Quy định tiêu chuẩn khí thải: xe cổ hết đường chạy?
Khi lộ trình kiểm soát tiêu chuẩn khí thải đối với môtô, xe máy bắt đầu có hiệu lực tại các thành phố lớn trong cả nước, nhiều người chơi xe cổ lo lắng: xe cổ của mình chạy đâu đây?
- 21-07-2016Người dân nghĩ gì về lộ trình áp dụng kiểm định khí thải xe máy?
- 17-07-2016Xe máy sẽ phải kiểm định khí thải với mức phí 100.000-150.000 đồng
- 19-04-2011Việt Nam dự định nâng tiêu chuẩn khí thải ôtô lên Euro 4
Xe cổ không phải xe cũ
Chị Quyên ngụ tại TP.HCM kể lại mỗi lần chạy sau xe Vespa cổ như cực hình, bởi tiếng ồn và khói pô xả ra, ý thức chơi xe kém quá. Theo chị, nên thực hiện kiểm định các loại xe 2 bánh có tuổi thọ trên 20 năm để góp phần bảo vệ môi trường.
“Vespa cổ hay các loại xe máy cổ gây tiếng ồn rất lớn, ô nhiễm, hao nhiên liệu, tính an toàn kém, tốt nhất nên cấm lưu thông trên đường, chỉ nên đưa vào các khu du lịch - viện bảo tàng. Chưa kể khi sửa chữa, tân trang một chiếc xe Vespa cũ phải tốn một khoản không ít, đã vậy khi chạy trên đường còn bị gièm pha” - anh Dũng, chủ đại lý xe Yamaha trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.5), chia sẻ.
Hãng tin CNN từng có nhiều bài viết về nét độc đáo của tour du lịch quanh Sài Gòn bằng Vespa cổ. Đồng thời, nó còn tạo ra một số nghề chân chính cho một bộ phận người dân như tiệm chuyên sửa chữa, tân trang, làm đẹp Vespa cổ.
Trái lại, nhiều người chơi xe cổ, trong các hội Vespa ở Sài Gòn, Hà Nội, diễn đàn xe 2 bánh… khá sững sờ và thất vọng trước quan điểm của nhiều người.
Chị Quỳnh Mai - một người chơi Vespa cổ ở Sài Gòn - cho rằng nhiều người không chú ý lợi ích “không hề nhỏ” của những chiếc xe cổ trong cuộc sống hiện đại. Đó là loại hình du lịch dễ thu hút khách nước ngoài, là một nét văn hóa đặc trưng Sài Gòn.
“Đừng vội kết án tử cho dòng xe cổ khi cho rằng tiếng ồn và khí thải của nó ảnh hưởng quá lớn đến nhiều người xung quanh. Cái ồn đó là nét đặc trưng của mảnh đất Sài Gòn, cái mùi khét của pô là một phần “linh hồn” của ký ức xưa cũ. Nói về khói pô, nhiều người nghĩ tiêu cực, đa phần những chiếc Vespa pha đúng nhớt, khói thải không mịt mù khó chịu” - ông Hùng, một người đam mê xe cổ ở Sài Gòn, nói.
Khi được hỏi về vấn đề xả khói thải của những chiếc Vespa cổ, anh Tuấn Anh - chuyên gia kỹ thuật cơ khí các dòng xe - cho rằng không nên đổ lỗi hết cho Vespa hay các dòng xe cổ khác khi nói đến vấn đề ảnh hưởng môi trường.
Tất cả các loại xe 2 thì nói chung đều không tốt cho môi sinh bằng xe 4 thì, nhưng cũng chưa có bất kỳ quốc gia nào cấm tuyệt đối việc sử dụng và nhập khẩu xe cổ có động cơ 2 thì, mức độ khí thải và tiếng ồn phụ thuộc vào quy định của từng quốc gia. Hiện nay, nhiều thương gia từ Pháp, Đức, Ý vẫn tìm những chiếc Vespa cổ của nước ta, nhập về.
“Xe đời mới 4 thì khi được “độ” lại pô, tiếng pô nổ lớn ra sao ai cũng biết, nhiều người còn tỏ ra thích thú. Về kỹ thuật, không riêng gì xe Vespa, tất cả xe 2 - 4 thì không được tu bổ sửa chữa đúng mức đều có thể gây tác hại về môi trường. Do vậy, nếu có quy định khí thải xe 2 bánh, cơ quan nên phân biệt rõ ràng xe cổ và xe cũ, tránh quy về một mối” - anh Tuấn Anh cho biết thêm.
Những chiếc xe “rác” dùng để chở hàng nên sớm dẹp bỏ, phần lớn những chiếc xe gần như xuống cấp sẽ được dùng chở hàng - Ảnh: Trùng Dương
Sớm dẹp xe buýt cũ xả khói đen ô nhiễm
Đối tượng kế tiếp trong vấn nạn ô nhiễm khói pô là những chiếc xe ben, xe buýt cũ. Chuyện “xả khói mịt mù” của những chiếc xe buýt không còn gì lạ đối với 15,8 triệu dân sống tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Như vậy, việc kiểm soát tiêu chuẩn khí thải trên những đối tượng đó thật sự tốt chưa?
Xe buýt xả khói trên đường phố Hà Nội - Ảnh: M.Quang
Tuổi trẻ