MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy hoạch Hà Nội cần làm sống lại các dòng sông

22-11-2023 - 08:04 AM | Bất động sản

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra định hướng quy hoạch khu vực trung tâm gồm toàn bộ khu vực phố cổ cùng khu vực sông Hồng, hồ Tây sẽ trở thành không gian du lịch, phát triển kinh tế đêm. Ngoài ra, cần làm sống lại các dòng sông.

Ngày 21/11, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân (đơn vị đứng đầu Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô) cho biết, Quy hoạch Thủ đô là một dự án lớn, gồm rất nhiều đầu việc khó nhưng phải hoàn thành trong thời gian tương đối khẩn trương. Công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chưa tạo chuyển biến tích cực về diện mạo Thủ đô theo yêu cầu đô thị xanh, sạch đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại.

Hạ tầng giao thông đường bộ kết nối giữa khu vực nội thành và ngoại thành còn chưa thuận lợi; hạ tầng giao thông công cộng có khối lượng vận chuyển lớn, chậm phát triển, nhất là đường sắt đô thị, do đó dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông gây bức xúc, chậm giải quyết. Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tình trạng ngập úng cục bộ gây nhiều tổn hại về chi phí kinh tế, môi trường sống và giảm sức hút của Thủ đô.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, các giải pháp đã được đưa vào quy hoạch. Về lĩnh vực nước thải tuần hoàn tại đô thị đặc biệt được ưu tiên dựa trên xu thế thoát, giữ nước tại chỗ.

Đáng chú ý, khu vực trung tâm, toàn bộ khu vực phố cổ cùng khu vực sông Hồng, hồ Tây sẽ trở thành không gian du lịch, phát triển kinh tế đêm. Các nhà chung cư cũ chỉ giữ lại một khu để lưu lại như một di sản phát triển một thời kỳ. Toàn bộ sẽ tái thiết theo mô hình khu đô thị nén. Có nghĩa là cải tạo toàn bộ cả khu đô thị, tăng chiều cao công trình để đưa người dân lên ở, phía dưới tăng tỷ lệ diện tích xanh - công cộng, kết nối với hệ thống giao thông công cộng.

Đối với các khu vực đô thị có nhiều nhà ở riêng lẻ, sẽ chỉnh trang theo mô hình “Tái điều chỉnh đất”. Cần có cơ chế, chính sách thực hiện tái điều chỉnh, hỗ trợ người dân di chuyển để dành không gian tái thiết đô thị.

Có cơ chế “đặc thù” nhưng chưa đủ “vượt trội”

Ông Phùng Quốc Hiển, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quy hoạch hiện đưa ra hướng phát triển không rõ ràng, tư duy không theo kịp sự phát triển. Ông Hiển đề nghị Hà Nội phải tập trung làm sống lại các dòng sông. Ngoài ra, cần tập trung phát triển không gian ngầm, thậm chí xây dựng đô thị ngầm.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, Hà Nội với sự phát triển như hiện nay mà quản trị vẫn như cũ là rất khó. Quốc hội đang thảo luận sửa đổi Luật Thủ đô, đây là cơ hội lớn để thể hiện tư duy đổi mới trong phát triển Thủ đô.

Quy hoạch Hà Nội cần làm sống lại các dòng sông - Ảnh 1.

Cầu Nhật Tân, Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, trong Luật Thủ đô phải thể hiện mô hình phân cấp, phân quyền là mô hình bổ trợ. Tức là tất cả những gì Hà Nội làm được thì phân hết cho Hà Nội, chỉ những gì Hà Nội không làm được mới đưa lên Trung ương.

PGS.TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng, Hà Nội là Thủ đô, đã từng được Bộ Chính trị ban hành nhiều nghị quyết riêng và là địa phương duy nhất có luật riêng (Luật Thủ đô). Vị thế Thủ đô đòi hỏi phải xem Hà Nội là một đơn vị cấp địa phương đặc thù, độc nhất.

PGS.TS Bùi Tất Thắng cho rằng, các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội phải thực sự có tính đột phá mới có hy vọng “tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp” để phát triển Thủ đô. Nghị quyết số 15-NQ/TƯ chỉ rõ cần phải “hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô”; hệ thống cơ chế, chính sách dùng chung cho cả nước chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước.

Cũng theo PGS Thắng, các cơ chế, chính sách đúng là đặc thù so với quy định chung, nhưng khi thực thi mới thấy những điểm khác biệt đó không phát huy được bao nhiêu tác dụng. Trong một số trường hợp muốn thực hiện được thì phải tiếp tục xin tiếp cơ chế. Vậy là, những các cơ chế, chính sách ấy có “đặc thù”, nhưng chưa đủ mức “vượt trội”.

“Vượt trội ở đây cần được hiểu là thông thoáng hơn, dễ thực hiện và khả thi. Vì vậy, các cơ chế, chính sách phải thể hiện rõ hơn tư tưởng đột phá trong xác định quyền hạn, trách nhiệm; “phân cấp, phân quyền cho Thủ đô” và vận dụng những kinh nghiệm tốt trong mô hình chính quyền đô thị ở một số nước trên thế giới”, PGS Thắng nói thêm.

Theo Trần Hoàng

Tiền phong

Trở lên trên