MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy định 'quất mạnh' DN nội: Nên tạm dừng khi chưa sửa kịp

Doanh thu mảng bất động sản Vinhomes tăng vọt lên 1,2 tỷ USD. Động lực này giúp tỷ phú Phạm Nhật Vượng thực hiện những tham vọng lớn

“Phải tạm dừng ngay lập tức”

Sau khi hàng loạt doanh nghiệp phản ánh bất cập của việc khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế tại Nghị định 20 về giao dịch liên kết, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho hay: Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ tư pháp trình Chính phủ 5 nghị định hướng dẫn Luật quản lý thuế, trong đó có Nghị định về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Trả lời PV.VietNamNet, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho hay: Tôi được biết đến thời điểm này Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính sửa quy định này. Còn sửa theo hướng nào chúng tôi cũng chưa được biết.

“Tôi đã có văn bản gửi trực tiếp cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị nhanh chóng sửa đổi nội dung này. Thủ tướng nhắc 3 lần rồi và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trực tiếp chỉ đạo rồi. Họ nói đang sửa”, lãnh đạo Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho hay.

Tuy nhiên, nếu sửa theo quy trình xây dựng Nghị định thông thường thì mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, ông Nam cho rằng: Trong thời gian chờ sửa Nghị định, nếu có những quyết định tạm dừng thì hợp lý hơn.

“Việc sửa quy định này là đúng và có lợi cho doanh nghiệp, cho đất nước. Nghị định này vô lý, thậm chí phạm luật. Theo quy định, các Nghị định không được tự ý đưa ra các điều khoản mà chỉ hướng dẫn những điều khoản trong Luật, trong khi Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp không có quy định như vậy. 100% doanh nghiệp phản ứng rất quyết liệt”, ông Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh.

Là người chỉ ra những bất hợp lý tại Nghị định 20 từ những ngày đầu tiên, ông Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn QMC, kiêm thành viên Hội kế toán hành nghề Việt Nam cho rằng: Việc tạm dừng thực hiện Nghị định 20 là đương nhiên bởi quy định khống chế chi phí lãi vay là không đúng.

Quy định quất mạnh DN nội: Nên tạm dừng khi chưa sửa kịp - Ảnh 1.
DN nội phải chịu thêm hàng nghìn tỷ tiền thuế do bị khống chế chi phí lãi vay được trừ.

Phân tích tiếp về hậu quả nếu không dừng thực hiện, ông Quang cho biết, trong quá trình thực thi có 2 tình huống “mập mờ” mà doanh nghiệp phải gánh chịu thiệt thòi. Cụ thể, dù quan điểm về xác định chi phí lãi vay là “bản chất hơn hình thức”, xác định bản chất của từng giao dịch để xem giao dịch nào không phù hợp thì chỉ loại trừ chi phí của giao dịch đó.

Tuy nhiên, không ít trường hợp doanh nghiệp chỉ “vọt xà” ở một điều khoản khác, chẳng hạn như giao dịch thương mại nhưng cơ quan thuế lại đánh đồng, cắt luôn của doanh nghiệp toàn bộ chi phí lãi vay, khiến doanh nghiệp thiệt hại rất lớn.

“Thậm chí có trường hợp khi đi quyết toán thuế, cán bộ thuế lợi dụng các kẽ hở đó để gây khó cho doanh nghiệp. Vì vậy, tôi cho rằng phải tạm dừng thực hiện quy định áp trần chi phí lãi vay tại Nghị định 20 ngay lập tức”, ông Quang bức xúc.

Đừng để Nghị định “quất” doanh nghiệp nội

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng: Một trong những điểm bất hợp lý của Nghị định 20 là đưa thêm những quy định mới không có trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp mà cụ thể là việc áp dụng tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay cố định như quy định tại khoản 3 điều 8. Nghị định trên dường như chưa nghiên cứu tổng thể điều kiện thực tiễn của Việt Nam và cũng chưa có đánh giá toàn diện tác động của quy định này đến môi trường đầu tư và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, đối với doanh nghiệp tư nhân trong nước, bình quân tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vào khoảng 3/1, tức là cứ có 4 đồng vốn thì khu vực này chỉ có 1 đồng vốn chủ sở hữu, còn 3 đồng phải đi vay. Tính toán dựa trên số liệu này cũng cho thấy tỷ suất lợi nhuận trên vốn của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ khoảng 1,12%.

Như vậy có thể thấy Nghị định 20 khiến khối doanh nghiệp tư nhân trong nước bị tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật của doanh nghiệp bị giảm đáng kể, không ít doanh nghiệp bị lỗ nặng.

Trong khi đó, theo chuyên gia Bùi Trinh, Nghị định này lại dường như không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) do họ ít phải vay, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của loại hình doanh nghiệp này chỉ là 1,8/1, thấp hơn khu vực trong nước rất nhiều, trong khi đó tỷ suất lợi nhuận trên vốn của khu vực FDI lại rất cao, gấp 5,4 lần khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước (6,5 so với 1,12).

Như vậy, thực tế cho thấy Nghị định 20 hoàn toàn trái ngược với mục tiêu hướng đến ban đầu khi ban hành là nhằm hạn chế việc chuyển giá của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam để tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế phải nộp.

Ông Bùi Trinh khẳng định: Nghị định này lại như quất mạnh vào các doanh nghiệp nội vốn đã rất còm cõi. Tổn thương nặng nề nhất cũng rơi vào các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, đặc biệt những doanh nghiệp đang đầu tư vào những ngành trọng điểm cần số vốn rất lớn như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản, kinh doanh bất động sản.

“Bãi bỏ hay sửa đổi Nghị định 20 sẽ làm lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng lên qua đó làm giá trị gia tăng và GDP của đất nước tăng lên và Nhà nước có thể thu được nhiều thuế hơn ở những chu kỳ sản xuất kinh doanh sau. Những việc có hại cho doanh nghiệp và cả Nhà nước không thể “để từ từ” xem xét được”, ông Bùi Trinh nhấn mạnh


Theo Hoài Nam

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên