Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia huy động được gần 800 tỉ đồng từ doanh nghiệp
Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng là những nội dung quan trọng góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
- 05-06-2022Vũ trụ ảo – cơ hội và rủi ro
- 05-06-2022Mỹ: Hoạt động khai thác tiền điện tử ở New York đang bị đe dọa
Sáng 5-6, tại TP HCM đã diễn ra hội thảo chuyên đề "Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng".
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới" do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ban Cán sự Đảng Chính phủ và UBND TP HCM tổ chức cùng ngày.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết trong bối cảnh nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới, hoạt động đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam cũng đã có những chuyển biến tích cực.
Về đổi mới công nghệ, năm 2020, đã cấp 4.319 bằng độc quyền sáng chế; 18.197 công bố quốc tế. Tỉ lệ chi cho nghiên cứu triển khai khu vực ngoài nhà nước tăng, đạt 40,07%, khu vực FDI 12,87%, khu vực nhà nước 47,05%. Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đã huy động được gần 800 tỉ đồng từ doanh nghiệp cho các dự án đang thực hiện. Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2021 với mục tiêu số doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%-20%/năm.
Về chuyển đổi số, tính đến hết quý I-2022, đã có 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương thành lập ban chỉ đạo; 55/63 địa phương ban hành nghị quyết/chỉ thị/văn bản của tỉnh ủy/thành ủy về chuyển đổi số; 59/63 địa phương và 19/22 bộ, ngành ban hành chương trình/kế hoạch/đề án về chuyển đổi số giai đoạn 5 năm. Các ngành Tài chính – Ngân hàng, Y tế, Giáo dục, Nông nghiệp, Năng lượng, Giao thông vận tải,… đã có những kết quả tích cực trong hoạt động chuyển đổi số và đưa các hoạt động thường xuyên của ngành lĩnh vực lên môi trường số.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, phát biểu tại hội thảo
Về đa dạng chuỗi cung ứng, Việt Nam đã tham gia và ký kết 17 hiệp định FTAs với các đối tác quan trọng hàng đầu trên thế giới, trong đó có nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, RCEP, EVFTA. Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đang ngày càng tham gia có hiệu quả hơn vào các chuỗi cung ứng, sản xuất khu vực và toàn cầu và liên tục mở rộng thị trường đầu ra và đầu vào cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hoạt động đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, như nhóm ngành hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ có mức lan tỏa và độ nhạy thấp hơn mức bình quân chung khá nhiều; hiệu quả đổi mới công nghệ chỉ đóng góp khiêm tốn ở mức 28,44% trong TFP giai đoạn 2016-2018; tỉ lệ cấp bằng độc quyền sáng chế cho người Việt Nam rất thấp, năm cao nhất (2018) chỉ đạt 9,2% trong tổng số bằng được cấp tại Việt Nam; chuyển đổi số trong các ngành sản xuất còn chậm; còn thiếu cơ chế, chính chính sách hỗ trợ hiệu quả về chuyển đổi số, cơ chế đột phá đa dạng hóa chuỗi cung ứng để doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ, ưu đãi đối với sản phẩm tạo ra từ đổi mới công nghệ, chuyển đổi số chưa nhiều...
Trước thực tiễn đó, các ý kiến phát biểu tại hội thảo đã tập trung vào vấn đề chính, gồm: Kinh nghiệm quốc tế về đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; chủ trương, cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng chuỗi cung ứng đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; nâng cao vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp trong chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Cũng trong sáng 5-6, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 cũng diễn ra 2 hội thảo chuyên đề khác là: "Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản" và "Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng".
Người Lao Động