Quy hoạch làm khó Củ Chi và Hóc Môn
Trong quá khứ, Hóc Môn và Củ Chi có rất nhiều dự án lớn được quy hoạch, kêu gọi đầu tư nhưng không thể triển khai, làm ảnh hưởng cuộc sống người dân.
- 27-04-2022Lâm Đồng đề xuất đưa 252 dự án quy mô hơn 30.000 ha vào quy hoạch
- 23-04-2022Quy hoạch thành phố sân bay Long Thành
- 22-04-2022Từ chuyện quy hoạch đến thị hiếu của người mua nhà
Chẳng hạn, vào năm 2000, thông tin dự án Khu đô thị Tây Bắc rộng hơn 6.000 ha, sẽ triển khai khiến người dân ở huyện Củ Chi, Hóc Môn rất vui mừng. Dự án định hướng thành một trong những khu đô thị vệ tinh với nhiều khu thương mại, tài chính, dịch vụ, y tế, giáo dục, khu đô thị... được kỳ vọng thay đổi bộ mặt phía Tây Bắc TPHCM. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm khu đô thị này vẫn nằm trên giấy. Hệ quả là hơn 56.000 hộ dân ở Củ Chi và Hóc Môn bị ảnh hưởng bởi quy hoạch “treo” nhiều năm.
Hàng loạt dự án “treo” ở Củ Chi, Hóc Môn trong nhiều năm qua khiến cuộc sống người dân gặp khó khăn. Ảnh: Phạm Nguyễn
Hàng loạt dự án đô thị, khu dân cư khác có quy mô lớn tại Hóc Môn, Củ Chi cũng trong tình trạng “treo” suốt thời gian dài. Chẳng hạn, Khu đô thị An Phú Hưng (huyện Hóc Môn), rộng gần 700 ha, được giao đất để đầu tư từ năm 2004 với kỳ vọng trở thành Khu đô thị Phú Mỹ Hưng thứ hai. Thế nhưng sau hơn 10 năm không thể đền bù giải tỏa, năm 2016, UBND TPHCM quyết định xoá bỏ dự án này. Khu đô thị Đại học Quốc tế rộng 924 ha tại huyện Hóc Môn cũng trong tình trạng không thể giải phóng mặt bằng để thực hiện, dù được cấp phép từ năm 2008. Dự án Công viên Sài Gòn Safari rộng 457 ha ở huyện Củ Chi với tổng mức đầu tư 500 triệu USD, gần 20 năm qua chưa hoàn thành, bị kết luận sai phạm.
Theo Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Trần Văn Khuyên, một trong những lý do khiến nhiều dự án ở địa phương chậm trễ, khó triển khai do xuất phát từ công tác quy hoạch chưa phù hợp. Hiện, quy hoạch của huyện được phê duyệt từ năm 2010 đã không sát thực tế, và cũng chưa dự báo sự phát triển của địa phương trong tương lai.
Tiền phong