vật cản cho sự phát triển.

Theo VTV.vn

VTV.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên